09/10/2013 06:11 GMT+7

Thư Bali: 15 năm, một cái ngoái nhìn

NGUYÊN LAM (từ Bali, Indonesia)
NGUYÊN LAM (từ Bali, Indonesia)

TT - Vẫn còn những vấn đề Việt Nam còn phải cố gắng, nhưng sau 15 năm tham gia APEC, nhờ các chương trình tự do hóa thương mại, hàng hóa Việt Nam ngày càng gặp ít rào cản hơn khi sang các thị trường APEC.

Các dòng thuế quan đã giảm hơn 70%, và mức thuế quan trung bình giảm từ 17% xuống còn trên 6%. Là nước đang phát triển, chúng ta đã tận dụng lợi ích từ tự do hóa thương mại và đầu tư.

Chỉ sau một thập kỷ tham gia, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và APEC đã tăng từ 10,5 tỉ USD lên hơn 90 tỉ USD, APEC trở thành thị trường xuất khẩu chính với kim ngạch tăng gấp 8 lần so với năm 1995. Chúng ta cũng nhập khẩu nhiều nhất từ các nước thành viên. Cũng như vậy, Việt Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư dồi dào nhất, tới hàng trăm tỉ USD từ APEC, chiếm trên 2/3 tổng giá trị FDI - dòng vốn quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế, tiếp thu công nghệ, cùng kinh nghiệm quản lý, để lại dấu ấn rõ nét trong diện mạo kinh tế. Đó là chưa kể những lợi ích về du lịch, là lực đẩy để ta gia nhập WTO, đẩy mạnh tự do hóa quan hệ thương mại song phương, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, và giờ đây là đàm phán tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định tự do hóa thương mại với EU, Nga - Belarus - Kazakhstan, Hàn Quốc...

Không chỉ tại APEC mà trong các chuyến thăm đối ngoại khác, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn nhấn mạnh dù thế giới đánh giá tốt những thành công của Việt Nam nhưng chúng ta không được chủ quan. Kết quả đạt được của ta vẫn còn rất khiêm tốn, nhiều mục tiêu đề ra khả năng thực hiện còn khó khăn như: nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn chờ ở phía trước; sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành trong các hoạt động APEC còn những bất cập, ít nhiều làm giảm hiệu quả chung. Nhận thức của doanh nghiệp về toàn cầu hóa còn hạn chế, đặc biệt thực trạng kinh tế vĩ mô đến hôm nay vẫn chưa ổn định vững chắc và nhân dân chưa hài lòng với nhiều bất cập của thực tiễn kinh tế và đời sống. Chủ tịch nước nói: “Ngày nay, khi các yếu tố của sản xuất và thị trường đã được quốc tế hóa một cách sâu sắc thì không một quốc gia nào có thể đạt được tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững để rút ngắn khoảng cách phát triển nếu không tham gia vào toàn cầu hóa. WTO, APEC, ASEM... và bây giờ là TPP và các hiệp định FTA song phương chính là những định chế giúp quá trình toàn cầu hóa của chúng ta”.

NGUYÊN LAM (từ Bali, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên