Giám thị hướng dẫn thí sinh làm thủ tục tại điểm thi Trường THPT Erst Thalmann, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP - cho biết ban chấm thi THPT quốc gia ở TP đã bắt đầu làm việc từ sáng chủ nhật 25-6 với việc kiểm bài, rọc phách, đánh số...
TP.HCM: 600 giáo viên chấm môn văn
“Sở đã huy động 600 giáo viên chấm thi môn văn. Các môn còn lại sở cũng đã bố trí hệ thống máy chấm bài trắc nghiệm. Mỗi môn thi sẽ có một tổ thư ký phụ trách để thực hiện các công việc liên quan. Mỗi tổ chấm đều có công an và cán bộ thanh tra giám sát chặt chẽ” - ông Đạt nói.
Cũng theo ông Đạt, chậm nhất TP.HCM sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia vào ngày 7-7. Nói về kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, ông Đạt cho rằng: “Kỳ thi đã trôi qua an toàn và nghiêm túc. TP.HCM đã có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT trước đó nên cũng không có gì bỡ ngỡ. Từ việc quy hoạch điểm thi, huy động giám thị, giám khảo đến việc sao in đề thi đều diễn ra khá thuận lợi và suôn sẻ”.
Tương tự, ông Trần Văn Long - trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Khánh Hòa - cho biết ngày 25-6 ban chấm thi đã mở cuộc họp thảo luận đáp án, biểu điểm và thống nhất ngày 28-6 sẽ bắt đầu chấm thi THPT quốc gia 2017.
Trước đó, Sở GD-ĐT Khánh Hòa tổ chức hai đợt thu bài thi từ các điểm thi và vận chuyển đến địa điểm chấm thi.
“Ban chấm thi được thành lập gồm 95 người. Trong đó có 63 cán bộ chấm thi tự luận, 6 cán bộ chấm kiểm tra, 7 cán bộ xử lý bài thi trắc nghiệm. Địa điểm chấm thi tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Toàn bộ cán bộ chấm thi đều là giáo viên các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh” - ông Trần Văn Long thông tin thêm.
Nhiều địa phương huy động thêm giảng viên ĐH
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT Quốc gia 2017 |
Sáng 25-6, ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết từ ngày 26-6 cụm thi số 28 do Sở GD-ĐT Nghệ An chủ trì sẽ bắt đầu tổ chức chấm thi và chậm nhất đến ngày 4-7 sẽ hoàn thành việc chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Sau khi chấm thi, Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ công bố rộng rãi thông tin điểm thi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thí sinh, phụ huynh biết.
Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ huy động khoảng 300 cán bộ, giáo viên chấm thi, phần lớn được phân công chấm thi môn ngữ văn. Ngoài ra, tại cụm thi số 28 sẽ có 3 máy tự động chấm bài thi trắc nghiệm và mỗi máy sẽ có 11 người phụ trách, bao gồm cả lực lượng công an giám sát.
Thời gian chấm bài thi trắc nghiệm dự kiến kéo dài trong 6 ngày. Về bài thi môn ngữ văn sẽ làm phách từ ngày 25 đến 26-6.
“Đây là năm đầu tiên sở chủ trì việc chấm thi nhưng việc tham gia ban chấm thi, chấm thi, thanh tra, giám sát công tác chấm thi đều có cán bộ của các trường ĐH. Công tác chuẩn bị cho việc chấm thi đã được tập huấn kỹ cho cán bộ giáo viên chấm thi, đặc biệt là sở nhận được kinh nghiệm từ Trường ĐH Vinh trong việc chấm bài thi môn trắc nghiệm”, ông Hoàn nói.
Dự kiến sau 6 ngày chấm thi, toàn bộ kết quả sẽ được chuyển ra Bộ GD-ĐT để xử lý, hoàn thiện. Sau đó, Sở GD-ĐT Nghệ An sẽ công bố kết quả thi.
“Đây là năm đầu tiên Sở GD-ĐT chủ trì việc chấm thi nhưng việc tham gia ban chấm thi, chấm thi, thanh tra, giám sát công tác chấm thi… đều có cán bộ của các trường ĐH" - Ông Nguyễn Trọng Hoàn (chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An) |
Trong khi đó tại Cần Thơ, bà Trần Hồng Thắm - giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết trong ngày 25-6 sẽ hoàn thành việc rọc phách để bắt đầu công tác chấm thi từ ngày 26-6.
Theo bà Thắm, công tác chấm thi năm nay huy động gần 70 giáo viên THPT của các trường trong địa bàn TP và giảng viên Trường ĐH Cần Thơ. “Tất cả giáo viên đều tập trung ở nơi do sở quy định để chấm thi. Suốt các ngày chấm thi đều có công an bảo vệ túc trực” - bà Thắm nói.
Còn tại Kiên Giang, ông Trần Quang Bảo - phó giám đốc Sở GD-ĐT - cho biết trước ngày 6-7 sẽ hoàn thành công tác chấm thi. Sở đã huy động 130 giáo viên chấm thi môn tự luận và 8 giáo viên hỗ trợ cán bộ kỹ thuật sắp phiếu trả lời trắc nghiệm để đưa vào máy quét.
Ông Bảo nói phải mất 6 ngày để quét và nhận dạng xong hàng chục ngàn phiếu trắc nghiệm. Còn bài thi tự luận phải chấm lâu hơn do mỗi giáo viên không được chấm quá 40 bài/ngày. Và phải chấm theo hai vòng độc lập nên phải mất 6, 7 ngày mới xong. Sở GD-ĐT Kiên Giang sẽ công bố kết quả thi ngày 14-7.
Sở GD-ĐT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp ngày 26-6 sẽ bắt đầu chấm thi và báo cáo về bộ trước ngày 10-7.
Bình Định: đang rọc phách môn ngữ văn Ngày 25-6, ông Đào Đức Tuấn - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định - cho biết sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia đã bắt đầu triển khai quét trắc nghiệm các môn vào 13h30 trưa 24-6. Lực lượng quét trắc nghiệm tiến hành 2 máy chia, phân lô theo môn. Sau khi quét xong sẽ lưu dữ liệu gốc gửi cho Cục khảo thí. Lực lượng giám khảo chấm thi các môn trắc nghiệm có khoảng 10 người dưới sự giám sát của PA83 - Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh, thanh tra sở và 2 đơn vị phối hợp là ĐH Quy Nhơn (1 người) và CĐ Bình Định (1 người). Cũng theo ông Tuấn, đối với bộ môn ngữ văn, hiện nay bên bộ phận chấm thi đang dồn túi đánh phách cho khoảng 17.000 bài thi và sẽ triển khai theo lịch của Bộ GD-ĐT, ngày 29-6 sẽ bắt đầu chấm các bài thi. Lực lượng chấm thi điều động 130 giám khảo trên toàn tỉnh. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn bộ việc chấm thi sẽ là ngày 6-7. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận