Vườn quốc gia hang Mammoth được cho là hệ thống hang động dài nhất thế giới tại bang Kentucky, Mỹ - Ảnh: NPS
Cả tám người (sáu nam và hai nữ) có tuổi đời từ ngoài 20-45 này đều là thành viên CLB Greater Cincinnati Grotto thuộc Hiệp hội hang động học quốc gia.
Cả nhóm người bị nạn cho biết đã sung sướng tới run người khi nghe thấy tiếng máy bơm, họ biết có ai đó đang cố giúp mình
MỘT THỢ LẶN
Dự báo thời tiết sai
Họ gặp nạn trong lần trở lại hang để tiếp tục khảo sát và sơ đồ hóa quá trình hình thành của kiến tạo địa chất đá vôi trong lòng hang. Vào ngày thứ bảy đen đủi, một cơn mưa dông bất ngờ ập xuống.
Vì đã từng khảo sát hang Precinct 11 trước đó nên cả nhóm đều biết hang không hề ngập nước. Họ cũng đã dùng gậy đo lường dòng chảy của lạch nước trong hang và hoàn toàn yên tâm khi dự báo thời tiết nói sẽ chỉ có mưa lất phất không đáng kể trong ngày thứ bảy (23-4-1983).
Họ thậm chí còn lên kế hoạch cho việc khám phá một hang động khác trong ngày hôm sau. Nhưng không thể ngờ trời đột nhiên đổ mưa như trút, nước dâng lên rất nhanh ở lối vào hang dài khoảng 30m, lấp kín luôn lối thoát duy nhất của cả đoàn.
Không còn cách nào, nước dâng tới đâu, cả đoàn phải lùi vào sâu thêm và trèo lên cao hơn để chờ cơn mưa dứt và hi vọng nước sẽ rút sớm.
Nhận được thông tin nhóm khảo sát hang động mất tích, một thợ lặn chuyên giải cứu các tình huống khẩn cấp trong hang động đã được gọi đến. Mất tới sáu giờ lặn ngụp, người thợ lặn không tìm thấy bất cứ dấu vết nào của họ.
Tiến sĩ George Veni, thợ lặn phụ trách đội cứu hộ hang động và hang đá của hạt Warren, cho biết ông phát hiện lối dẫn chính vào hang Precinct 11 đã bị ngập nước khi ông đi sâu khoảng 500m vào trong lòng hang.
Thả thông điệp cầu cứu
Nhóm cứu hộ chỉ có được manh mối đầu tiên để biết cả tám người mất tích vẫn còn sống khi các thợ lặn tìm thấy tờ giấy viết tay ghi thông điệp cầu cứu do người đồng trưởng nhóm, anh Gary Bush, viết và ký tên phía dưới.
Thông điệp mở đầu với dòng chữ "HELP" và nội dung thông báo: "Tám người vào hang vẫn đang chờ ở khoảng cách 1.800 bộ (548m) phía đầu nguồn" và "Đã ở đây từ 11h sáng thứ bảy 23-4. Giờ là thứ hai, 12h trưa 25-4".
Nhờ dòng tin này, lực lượng cứu hộ đã có thể khoanh vùng chính xác khu vực cần tìm. Họ bắt đầu bơm rút nước khỏi lối vào miệng hang rộng chừng 2m, song lúc ấy ngay cả với những chiếc đèn điện tử công suất lớn nhất, tầm nhìn trong hang vẫn chỉ là 15cm.
Nỗ lực tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn vì lòng hang quá tối.
Chỉ sau khi thòng sợi dây thừng qua dòng nước đục ngầu, lần tìm kiếm thứ ba trong ngày, tổ cứu hộ bốn thợ lặn mới xác định được chính xác vị trí nhóm người mắc kẹt đang đứng.
Và thật kỳ diệu, họ đang ở đúng vị trí mà người đồng trưởng nhóm đã ước tính trong lời nhắn viết tay thả trôi: cách hơn 540m so với nơi người ta đã tìm thấy chiếc hộp cầu cứu.
Một thợ lặn tham gia cứu hộ kể lại: "Cả nhóm người bị nạn cho biết đã sung sướng tới run người khi nghe thấy tiếng máy bơm, họ biết có ai đó đang cố giúp mình. Chúng tôi đã nói với họ về tình hình hiện tại và cho biết có thể giải cứu họ trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày nữa".
Cùng với nỗ lực bơm rút nước bên ngoài cửa hang, thợ lặn đã mang vào cho họ các hộp đựng sôcôla nóng, thịt bò đóng hộp, túi ngủ, chăn đắp để giúp những người bị nạn ổn định thể lực, chuẩn bị cho thời điểm di tản ra ngoài.
Thoát nạn
Tuy nhiên, Jim Burch, người điều phối của nhóm cứu hộ hang động hạt Warren, vẫn khẳng định chưa thể đưa nhóm người bị nạn ra ngay.
"Chúng tôi sẽ mang thêm các nhu yếu phẩm cho họ. Chúng tôi sẽ chờ cho tới khi nước rút xuống thêm nhiều hơn nữa trước khi đưa họ ra ngoài. Chúng tôi không muốn họ bị thương trong hành trình thoát khỏi hang" - ông Burch giải thích.
Sau đó, khi nước đã rút tới mức đủ an toàn để họ có thể thoát thân, cả nhóm đã vừa bơi, vừa bò ra khỏi hang.
Anh Steve Hudson, một trong sáu thợ lặn tham gia cứu hộ, cho biết "về cơ bản họ đã phải bơi trong tư thế ngửa mặt", áp mũi sát sạt vào vách hang đá vôi để có thể thở được từ một túi khí được lực lượng cứu hộ bơm vào.
Ở những đoạn hẹp nhất và khó đi nhất gần miệng hang, một trong các thành viên của nhóm đã phải tháo bỏ luôn cả mũ bảo hiểm để có thể lọt qua. Tất cả đều tự di chuyển ra ngoài bằng sức họ cùng với sự hỗ trợ của nhóm cứu hộ.
Thế rồi tất cả tám người, ở tình trạng ướt nhẹp, đã xuất hiện ở cửa hang trong tiếng hò reo, ngập tràn hạnh phúc trong những cái ôm và bắt tay của người thân và rất đông tình nguyện viên cứu hộ, phóng viên báo chí đang sốt ruột chờ đợi bên ngoài.
Sau tai nạn, anh Jack Hissong, người đồng phụ trách nhóm khảo sát với ông Gary Bush, chia sẻ rằng sự cố nguy hiểm này không khiến anh chấm dứt niềm đam mê khám phá hang động.
"Đó là cuộc sống của tôi, tôi có cảm tưởng giống như phi hành gia Neil Armstrong khi để lại dấu chân ở những nơi chưa ai từng đến".
Lối vào cửa hang thị trấn Horse Cave ở bang Kentucky, nơi 19 sinh viên bị mắc kẹt do mưa lớn bất ngờ trong năm 2016 - Ảnh: ABC
Giải cứu 19 sinh viên mắc kẹt trong hang ở Kentucky
Hai năm trước đây, vào ngày 26-5-2016, 19 sinh viên Trường đại học Clemson cũng đã được giải cứu sau khi bị mắc kẹt trong một chiếc hang ở Kentucky vì nước lũ dâng quá nhanh làm ngập lối ra.
Nhóm sinh viên này vào hang với bốn hướng dẫn viên trong buổi sáng. Tuy nhiên tới khoảng 2h chiều cùng ngày, cơn mưa lớn bất chợt đổ xuống khiến cả đoàn mắc kẹt.
Nhờ các hướng dẫn viên có kinh nghiệm, các sinh viên được chỉ dẫn đi tới một chỗ an toàn trong hang trong lúc nước tiếp tục dâng và sau đó đã may mắn thoát được ra ngoài.
Kentucky là bang có nhiều hang động ở Mỹ. Tại đây có vườn quốc gia hang Mammoth với hệ thống hang động dài nhất thế giới, hơn 643km.
_________
Kỳ tới: Trong hang sâu nhất ở Đức
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận