01/12/2019 10:16 GMT+7

Thời vàng son của cải lương lên sách 'Thật và Đẹp'

L.ĐOAN
L.ĐOAN

TTO - Có khá nhiều quyển sách về cải lương, tuy nhiên lựa chọn cách viết theo lối lịch sử truyền khẩu như cuốn 'Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp' vừa ra mắt là điều khá lạ.

Thời vàng son của cải lương lên sách Thật và Đẹp - Ảnh 1.

Sách Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp - Ảnh: LINH ĐOAN

Sách không nặng về những cột mốc ngày tháng và số liệu. Các câu chuyện cứ như những lời tâm sự đưa người xem về những ngày khởi đầu của cải lương, đi qua những "vàng son" trước và sau năm 1975 và trăn trở ở giai đoạn khó khăn hiện tại.

Đó là những câu chuyện không đại diện cho ai cả, mà mang tính cá nhân rất rõ, từ nghệ sĩ tới soạn giả, đạo diễn, nhà quản lý, nhạc sĩ, phục trang...: Hồng Dung, Lâm Trí Thanh, Kim Phượng, Thành Lộc, Trần Ngọc Giàu, Lê Thiện, Văn Môn, Kim Tử Long, Trinh Trinh, Nam Hùng, Lê Thị Phượng Diễm, Đồng Thị Quế Anh, Lê Xuân Hiểu, Leon Lê, Phương Hồng Thủy, Mỹ Hằng, Lê Tứ - Hà Như, Linh Trung, Tú Sương, Kim Cương, Hoàng Song Việt, Nguyễn Thị Minh Ngọc.

24 nhân vật kể cách mà họ bị cải lương lay động. Từ ký ức của họ, cải lương hiện ra tuyệt đẹp. Đó là câu chuyện dường như không dứt của NSND Kim Cương từ bà nội là cô Ba Ngoạn tới người cha - ông Nguyễn Phước Cương, được xem là người khai sáng cho cải lương, tới má Năm Phỉ, má Bảy Nam của bà, những cô đào tài sắc trong làng cải lương buổi sơ khai.

Đó là câu chuyện của đạo diễn Linh Trung, con nhà nông rặt bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn của cải lương, thời mà mỗi đoàn hát có thể diễn ngày ba suất và suất nào cũng nghẹt rạp; hình ảnh nhiều nghệ sĩ tài danh được in bán kèm những bịch me, bịch kẹo...

Cải lương "thật và đẹp" ngày ấy không chỉ quyến rũ người dân Nam Bộ mà còn lan tỏa khắp cả nước. Vậy nên mới có câu chuyện của thầy giáo Lê Xuân Hiểu - thầy của rất nhiều NSND, NSƯT hiện nay - đã từ Hà Nội vào Nam dạy ở khoa kịch hát dân tộc Trường Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, được rất nhiều thế hệ học trò kính trọng.

Đó còn là tâm sự của cô đào Phương Hồng Thủy lận đận tình duyên. Mẹ hát ngoài sân khấu, con toòng teng trên võng bên hông cánh gà, tới giờ giải lao mẹ lao vào cho con bú...

Sách không chỉ là những ký ức mà còn có những đau đáu rất thật, thậm chí có thể đụng chạm, như cái cách mà Leon Lê, đạo diễn phim Song Lang, cho rằng với anh, thời điểm những năm 1980 là khoảng thời gian cải lương hay nhất, đẹp nhất. 

Anh thẳng thắn: "Rất tiếc, với cải lương của hiện tại, tôi không còn tha thiết vì nó không còn giữ được phong độ, chất lượng đã làm tôi mê đắm". Đạo diễn Linh Trung cũng không ngần ngại: "Các nhà quản lý cải lương nói rất nhiều, nhưng có lợi trước mắt cho họ thì họ mới làm"...

Sách được thực hiện bởi giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử truyền khẩu Hugo Frey và nhà văn, giảng viên môn viết sáng tạo Suzanne Joinson (Trường ĐH Chichester, Vương quốc Anh), Hội đồng Anh và Nhà xuất bản Tổng Hợp phối hợp xuất bản. Bên cạnh ấn bản tiếng Anh, ấn bản tiếng Việt do nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc biên tập.

'Người cải lương' gặp gỡ công chúng tại Đường sách

TTO - Tối 23-11, tại sân khấu chính đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) đã diễn ra buổi khai mạc triển lãm sách và chuỗi sự kiện Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp.

L.ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên