24/01/2014 07:40 GMT+7

Thôi thúc Tuổi Trẻ ngăn cái xấu

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TT - Trong tháng 12-2013, bạn đọc đã góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ qua việc tham gia tạo ra những tác phẩm báo chí gây sóng dư luận xã hội khi trực tiếp tấn công để ngăn chặn cái xấu, cái ác như việc bạo hành trẻ mầm non, hôi bia, lấy nước pha chế canh trên tàu...

PFMyCUWu.jpgPhóng to
Từ trái qua: Chị Phạm Thị Phương Thanh, Anh Nguyễn Ngọc Tùng, Chị Nguyễn Thị Nữ Sinh, Thầy Tiến Minh - Ảnh: N.Hậu, Quang Thế, Trung Tân

Tuổi Trẻ đã trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ” tháng 12-2013 cho năm bạn đọc báo tin hoặc quay clip, viết bài để có các tác phẩm nóng trong tháng.

Thấy cảnh các cháu, lòng tôi đau lắm

Những đứa trẻ đã được giúp

Bài viết “Năm đứa trẻ trong căn nhà không có người lớn” (Tuổi Trẻ ngày 1-12-2013) được bạn đọc quan tâm chia sẻ rất nhiều. Đây chỉ là một trong những số phận bất hạnh mà thầy Nguyễn Tiến Minh, phó chủ tịch Hội Khuyến học huyện Định Quán, Đồng Nai, tiếp cận được khi đi khảo sát rất nhiều những mảnh đời cơ cực của các học sinh nghèo những xã vùng sâu của huyện miền núi Định Quán. “Sau khi báo Tuổi Trẻ đăng, các em đã được các nhà hảo tâm giúp đỡ rất nhiều. Thậm chí một số nhà hảo tâm sau khi đến địa phương giúp đỡ các em cũng đã tìm đến giúp đỡ một số mảnh đời cơ cực khác” - thầy Minh vui mừng cho biết.

Phóng sự điều tra “Đày đọa trẻ mầm non” (Tuổi Trẻ ngày 17-12) với những hình ảnh như bóp cổ, gí đầu xuống đất, tát bôm bốp vào mặt... mà hai bảo mẫu ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) dùng để “dạy” các bé mầm non cùng những tin, bài liên quan đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Đây cũng là bài viết nhận được nhiều phản hồi nhất, được bạn đọc bấm vào nút quan tâm nhiều nhất trên Tuổi Trẻ Online năm 2013.

Bạn đọc báo tin và hỗ trợ phóng viên Tuổi Trẻ trong quá trình tác nghiệp làm nên phóng sự điều tra này tâm sự rằng anh đã đọc nhiều bài điều tra trên báo Tuổi Trẻ, vì vậy khi chứng kiến cảnh các bảo mẫu bạo hành các bé ở mỗi bữa ăn, anh đã báo tin ngay cho báo Tuổi Trẻ.

“Thấy cảnh hành hạ các cháu bé, lòng tôi đau lắm. Các cháu bé đang tuổi ăn tuổi lớn... nếu để việc bạo hành tiếp diễn, các cháu sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Chính nỗi bức xúc, nỗi đau này đã thôi thúc tôi báo tin” - bạn đọc này chia sẻ.

Cũng trong tâm trạng muốn nhờ báo Tuổi Trẻ lên án nhằm ngăn chặn những hành động vô cảm trong xã hội, chị Phạm Thị Phương Thanh (ở Đồng Nai) đã cung cấp cho Tuổi Trẻ hai clip của mình quay được hầu như toàn bộ quá trình “hôi bia” của người dân khi xe chở bia gặp tai nạn ở Đồng Nai.

Khi clip này được đăng trong bản tin truyền hình “Dân vô cảm hôi của hàng ngàn thùng bia” được phát trên trang truyền hình báo Tuổi Trẻ Tuổi Trẻ Online chiều 5-12-2013, rất nhiều bạn đọc đã bức xúc, lên án hành động hết sức xấu xí, vô cảm của hàng trăm người “hôi bia”.

Chị Thanh kể: “Thấy xe chở bia bị tai nạn, tôi chạy ra xem đã thấy nhiều người dân ào vào hốt bia trong lúc tài xế van xin. Tôi đã cố ngăn cản mọi người nhưng số lượng người lao vào quá đông, hỗn loạn nên tôi đành bất lực. Khi ấy tôi liền lấy điện thoại cá nhân quay lại nhằm lên án hành động hết sức xấu xí trên cũng như làm bằng chứng giúp tài xế sau này. Khi gửi clip cho Tuổi Trẻ, trong thâm tâm tôi chỉ muốn nhờ báo Tuổi Trẻ phản ánh lại một hành vi xấu để người dân lên án. Sau khi Tuổi Trẻ thông tin, tôi thấy vui khi hiệu ứng xã hội từ báo đã làm cho nhiều người dân nhận thức hơn, bằng chứng là một số vụ tai nạn gần đây đã không còn cảnh hôi của người gặp nạn”.

Tương tự, khi chứng kiến cảnh nhân viên trên tàu lửa thản nhiên lấy nước pha với bột nêm để làm canh cho hành khách trước sự chứng kiến của nhiều hành khách, bạn đọc Nguyễn Ngọc Tùng (ở Bắc Giang) đã tìm cách quay lại hình ảnh này và viết bài phản ảnh gửi ngay cho Tuổi Trẻ.

“Tôi mong qua Tuổi Trẻ, ngành đường sắt sẽ chấn chỉnh tình trạng này” - anh Tùng tâm sự và cho biết thấy vui khi bài viết “Pha chế canh siêu tốc trên tàu” (Tuổi Trẻ 4-12-2013) đã được ngành đường sắt tiếp thu và nhân viên “pha chế canh” đã bị thôi việc.

Tìm trả ba tấm vé tàu để lòng thanh thản

Câu chuyện “Lòng tốt phía sau 3 vé tàu tết bị mất(Tuổi Trẻ 14-12-2013) đã được nhiều bạn đọc gọi là một câu chuyện đẹp trong năm 2013.

Chị Nguyễn Thị Nữ Sinh (ở Khánh Hòa) - nhân vật trong bài viết - trong một chuyến đưa khách du lịch miền Tây đã được một du khách người Ba Lan đưa cho một chiếc ví cũ kỹ, được bọc kỹ lưỡng nhờ trả cho người mất. Kiểm tra trong ví có một số tiền, ba chiếc vé tàu và toàn bộ giấy tờ của ông Vũ Xuân Ngân (quê Nam Định, ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chị Nữ Sinh đưa thông tin của người mất tài sản lên Facebook của mình nhờ bạn bè tìm chủ nhân của chiếc ví.

Một tuần trôi qua không có phản hồi, chị Nữ Sinh tìm đến báo Tuổi Trẻ nhờ đăng thông tin tìm người mất tài sản. Thấy nhiệt tình của người khách đặt quảng cáo, báo Tuổi Trẻ và công an địa phương (nơi ông Ngân có hộ khẩu) phối hợp tìm chủ nhân chiếc ví.

Ba chiếc vé tàu và toàn bộ giấy tờ đã được trả cho chủ nhân ngay tại TP.HCM, nơi họ đang hằng ngày cóp nhặt từng đồng để về quê đón tết.

Chị Nữ Sinh kể rằng khi nhận ví chị đã nghĩ chủ nhân chắc chắn là người nghèo. Chính cái nhìn trực quan và khi kiểm tra trong ví có ba vé tàu về Nam Định, chị có sự thôi thúc phải tìm bằng được người mất dù phải tốn nhiều công sức.

“Tôi muốn kiếm bằng được người mất ví vì linh cảm cho thấy họ đang rất cần ba tấm vé đó, đặc biệt giấy tờ tùy thân đối với những người nghèo khi đi làm lại vô cùng vất vả, khó khăn. Tôi muốn mình phải tự tay trả bằng được tài sản ấy cho họ, có như vậy mới cảm thấy thanh thản. Tôi muốn chủ nhân những tấm vé ấy được về bên gia đình, không vì mất vé mà phải xa quê trong những ngày xuân yên ấm” - chị Nữ Sinh tâm sự

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên