24/12/2013 01:36 GMT+7

Thôi phải giật mình

 PHẠM LINH LANC.V.KÌNH ghi
 PHẠM LINH LANC.V.KÌNH ghi

TT- Hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có chất độc hại không phải mới xuất hiện ở VN. Nhưng thường khi các nước khác thu hồi, sản phẩm đã gây hậu quả... chúng ta mới ra quân, xử phạt. Phải đảo ngược lại, cơ quan quản lý là người “gác cổng” tốt chứ không chỉ chạy theo xử phạt...

Tràn lan đồ chơi Trung Quốc độc hại Thu giữ sản phẩm đồ chơi Halloween độc hại Độc tố phthalates không chỉ từ thú nhún

Ăn uống, mua sắm đồ dùng sinh hoạt thì ai cũng phải thực hiện hằng ngày. Dù VN đã có luật và đang có nhiều cơ quan nhà nước đứng ra quản lý, nhưng người tiêu dùng VN vẫn bị hàng hóa độc hại đe dọa và tình hình có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.

Trước đây là quần áo có nhiễm fomandehyt có thể gây ung thư, là rau củ quả từ Trung Quốc ướp đủ thứ chất bảo quản độc hại. Mới đây là rượu 29, là búp bê đầu trái cây được các nước phát hiện có chất nguy hiểm... Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng VN luôn bị động, họ “giật mình” trước cảnh báo từ nước ngoài qua báo chí chứ không phải được phát hiện bởi cơ quan chức năng của VN.

Nhìn quanh đâu cũng thấy hàng hóa tiềm tàng nguy cơ. Rau qủa phun hóa chất, đậu phụ trộn thạch cao, hải sản ướp đạm, gạo phun hóa chất ngay trước khi gặt hoặc trộn thuốc chống mốc... là những “nghi án” được truyền miệng rất phổ biến nơi người dân... Đừng để những nạn nhân của sản phẩm độc hại phải làm “người tiêu dùng không thông thái” bất đắc dĩ bởi họ không được cung cấp thông tin cảnh báo trong khi sản phẩm độc hại bày bán công khai, khắp nơi. Liệu có cách quản lý nào tốt hơn để bảo vệ người dân?

Cơ chế “cái bánh mì bốn bộ quản lý” được khắc phục một phần nhờ Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật bảo vệ người tiêu dùng... Tuy nhiên, khi xảy ra sản phẩm gây chết người, các cơ quan nhà nước vẫn có thể đổ lỗi cho nhau. Rõ ràng cơ chế quản lý chưa bảo vệ được người tiêu dùng. Thậm chí, búp bê đầu trái cây có chất nguy hiểm, cơ quan quản lý chất lượng nước ngoài công bố, báo chí đã đăng, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành về chất lượng không những chưa làm gì, mà còn... chưa biết, thì quả thật “chưa phải là thời điểm tốt để làm người tiêu dùng ở VN” - như một chuyên gia nước ngoài đã thốt lên tại một hội thảo về quản lý hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng mới đây.

VN chưa thể quản lý tốt như các nước phát triển. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của VN xuất ra nước ngoài, kể cả sang Trung Quốc, bị kiểm tra rất chặt chẽ. Rất nhiều mặt hàng dù có dư lượng kháng sinh thấp, họ cũng phát hiện, trả về. Mặc dù kêu ca các nước dựng hàng rào phi thuế quan, nhưng bản thân nhiều doanh nghiệp VN cũng phải “ngưỡng mộ” cơ chế bảo vệ người dân ở nước ngoài. Điều khác biệt lớn có thể thấy ngay là những nước đang quản lý tốt họ thường chỉ có một cơ quan quản lý chất lượng hàng hóa và chịu trách nhiệm toàn bộ việc này, chứ không có nhiều bộ chia nhau quản lý như VN!

Như vụ rượu nếp 29, đã có chết người, thủ phạm đã bị bắt, nhưng vẫn không dễ gì tìm ra cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm. Mà như thế thì người tiêu dùng, nói đúng hơn là 90 triệu dân VN, sẽ còn phải “giật mình” dài dài...

 PHẠM LINH LANC.V.KÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên