
Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "thuế tài sản mới là đề xuất, còn phải lắng nghe dân". Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ tiếp thu sâu sắc, đầy đủ ý kiến, đặc biệt là của người dân.
Những nội dung được đồng thuận cao mới đưa vào dự án luật để xin ý kiến Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ.
Những bức xúc về thuế tài sản tạm thời lắng xuống. Nhưng câu chuyện chưa thể khép lại vì đây là lần thứ hai Bộ Tài chính đã khuấy động dư luận, tạo ra những bức xúc không đáng có trong xã hội.
Lần trước là đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng với những nhận định của một lãnh đạo bộ: "Tăng thuế không ảnh hưởng đến người nghèo".
Hai lần làm dư luận bức xúc, Bộ Tài chính đang làm khó mình và làm khổ dân.
Bộ Tài chính đang làm những công việc thuộc trách nhiệm của mình là nghiên cứu, đề xuất chính sách, từ đó đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Nhưng tiếc thay cách làm của bộ lại chưa khéo léo, chủ quan, áp đặt một chiều, chưa lường hết được sự nhạy cảm của vấn đề khi đụng đến túi tiền của người dân.
Không có bài học nào được rút ra sau những bức xúc về tăng thuế giá trị gia tăng trong năm 2017 mà khi đó người đứng đầu Chính phủ phải chỉ đạo không tăng thuế phí.
Các đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, ban hành thuế tài sản còn đó. Một ngày nào đó, các thông tin liên quan đến những khoản thuế này lại được nêu ra trước dư luận.
Chắc chắn người dân không chấp nhận lại phải xôn xao, bức xúc vì những điều khoản của dự thảo thuế xa rời thực tiễn, chỉ được cho nhà quản lý mà thiếu sự đồng thuận từ người dân.
Chỉ có lắng nghe, cầu thị, bỏ thói quen làm thuế kiểu áp đặt, khi đó Bộ Tài chính sẽ nhận được từ người dân những đóng góp sâu sắc, sát sườn với cuộc sống, kể cả trong những sắc thuế gai góc như thuế tài sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận