Chợ nghèo ở Cây Da Sà - Ảnh: Q.V.
Có một thời rất khó gọi xe vào được khu Cây Da Sà.
"Tụi tôi đi đâu đó, nhảy xe ôm hay xích lô về nhà thường chỉ nói tới Phú Lâm. Khi tới đó rồi mới kêu chạy thêm, ráng chạy thêm một đoạn nữa và gần tới ngã tư Cây Da Sà thì xuống đi bộ vô. Bởi ngay từ đầu mà nói vào Cây Da Sà thì xe nào cũng né" - ông Hồ Á Quan, 67 tuổi, người Hoa dân tộc Nùng, nhiều năm gắn bó với khu vực này, cho biết.
Thay đổi theo thời cuộc
Sau năm 1975, khu Cây Da Sà có nhiều biến động. Một số người liên quan đến lính tráng quân đội cũ di tản. Những người ở lại thì đi kinh tế mới.
Vài năm đầu sau giải phóng, khu vực này thưa vắng hẳn bởi dân tại chỗ tứ tán khắp nơi, dân nơi khác lại không muốn chui vào "khu ổ chuột" với các căn nhà chỉ có 16m2, hẻm hóc nhỏ như hang rắn.
Những người còn bám trụ thì quanh quất sống bằng nghề làm thuê, buôn bán vặt, kể cả chăn nuôi, trồng rau muống ở các ao đầm.
Chính quyền thay đổi có làm những kẻ buôn bán thuốc phiện lắng xuống, nhưng vẫn không dứt hẳn. Họ hoạt động kín hơn, nhỏ lẻ hơn…
Ông Trịnh Lầu, người dân sống ở khu vực này, kể: "Tôi nhớ khoảng năm 1980, khu Cây Da Sà lại dần đông đúc như cũ. Nhiều người đi kinh tế mới không bám trụ được đất lạ, quay về thành phố.
Thời điểm này, dân Cây Da Sà đã nghèo lại càng nghèo hơn. Mọi người bung ra kiếm sống bằng đủ việc, kể cả buôn bán ma túy, thứ gây nghiện nặng hơn loại thuốc phiện trước năm 1975" .
Theo ông Lầu, những năm tháng cực kỳ khó khăn đó ai lương thiện thì buôn bán vặt vãnh ở khu chợ Phú Lâm hay tìm việc bốc vác, lơ xe ở xa cảng miền Tây, rồi đạp xích lô, chạy xe ôm...
Hoạt động giang hồ ở Cây Da Sà lắng xuống, Vòng A Sáng đã chết trên đường đi vượt biên, lính tráng quân đội cũ còn ở lại thì "co vòi" hẳn theo thời thế thay đổi. Tuy nhiên, những hoạt động ngầm vẫn len lỏi khắp xóm này.
Ma túy, bài bạc, số đề, gái gú… Cây Da Sà có đủ. Vừa hoạt động ngay tại chỗ trong những con hẻm nhỏ vừa bung ra khu Phú Lâm, xa cảng miền Tây…
"Không còn tiếng tăm đại ca nào lớn nữa, nhưng hồi này Cây Da Sà vẫn khét tiếng là mảnh đất dữ dằn nhất nhì thành phố. Ngón nghề ăn chơi nào cũng có, nhưng tai tiếng nhất là đánh lộn. Không còn súng đạn rầm rầm như trước giải phóng thì họ đập nhau bằng cây tràm.
Loại tràm cừ cứng như sắt từ Long An lên bày bán đầy ở khu Phú Lâm. Ai dính cây này không đổ gục chết thì cũng nát xương. Kinh khủng nhất là những cây dùi sắt mà dân bốc vác hay thủ thân và thỉnh thoảng để thọt trộm gạo" - ông Lầu kể.
Theo ông Lầu, trước năm 1975, Cây Da Sà nổi tiếng đánh nhau, nhưng sau 1975 lại càng đánh nhau nhiều hơn.
Những người lớn tuổi như ông Lầu vẫn nhớ hồi những năm khó khăn 1980, hầu như ngày nào dân Cây Da Sà cũng có chuyện đánh lộn đánh lạo. Vừa đánh lẫn nhau vừa kéo sang "lãnh địa" giang hồ khác để đánh.
Đám con nít mới lớn cũng tập tành theo các anh chị để thể hiện bản lĩnh đánh nhau. Đó là lý do mà những người như ông cố tìm cách rời khỏi khu vực này, dù đã sống ở đó gần cả đời người...
Giang hồ xẹp xuống, bùng lên
Khoảng những năm 1984 - 1985, các tệ nạn ở khu vực Cây Da Sà đã trở thành nỗi nhức nhối cả vùng phía tây thành phố. Chính quyền quyết định làm cuộc đổi thay lớn.
Nhiều người nghiện ngập bị tập trung đưa đi cai nghiện. Tội phạm hình sự "nằm vùng" ở đây bị truy bắt đến cùng. Trẻ em người Nùng thất học được khuyến khích đến trường và chính quyền cho mở lớp tình thương ngay từng khu xóm.
Các điểm chốt dân phòng, công an được lập ở ngay những đầu hẻm phức tạp.
Ông Tsan Mai Phú - ngoài tuổi 50, chủ tiệm ăn Hùng Ký lớn nhất Cây Da Sà - nhớ lại: "Ngay sau đợt "chà xát" lớn này, tình hình phức tạp có vẻ xẹp xuống. Một số tay anh chị bị bắt, số khác dần dần cũng chết vì nghiện ngập, bệnh tật. Bề mặt giang hồ, tệ nạn khu vực có vẻ giảm hẳn…".
Tuy nhiên, "cuộc chiến" ở Cây Da Sà không được chấm dứt đơn giản như vậy. Một thời gian tạm lắng sau các đợt công an "chà xát" địa bàn, các loại tội phạm lại âm thầm len lỏi trở lại, thậm chí bùng phát mạnh.
Anh Lê Phú Chiến - trưởng ban bảo vệ khu phố 2, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân - nhớ lại đến những năm 1990 rồi mà người lạ vẫn phải sợ khi vào các con hẻm ở Cây Da Sà.
Con nghiện ngồi, nằm lê la khắp nơi. Kẻ buôn bán ma túy thì trừng trừng nhìn người lạ như sắp nuốt sống con người ta. Công an tổ chức các đợt "càn quét", nhưng họ dạt đi rồi lại trở về, thậm chí công an muốn theo dõi, truy bắt đối tượng cũng khó.
Trong những con hẻm nhỏ chằng chịt, bất cứ người lạ mặt nào vào cũng bị người dân vốn rất gắn kết với nhau ở Cây Da Sà phát hiện ngay.
Một cảnh sát điều tra quận Bình Tân kể: "Có hôm tôi tình cờ vào đây vì việc riêng. Sau đó, cảnh sát bắt trường gà trong khu vực. Vậy mà họ nghi tôi theo dõi bắt vụ này dù tôi không dính líu".
Cùng với tình hình tội phạm lúc tạm xẹp xuống, lúc bùng lên dai dẳng, cuộc sống khó khăn cũng là một thực trạng nặng nề ở Cây Da Sà.
Khoảng giữa những năm 1980, xóm nghèo này rộ lên nghề làm bánh bò, bánh tiêu và kéo dài được đến tận ngày nay.
Ngoài những kẻ không thể dứt được tệ nạn, một số người cũng cố gắng làm các nghề lương thiện kiếm sống. Tuy nhiên, do quá nghèo, nhiều gia đình vẫn cố bám trụ ngày này qua ngày khác vì miếng cơm manh áo...
Cuộc đổi thay, hồi sinh vùng "đất dữ" của chính quyền đầy gian nan…
Cuộc sống nghèo khổ vẫn đeo đuổi dai dẳng người dân ở Cây Da Sà - Ảnh: Q.V.
Nỗi sợ tệ nạn và nghèo đói
"Giang hồ, tệ nạn làm người ta sợ, cơ cảnh nghèo khốn càng làm người ta sợ thêm nên suốt một thời gian dài trai gái Cây Da Sà rất khó lấy được chồng, được vợ bên ngoài" - ông Trịnh Lầu nói.
Cũng vì muốn con cái không bị ảnh hưởng bởi tiếng xấu của Cây Da Sà, nên những người thức thời như ông phải rời bỏ Cây Da Sà ráng tìm kiếm chỗ ở tốt hơn.
Ngày ông rời đi, thời điểm năm 1997, Cây Da Sà vẫn còn nhiều ngôi nhà không số, nhỏ nát như thùng tôn gỉ sét mà nắng thì oi bức, mưa thì ngập từ ngoài đường đến tận trong nhà…
_______
Kỳ tới: Cuộc "hồi sinh" nhọc nhằn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận