17/08/2018 11:19 GMT+7

Trở lại Cây Da Sà - đất dữ một thời

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTO - “Nhứt Da Sà, nhì Tôn Đản, thứ ba Mả Lạng”, hơn nửa thế kỷ, địa danh Cây Da Sà luôn khét tiếng giang hồ của các đại ca. Nhiều năm qua, một cuộc đổi thay, hồi sinh vùng đất dữ đầy gian nan...

Trở lại Cây Da Sà - đất dữ một thời - Ảnh 1.

Cây Da Sà đã bị chặt nhưng miếu thờ hiện nay vẫn còn - Ảnh: QUỐC VIỆT

Theo tôi hiểu thì khu Cây Da Sà chỉ bắt đầu đình đám trong giới giang hồ từ sau năm 1954 khi nhiều người Hoa dân tộc Nùng từ biên giới Việt - Trung đến đây sinh sống.

Ông TRỊNH CHÍ PHƯỚC

Tôi trở lại Cây Da Sà vào một đêm khuya đầu tháng 8. Nhiều căn nhà như túp lều "ổ chuột" vẫn sáng đèn ở cái xóm nghèo ngay ngã tư Bà Hom - An Dương Vương.

Thẻo đất nhỏ xíu, chỉ hơn 10.000m2, mà rối rắm như ma trận lọt thỏm giữa ba phường Bình Trị Đông, An Lạc A, quận Bình Tân và phường 13, quận 6, TP.HCM.

Nửa đêm về sáng

Mưa dần ngớt hạt. Nhiều người già và đám thanh niên, phụ nữ đang lúi húi nhồi bột làm bánh bò, bánh tiêu. Các chảo mỡ to đùng sôi sùng sục ngay lề đường.

Đêm về khuya. Lác đác vẫn còn trẻ em ngồi lột vỏ trứng cút. Tất cả đang miệt mài cho buổi chợ sáng. Thi thoảng, những chiếc xe máy thùng rà tới. Khách mối của các lò bánh nổi tiếng ở Cây Da Sà tranh thủ lấy hàng đêm để đem bán chỗ khác.

Đầu con hẻm nhỏ như hang rắn, một nhóm thanh niên đang nhậu khuya. Tiếng bolero khàn đục lẫn trong tiếng xe...

Tôi bắt chuyện với chủ một lò bánh lớn ngay gần ngã tư Bà Hom - An Dương Vương. Sử dụng cả miệng lẫn tay để thể hiện sự chân tình, nhưng người đàn ông trung niên chỉ gục gặc, ừ hử cho qua chuyện.

Đến lò bánh thứ hai, xã giao có vẻ còn tệ hơn. Nghe tôi chào hỏi, người đàn bà chỉ gật một cái rồi quay luôn vào nhà. Ở lò bánh thứ ba, tôi may mắn được đáp nụ cười thân thiện. Nhưng ý đồ "khai thác" của tôi vẫn gặp khó. Người phụ nữ đứng tuổi chỉ trả lời bằng những... nụ cười.

Hình như cảnh nhà báo đi phỏng vấn lúc 2h sáng ở cái xóm suốt nhiều năm chết danh "đất dữ" làm người dân cảnh giác. Cũng có thể tôi đi vào giờ ngặt, mọi người đang bận rộn cho buổi chợ sáng.

Tuy nhiên, mọi sự đều không làm tôi bất ngờ. Hơn 10 năm ngụ cư gần Cây Da Sà giúp tôi không còn bất ngờ...

Khu vực Cây Da Sà giữa thế kỷ 20 còn là một vùng đất thưa thớt dân cư với đa số sống bằng nghề vườn ruộng dù không xa trung tâm thành phố. Cái tên Da Sà bắt nguồn từ cây cổ thụ đã che bóng mát từ hàng trăm năm ở đây, nhưng hiện nay không còn nữa.

Ông Võ Anh Tuấn, cựu đại sứ Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc, từng sống ở làng Tân Tạo gần Cây Da Sà, nhớ lại: "Những năm đầu 1940, tôi hay đi học qua khu này. Hồi đó còn là xóm nhỏ xíu bên con lộ đất mà nắng thì bụi bặm, mưa lại sình lầy. Ngay cả ngoài mặt lộ lớn (đường Bà Hom hiện nay), dân cư cũng loe hoe với nhà cây, mái lá, rất hiếm hoi có nhà gạch...".

Theo ông Tuấn, dân khu Cây Da Sà và cả vùng Phú Lâm, Tân Tạo hồi đó sống rất lành. Một số người sinh nhai nhờ ruộng vườn tại chỗ. Trai tráng thì đi bốc vác, kiếm việc trong trung tâm thành phố.

Cây Da Sà có cái miếu bên dưới là nơi học hành của đám nhỏ và thờ cúng của người lớn. Dân nơi đây tin linh thiêng, truyền miệng "thần cây da, ma cây gạo".

Trở lại Cây Da Sà - đất dữ một thời - Ảnh 3.

Đường Bà Hom chạy qua Cây Da Sà thập niên 1960 - Ảnh tư liệu

Xóm Nùng

Sau năm 1945, cuộc kháng chiến chín năm với Pháp đã khiến xóm Cây Da Sà cũng như cả thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn biến động. Rẻo đất này đông dân dần mà đặc biệt là những người từ biên viễn Việt - Trung vào.

Ông Trịnh Chí Phước, sinh năm 1945, chủ sự miếu Cây Da Sà, kể: "Theo tôi hiểu thì khu Cây Da Sà chỉ bắt đầu đình đám trong giới giang hồ từ sau năm 1954 khi nhiều người Hoa dân tộc Nùng từ biên giới Việt - Trung đến đây sinh sống".

Theo ông Phước, khi ấy khu Da Sà là một xóm nghèo rất ít dân. Nằm sau lưng khu Phú Lâm, nó như cái "kẹt" không thuận buôn bán, làm ăn. Trong khi đó, người Nùng chỉ biết làm nông nghiệp chứ không giỏi kinh doanh.

"Ban đầu, tụi tôi hay được chủ gọi làm việc bốc vác vì có sức khỏe. Gốc gác dân miền núi, ai cũng có cái chân, cái lưng rất khỏe. Thường người khác vác bao gạo 50kg, chúng tôi vác luôn cả hai bao, có thể làm suốt từ sáng đến tối mà không kêu ca, phàn nàn gì. Một ngày nhận tiền công đúp bằng hai người. Chủ rất khoái ..." - ông Trịnh Hào, 81 tuổi, từng ở Cây Da Sà hơn nửa thế kỷ, tâm sự.

Theo ông Hào, khoảng nửa cuối thập niên 1950, khu Cây Da Sà vẫn xác xơ. Tránh nắng mưa còn chưa kín dưới các chòi lá tạm bợ, người ta đem mọi thứ ra ngoài, từ chăn nuôi, bếp núc, phơi phóng đến cả chuyện vệ sinh cá nhân.

Những dịp cúng kiếng, mấy ông chủ người Hoa giàu có ở Chợ Lớn xuống đây tặng gạo, thường chỉ đứng ngoài lộ lớn, không chịu vào trong vì... sợ dơ, sợ nghèo!

Một thời gian sau, có quan chức Đài Loan sang thăm Sài Gòn, đến hỏi han tình hình người đồng hương ở Cây Da Sà. Họ tài trợ làm những dãy nhà vẫn còn dấu vết đến tận bây giờ, và được người dân quen gọi là "nhà Đài Loan".

Đó là những dãy nhà xây tường gạch, mái tôn, kích cỡ bằng nhau với chiều ngang 40m, sâu 4m. Nhìn bên ngoài thì rộng nhưng được phân đều cho... 10 hộ dân, bất kể gia đình nhiều ít con cái thế nào.

Trong dãy nhà chung này, góc ở riêng tư của các gia đình được người dân tự che chắn bằng gỗ ván, phên tre, thậm chí chỉ vải, giấy tạm bợ. Đặc biệt, vì diện tích quá hẹp, cứ hai nhà mới có chung một bếp nấu ăn, nơi tắm giặt và nhà vệ sinh xây dựng bên ngoài.

"Hồi đó, ai cũng nghèo nên hầu như cái gì cũng chung, thậm chí chung cả nồi niêu nấu nướng. Một nhà có chuyện buồn vui gì không chỉ các gia đình trong dãy nhà chung biết, mà cả khu Cây Da Sà cũng biết" - ông Phước sống lại hồi ức cũ.

Trở lại Cây Da Sà - đất dữ một thời - Ảnh 4.

Ngã tư Cây Da Sà hiện nay - Ảnh: QUỐC VIỆT

Gắn kết cộng đồng

Theo những người cao tuổi như ông Phước, ông Hào, người tộc Nùng đi đâu cũng có sự gắn kết cộng đồng, bang hội chặt chẽ.

Ở khu Cây Da Sà, sự gắn kết này lại càng thít chặt hơn khi họ cùng sống trong không gian chật hẹp, san sát nhau đến mức tỏ tường từng chuyện nhỏ riêng tư.

Đó chính là nguyên nhân khiến các trùm băng đảng khét tiếng từng hoành hành ngang dọc Sài Gòn một thời như Đại Cathay, Tín Mã Nàm, Lâm Chín Ngón cũng không dám gây sự với dân Cây Da Sà.

Họ chiến một người, tức là chiến với trăm người ở đây...

Kỳ tới: Một thời khét tiếng


QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên