31/12/2014 13:00 GMT+7

​Thời gian khó và kiện tướng tuổi 20

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Những ngày lao động ở Phú Ninh là những ngày gian khó, bữa ăn chỉ toàn bo bo, áo không đủ mặc.

Nhiều bạn trẻ các nước Đông Âu cũng đã tình nguyện tham gia xây dựng Phú Ninh - Ảnh tư liệu
Nhiều bạn trẻ các nước Đông Âu cũng đã tình nguyện tham gia xây dựng Phú Ninh - Ảnh tư liệu

Nhưng đó cũng là quãng thời gian đẹp nhất của những thanh niên đã gắn bó đời mình với công trình này.

“Tụi nhỏ bây giờ không tin...“

Khi “cỗ xe” Phú Ninh chuyển bánh cũng là lúc hàng vạn thanh niên Quảng Nam - Đà Nẵng nô nức “tòng quân”, xung phong đến với đại công trường này. Ở tuổi 56, tóc đã điểm bạc nhưng nhắc đến những ngày tháng không quên đó, bà Dương Thị Nga (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) giọng lại trẻ trung như thuở nào.

Năm 1978 Nga 21 tuổi - cái tuổi xuân phơi phới của đời con gái. “Đó là vào khoảng tháng 4, tháng 5-1978, khi nghe tin đăng ký lên xây dựng hồ Phú Ninh là thanh niên 16 xã của Hòa Vang nườm nượp lên đường, hừng hực lắm” - bà Nga hào hứng nói.

“Hai năm lăn lộn với Phú Ninh là những ngày tháng cùng cực nhưng đáng nhớ nhất đời - bà Nga hồi tưởng - Ngày đầu đặt chân tới Phú Ninh, trước mắt là mênh mông rừng rú, những lán trại bằng tranh tre kê san sát”.

Đến nơi là bắt tay ngay vào việc, người cầm cuốc, kẻ cầm xẻng, người đẩy xe cút kít, xe cải tiến... làm quần quật. “Bữa ăn là những nồi cơm độn sắn khô. Chị nuôi thấy anh em nhai sắn cứng trệu trạo cả hàm thương quá. Vậy là trước khi nấu, các chị phải xắt mỏng sắn rồi luộc cho chín, sau đó mới ghế với cơm cho dễ ăn” - bà Nga chia sẻ.

Khổ nhất là những đội nữ vì thiếu nước sinh hoạt nên sau mỗi ngày lao động vất vả phải vào nhà dân tắm hoặc xách từng xô nước về lán.

Năm 1977, ông Trần Muôn (TP Tam Kỳ, nguyên phó đại đội 2 thị xã Tam Kỳ) mới 24 tuổi. Khi nghe kêu gọi lên xây dựng hồ Phú Ninh, Muôn đã xung phong đăng ký đi đầu. Đúng một tháng sau khi 29 phát mìn khởi công, đại đội của Muôn với 180 thanh niên của Tam Kỳ đã hành quân lên Phú Ninh vào ngày 29-4. 60 năm cuộc đời nhưng bác Muôn tâm sự rằng ba năm tình nguyện ở Phú Ninh là quãng thời gian oanh liệt nhất, vất vả nhưng huy hoàng.

Rít hơi thuốc dài, giọng bác Muôn trầm ngâm: “Hồi đó cái gì cũng khổ, con trai tôi đã hơn 30 tuổi nhưng khi tôi kể chuyện xây hồ Phú Ninh, tụi nhỏ bảo làm gì mà khiếp thế, chúng không tin”. Rồi bác tiếp mạch: “Kể cũng lạ thiệt, sao hồi đó thanh niên làm lụng rần rần dù bụng thì đói ọc ạch mà chẳng ta thán chi”.

Vào một đêm rằm năm 1977, trăng tròn vành vạnh, nằm bên cạnh Muôn là Tiến “cận” (đại đội 2). Tiến “cận” vội bật dậy, giọng Quảng không lẫn vào đâu được: “Thôi chết cha, ngày ni rằm mà mi. Mẹ ta chắc có nấu chè, ta về ăn hè. Thèm bắt chết được”.

Hai chàng trai vội lên xin phép lãnh đạo rồi cuốc bộ từ điểm làm ở Khánh Thọ cách Tam Kỳ 15-16km về đến nhà gần 12g đêm. “Mỗi đứa ăn hết năm chén chè, xong đi bộ lên lại mà vẫn khỏe re” - bác Muôn chia sẻ.

Khi những trai tráng như Ba Muôn, Tiến “cận”... quần quật trên công trường thì chỉ huy của họ cũng xắn tay áo vào làm. Bác Muôn nhớ mãi hình ảnh B trưởng Tam Kỳ Nguyễn Quang Hiệp (đã mất), hằng đêm lò dò cầm đèn pin ra soi cho xe ủi đất. Trời đen như hũ nút, chiếc xe ủi húc vào người khiến ông té dập mặt xuống đất.

“Mấy ông già còn hăng hái chẳng quản ngày đêm như vậy, mình thanh niên nhìn vô mà nể, cứ thế làm, máu lửa lắm”. Vào những ngày thi đua, đại đội huy động thanh niên tràn về Tam Kỳ xin lốp ôtô, xe đạp cũ lên đốt sáng rực công trường để làm việc.

Ông Nguyễn Văn Bá kể khi thanh niên xung kích cuốc nhát đầu tiên của tuyến kênh Bắc đã nghe “chát, chát”. Dưới lớp đất mỏng là đá xanh từng tảng. Tuyến kênh này trải dài từ Tam Thái, Tam Dân gần chục cây số. Không còn con đường nào khác ngoài... bàn tay, thanh niên phải thay phiên nhau đục đá xanh với chiều rộng kênh 10m, sâu 5,7m.

Theo ông Bá, chế độ cho người lao động chỉ có vài ký gạo và ít bạc lẻ đủ sống để lao động. Một số ở gần nhà dân phải nhờ dân nuôi. Thời gian này Chương trình lương thực thế giới (PAM) hỗ trợ lương thực cho người lao động trên công trường nào thịt hộp, cá hộp, bột mì, bo bo...

“Nhưng đúng lúc này chiến tranh biên giới nổ ra, tất cả những lao động trên công trường đều nhường phần ăn đó cho những chiến sĩ nơi tiền tuyến. Còn họ chấp nhận ăn bo bo, cơm độn sắn... để tiếp tục công cuộc xây dựng đại thủy nông” - ông Bá cho biết.

Kiện tướng một thời Nguyễn Thị Hà với cuộc sống chật vật hiện nay - Ảnh: Đoàn Cường
Kiện tướng một thời Nguyễn Thị Hà với cuộc sống chật vật hiện nay - Ảnh: Đoàn Cường

Kiện tướng tuổi 20

Suốt gần 10 năm xây dựng thủy nông Phú Ninh, có hàng chục thanh niên xuất sắc đã được phong kiện tướng. Nhưng duy nhất chỉ có một nữ kiện tướng lúc vừa tròn 20 tuổi, và sau đó nữ kiện tướng này lại tiếp tục được vinh danh hai năm liên tiếp là kiện tướng.

Đó là nữ kiện tướng Nguyễn Thị Hà (56 tuổi, ở xã Tam Thái, huyện Phú Ninh). Tìm tới nhà bà Hà không khó bởi dường như biệt danh “nữ kiện tướng Phú Ninh” dân khắp vùng đều biết. Trái với sự nổi tiếng của bà Hà, gia cảnh của nữ kiện tướng khiến ai nhìn vào cũng ứa nước mắt. Căn nhà cấp bốn được xây với giá 7,3 triệu đồng từ 13 năm trước giờ vẫn chưa tô trát, không cửa nẻo.

Bà Hà ngồi nhìn ra cửa, tay phải đu đưa chiếc võng cho đứa cháu ngoại bị dị tật đang nằm ngủ ngon lành. Ngày rời công trường, bà tự túc cho mình một đứa con, đó là niềm vui tuổi già của nữ kiện tướng...

Nhắc đến hai từ Phú Ninh, mắt bà Hà bỗng rực sáng. Bà tất tả vào buồng lấy ba mảnh giấy đã ố vàng nhàu nhĩ. Đó là giấy chứng nhận học lớp đối tượng Đảng năm 1980 với kết quả đạt loại khá. Một tờ giấy quyết định kết nạp đảng viên mới của Đảng bộ huyện Tam Kỳ ký ngày 30-8-1981 và một quyết định hoàn thành nghĩa vụ lao động Phú Ninh vào năm 1982.

“Còn mấy tờ chứng nhận kiện tướng nhưng nhà bị dột nên rách nát hết. Rời công trường Phú Ninh cô giữ được chừng đó giấy tờ và những kỷ niệm không bao giờ phai của tuổi thanh xuân” - bà Hà tâm sự.

Tay đưa đều theo chiếc võng, bà Hà trải lòng: năm 17 tuổi - cái tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu, Hà đăng ký vào đại đội 2 Tam Thái tình nguyện lên công trường hồ Phú Ninh. Ngày ra đi cũng đúng ngày khởi công công trình 29-3.

“Buổi sáng ở công trường nhộn nhịp lắm, dậy sớm tập thể dục cả đoàn, xong rồi quẩy gánh đi gánh đất, đá. Vai áo rách, máu tứa ra dính vào đòn gánh đỏ tươi. Bữa ăn toàn cơm độn bo bo hoặc bánh khoai, mà miếng bánh khoai cứ như bánh xe cải tiến” - bà Hà phác họa lại cuộc sống ngày ấy.

Kham khổ là vậy nhưng sức vóc làm việc của Hà thật kinh hoàng. Một mình kéo xe cải tiến từ đồi thôn 6, Cẩm Khê tới điểm san lấp hơn 100m nhưng một buổi Hà kéo 35 xe. “Một cuốc chim, một xẻng và chiếc xe cải tiến, có lần thi đua giữa các đơn vị tui kéo trong vòng 2 tiếng được 45 xe. Đó là chưa kể những khi gánh đất từ lòng kênh lên mặt chính tui gánh 40-50 gánh mỗi buổi” - bà Hà tự hào nói.

Với sức làm việc phi thường ấy, bà Hà được phong kiện tướng năm 1978, 1979 và 1980. “Phần thưởng cho mỗi lần như vậy là giấy chứng nhận kiện tướng cùng cuốn vở và cây bút lưu niệm. Vậy mà mừng rơn nằm ôm cả đêm không ngủ được” - bà Hà vui vẻ kể. Năm 1981, khi vừa 23 tuổi, Hà được kết nạp Đảng ngay trên công trường đại thủy nông Phú Ninh.

__________

Kỳ tới: Sự cố hợp long

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên