Bộ trưởng Đào Ngọc Dung - Ảnh: B.D.
Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.
Nhiều thách thức lẫn thời cơ
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…
Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam.
Khi xem xét các nội dung trong công ước, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một bước tiến, ông bày tỏ sự đồng thuận với việc tham gia Công ước số 98. Điều này thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện những cam kết về lĩnh vực lao động của chúng ta trong các điều khoản của hiệp định CPTPP.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng người lao động băn khoăn với những thách thức, thời cơ một khi chúng ta tham gia vào công ước này. Với sự có mặt của các đại biểu Quốc hội phụ trách Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại buổi thảo luận, ông Kim đề nghị lãnh đạo công đoàn lên tiếng.
"Tôi muốn hỏi là hiện nay chúng ta đã chuẩn bị tới đâu rồi, đã sẵn sàng chưa? Đặc biệt là Công đoàn Việt Nam sẽ hợp tác với các tổ chức đại diện cho người lao động một khi tham gia vào công ước ra sao?", ông Kim hỏi.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - cho rằng cần điều chỉnh một số quy định và lên cương lĩnh hành động. Về điều kiện sẽ có một tổ chức khác ngoài công đoàn đại diện cho người lao động khi tham gia công ước, ông Lộc cho rằng nên thực hiện theo từng cấp, trước tiên là thí điểm ở cấp doanh nghiệp.
ĐB Ngọ Duy Hiểu - Ảnh: B.D.
"Đây là thời điểm chín muồi"
Giải đáp những băn khoăn của đại biểu, phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc gia nhập Công ước 98 rất cần thiết. Theo ông Hiểu, trước tình hình mới thì vài năm gần đây LĐLĐ đã có bước chuyển đổi, tự làm mới mình rất tích cực, đặc biệt là hướng sự quan tâm tới việc chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Trong đó, công tác đối thoại và thương lượng tập thể được đặt lên hàng đầu.
"Rất nhiều mô hình thương lượng được áp dụng như thương lượng theo nhóm ở doanh nghiệp, thương lượng ngành, điều này đã đem lại lợi ích cho cả chủ sử dụng lẫn người lao động", ông Hiểu nói.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết hiện nay mới chỉ 60% tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước thương lượng tập thể, số doanh nghiệp chưa ký còn rất nhiều. Điều này đòi hỏi công đoàn phải nỗ lực rất lớn.
Chủ tịch Tổng LĐLD Việt Nam cũng khẳng định LĐLĐ sẵn sàng "kết nạp" các tổ chức khác đại diện cho người lao động một khi các tổ chức này đặt vấn đề muốn tham gia vào công đoàn. Về đổi mới tổ chức công đoàn, ông Cường cho rằng đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho Công đoàn Việt Nam.
Công đoàn đang trình phương án đổi mới theo từng bước, về cả phương thức hoạt động, giải pháp nhiệm vụ, đặc biệt là chăm lo lợi ích người lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn phải đáp ứng làm tốt nhiệm vụ, công khai minh bạch tài chính về tài sản công đoàn, đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động tham gia vào công đoàn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng thời cơ để tham gia vào Công ước 98 đã "chín muồi". Bộ LĐ-TB&XH đã thiết kế 9 nội dung kế hoạch hành động một khi Công ước 98 được phê chuẩn. Đi kèm với đó là điều chỉnh hoạt động các hành lang pháp luật về người lao động một cách đồng bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận