17/05/2006 07:23 GMT+7

Thoát khỏi ác mộng vàng

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Khi cơn lốc vàng đi qua, nỗi đau không chỉ giày xéo lên thân phận những phu vàng, mà còn làm điêu đứng hàng trăm gia đình của họ nơi quê nhà. Trong những ngày làm phu bãi vàng ở Quảng Nam, tôi đã chứng kiến những cảnh không còn nước mắt để khóc.

JjPe3rjg.jpgPhóng to
Phóng viên Tuổi Trẻ (cầm búa) cùng các phu vàng trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi ở bãi vàng. Những tấm ảnh trong loạt phóng sự này do một "đại ca" trong giới đào vàng chụp
TT - Khi cơn lốc vàng đi qua, nỗi đau không chỉ giày xéo lên thân phận những phu vàng, mà còn làm điêu đứng hàng trăm gia đình của họ nơi quê nhà. Trong những ngày làm phu bãi vàng ở Quảng Nam, tôi đã chứng kiến những cảnh không còn nước mắt để khóc.

Kỳ 1: Đi làm phu vàng Kỳ 2: Màu sắc của vàng Kỳ 3: Phu vàng, họ là ai? Kỳ 4: Gửi thân giữa núi rừng

Rời bãi vàng, gặp những quả phụ than gào bên mộ chồng, gặp những đôi mắt vô hồn của người mẹ già sau nỗi đau mất con.

Tiếng khóc người quả phụ

Buổi chiều còn chút ráng nắng, tôi lần mò ra nghĩa trang Khâm Đức, tiếng gió rít như tiếng khóc tỉ tê. Nhưng không phải tiếng gió mà là tiếng khóc của người. Bên một nấm mồ đã phủ xanh màu cỏ, một phụ nữ bế một bé trai đang cố xoay xở quẹt lửa thắp nhang dưới nắng chiều hiu hắt.

Vừa thắp nén nhang lên trước mồ, chị ôm lấy nấm đất và gào lên thảm thiết: “Anh ơi là anh ơi, sao anh đi để lại mẹ con em một mình thế này? Cha chưa biết mặt con, con chưa biết mặt cha, sao anh lại vội vàng ra đi thế? Sao mà khổ vậy hả trời!”.

Trước cảnh tượng đó, tôi chẳng còn lòng dạ nào để hỏi chuyện người quả phụ, chỉ thoáng nghe những người xung quanh nói rằng chị quê ở Thái Bình, chồng chị chết trong một vụ sập hầm ở bãi Phước Thành, khi đó chị còn mang thai thằng bé. Nhìn chị liêu xiêu bế con rời khỏi nghĩa trang trong bóng hoàng hôn, lòng tôi thầm hỏi ở những quê xa còn có bao nhiêu người vợ nữa phải khóc chồng như thế?

Tiếng khóc xé lòng của chị làm tôi nhớ lại những dòng nước mắt của những người đồng hương khóc tiễn phu vàng xấu số cách đây ba năm. Hôm đó là ngày 13-11-2003, 19 thi thể phu vàng được đưa từ thôn 2 của bãi Phước Thành dàn ra giữa sân bay Khâm Đức để chuyển về quê.

Họ chết do bị đất đá đè. Phần lớn nạn nhân là người huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Khi ra đi họ là những người con, người cha khỏe mạnh, nay trở về trong chiếc quan tài. “Thế là hết một kiếp làm phu!”, một người đồng hương của họ than thở.

Trước khi vào bãi vàng, tôi đã có buổi tâm sự cùng bác sĩ Trần Viết Hiền - giám đốc Bệnh viện Phước Sơn. Bác sĩ Hiền nói: “Đời tôi chưa thấy ai làm phu vàng mà giàu cả anh ạ, chỉ thấy vàng da vàng thịt mà thôi. Ở đây bao nhiêu năm, tôi chứng kiến quá nhiều trường hợp đau lòng. Anh cứ ra ngoài nghĩa trang Khâm Đức đi, thấy ngôi mộ nào ít hương khói, phía trên có miếng gỗ hay tôn ghi vài dòng họ tên thì đó là phu vàng bị chết đấy. Có người chết chẳng có thân nhân đến, mà chúng tôi cũng không biết tên họ là gì, quê quán ở đâu”...

LeLmADgZ.jpgPhóng to
Đường vào nhà bà Phan Thị Bảy (gia đình có hai người con chết vì nghiện ma túy tại bãi đào vàng) ở xã nghèo Bình Trị - Ảnh: T.Anh

"Ruộng vườn thì ít mà đất đai lại bạc màu, vì thế nhiều người dân ở đây chọn nghề phu vàng để kiếm sống”, ông Nguyễn Văn Diên - chủ tịch xã Bình Trị - nói. Vào thời điểm rộ lên việc làm vàng, cả xã có hơn 300 người đổ xô vào các bãi vàng làm thuê. Chủ tốt thì trả mỗi tháng 400.000 - 800.000 đồng sau khi trừ cơm nước và chi phí, nhưng thường giới chủ trả cho họ “hàng trắng” để kềm chân họ giữa rừng sâu!

Vàng ơi là vàng!

Tôi ghé xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vào một trưa nắng rát bỏng. Đây là một xã nghèo của huyện, thu nhập bình quân của người dân là 230kg lương thực/năm. Lâu lâu ngoài thị trấn kháo nhau chủ bãi vàng này trúng hầm 50kg, chủ bãi vàng kia trúng hầm cả tấn vàng.

Tin tức theo gió bay đi, với Bình Trị chỉ còn thực tế phũ phàng: “cơn lốc vàng” mang theo cơn đại dịch ma túy và HIV/AIDS tràn về làng. Nếu như trước kia ngôi làng nhỏ bé này chưa từng biết đến HIV/AIDS là gì thì nay đã có 15 người bị nhiễm. Cả xã có 42 người nghiện ma túy, trong đó 24 người đã qua đời do dùng “hàng trắng” quá liều hoặc do AIDS.

Cá biệt, trong xã có gia đình có đến hai người con đều qua đời vì “cái chết trắng”, nguyên do cũng từ bãi vàng mà ra. Đó là trường hợp gia đình bà Phan Thị Bảy. Trong ngôi nhà chật chội, người mẹ già vén tấm vải cho tôi xem từng di ảnh của con mà đôi mắt đờ đẫn không còn nước mắt để rơi.

“Người ta nói chúng nó đi làm vàng trúng lắm, nhưng vợ chồng tôi nào có cầm được đồng bạc nào của chúng nó đâu. Vậy mà chúng nó còn về mang đồ nhà đi bán để hút nữa chứ, bây giờ thân già phải nuôi đàn cháu, cộng thêm nợ nần của tụi nó để lại. Nhà có bốn đứa thì hai đứa chết vì nghiện, còn một đứa cũng đi làm vàng mất tích cho đến nay”, người mẹ bất hạnh kể lể. Quờ quạng xoa đầu đứa cháu nội côi cút, bà nói như mộng du: “Kiểu này đến chết cũng không nhắm mắt được đâu chú ạ. Vàng ơi là vàng, con ơi là con!”.

Vĩnh biệt giấc mơ vàng

Đại ca Bảo vào đón tôi đúng theo ngày hẹn với lý do: “Mẹ nó đau nặng, nhắn về gấp”. Nếu không có sự “bảo lãnh” này, tôi sẽ không thể bước chân ra khỏi lãnh địa của ông chủ Mạnh. Trên đường từ bãi vàng trở về, một người phu cùng làm với tôi chỉ cho xem ngôi nhà khang trang như biệt thự của một ông chủ vàng nằm lọt thỏm giữa những căn nhà lụp xụp ven đồi ngoài thị trấn.

Nhìn cảnh sung túc của chủ vàng, bất giác tôi lại nghĩ đến những “đồng nghiệp” của tôi ở hang hầm nơi chốn rừng sâu. Tôi ghé bưu điện thị trấn gửi hàng xấp thư mà phu vàng nhờ tôi gửi. Những dòng chữ viết vội nguệch ngoạc, nơi đến là Thái Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Bình Phước..., người nhận phần lớn là tên phụ nữ.

Tôi không biết nội dung những lá thư ấy viết gì, tin buồn hay tin vui, nhưng tôi tin chắc rằng người nhận là mẹ, là vợ, là con gái của những người phu đào vàng, những hình bóng đang ngóng chờ họ từ làng quê xa xôi.

Toàn làm phu cho ông chủ Mạnh tàn bạo, ăn đòn nhiều hơn ăn cơm, ngày vào rừng là một thiếu niên cường tráng, bây giờ thân tàn ma dại. Hai hôm sau khi tôi vào lán làm phu cũng là lúc Toàn trốn khỏi bãi vàng không một đồng xu dính túi.

Ngày tôi trở ra thị trấn Khâm Đức thì tình cờ gặp Toàn đang đi lững thững, nhưng có vẻ tự tin hơn. Toàn cho biết: “Mấy hôm nay em xin được chân làm thợ hồ để có tiền về quê. Phải về thôi anh ạ, khủng khiếp quá, ra tới thị trấn em mới biết là mình còn sống, vậy mà hồi mới vô em khao khát nhiều thứ lắm, kể cả mộng làm giàu từ vàng”.

Rít một hơi thuốc, Toàn đưa mắt nhìn tiệm vàng phía bên kia đường, nơi có đôi trai gái đang dẫn nhau vào mua nhẫn, thở một hơi thật dài: “Đời em làm phu đã hơn sáu năm nay rồi, nhưng có bao giờ biết đến chiếc nhẫn vàng là gì đâu anh. Nhưng may mắn là giờ đây em đã thoát được cơn ác mộng rồi”.

Ngồi bên Toàn, tôi lại nhớ về những phu vàng đang ngày đêm chỉ thấy một màu đen kịt nơi bãi vàng giữa rừng. Liệu có bao nhiêu người trong số họ sẽ rời bỏ được ác mộng vàng như Toàn? Rời Khâm Đức, đường về của tôi sao mà dài quá đỗi...

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên