31/10/2020 08:18 GMT+7

Thoát chết trong tích tắc

SƠN LÂM - MINH HÒA
SƠN LÂM - MINH HÒA

TTO - Hôm qua (30-10) là ngày thứ ba kể từ khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng chôn lấp 13 nhà ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, chúng tôi mới có dịp trò chuyện đầy đủ với những hộ dân thoát chết.

Thoát chết trong tích tắc - Ảnh 1.

Bé Lê Hoàng Hải vẫn chưa hết thất thần sau khi chạy thoát khỏi vụ sạt lở - Ảnh: MINH HÒA

Trước đó, khi lực lượng cứu hộ chưa vào kịp thời, họ còn bận bịu cùng những người dân khác từ khắp nơi ở huyện Nam Trà My về dùng tay không tìm người thân dưới đống đổ nát.

Chạy lạc lên núi

Em Lê Hoàng Hải (11 tuổi, học lớp 5 Trường tiểu học Trà Leng) vẫn chưa hết bàng hoàng. Nhờ có bác dâu của Hải là chị Dương Thị Lanh trò chuyện bằng tiếng M’Nông, Hải mới kể hết được sự việc kinh hoàng. Theo lời Hải, lúc đó nước bắt đầu tràn về dữ dội, em đứng giữa lối đi của xóm, nhìn con nước đang chảy xiết xuống dòng suối trước mặt. Bỗng chốc, Hải thấy nước tràn mạnh lên, cây cối ở bờ phía bên kia đổ sụp xuống, Hải liền quay đầu chạy một mạch lên đồi cao phía sau lưng nhà.

"Nó nói nó đứng quay lại, thấy nước cuốn đá đổ lên từ phía sau ông Việt (bí thư xã Trà Leng - PV), nên quay đầu chạy tiếp", chị Lanh phiên dịch lại sau một hồi nghe Hải thỏ thẻ kể bằng tiếng mẹ đẻ.

Hải chạy một hồi lên núi cao mà không còn nhớ mình chạy được bao lâu, chỉ nhớ rằng đến khi mệt quá thì ngồi nghỉ. Đến sẩm tối Hải nhớ ra gần đó có "trại Bà Liễu" nên lần tìm tới vì biết rằng dân M’Nông thường cất sẵn gạo trên trại để mỗi khi cần việc ở lại thì đem ra nấu. Nhưng đêm tối, Hải bị lạc trong rừng. May sao Hải đi một lúc thì gặp được ông Hồ Văn Sơn, người cũng nhanh chân chạy thoát ra khỏi vụ sạt lở kinh hoàng.

Ông Sơn đã dẫn Hải về tập trung ở "trại Bà Liễu", nơi thực chất chỉ là một tấm bạt căng che trùm lên vài tấm ván, làm chỗ nghỉ chân giữa vườn trồng keo của một gia đình M’Nông khác ở chung xóm. Tại đây Hải gặp lại được mẹ và chị gái, cùng hai người anh bà con khác. Mẹ Hải bị thương gãy cả tay chân, người bết máu. Chị gái Hải cũng gãy chân và rách một vết dài trên trán. Đến gần sáng, "trại Bà Liễu" còn quy tụ thêm nhiều người trong xóm tìm đến. Nhiều người có mặt bằng cách được người khác khiêng.

Treo mạng sống lên cây

Nhà ông Sơn ở đầu xóm phía nguồn nước. Ông Sơn kể lúc đó đang đứng cùng 8 người khác ở sau nhà thì phát hiện nước đang quét mạnh xuống. Chỉ kịp la lên và chạy, ông không kịp cứu vợ và căn nhà bị nước tràn qua, đổ sập ngay sau lưng mình.

Khi ông Sơn quay lưng chạy lên núi, bé Lê Văn Khang, học lớp 4 Trường tiểu học Trà Leng, đang ở gần đó cũng cắm đầu chạy theo. Những người thoát trong vụ sập nhà, có rất nhiều người bị thương, tối đó được ông Sơn tập trung đưa lên "trại Bà Liễu". "Mình lấy gạo đãi sơ rồi nấu lên, chia ra ăn. Mấy đứa nhỏ cứ than cơm gì toàn đất. Mà ăn cầm cự thì cái chi chẳng được", ông Sơn kể.

Sáng hôm sau những người M’Nông khác cùng cán bộ xã tổ chức đi tìm, lần theo dấu chân và cả dấu máu của những người bị thương mới tìm ra nhóm người đang lánh trên núi, thông báo đã có thể trở về. Những người bị thương được đưa lên võng khiêng xuống. Những người còn khỏe thì tham gia đào bới đống đổ nát để tìm người thân.

Anh Hồ Văn Lợi, cha của Hải, lúc xảy ra vụ việc cũng chạy vội ra phía sau nhà. Nước tràn đến, anh Lợi trèo vội lên một ngọn cây. Rất may mắn, cái cây mà anh Lợi đang treo mạng sống lên đó không bị nước cuốn trôi. Bị thương ở chân do giẫm phải cây cối trong lúc chạy, nhưng anh Lợi cũng quay lại đống đổ nát phụ giúp tìm kiếm, cho đến khi lực lượng cứu hộ của quân đội vào được. Anh Lợi vẫn chưa gặp lại bé Hải con mình từ sau vụ sạt lở.

Bạn đọc chia sẻ với cô học trò tuyệt vọng bên mộ cha mẹ

diep

Hồ Thị Điệp và ba anh em trở lại trường sau khi bức ảnh gục đầu tuyệt vọng bên mộ cha mẹ (phải) lay động bạn đọc - Ảnh: THANH QUỐC

Sau khi làm lễ tiễn cha mẹ về với ông bà tổ tiên theo phong tục địa phương, chiều tối qua 30-10, Hồ Thị Điệp (học sinh lớp 11 Trường THPT Nam Trà My), cô học trò tuyệt vọng bên hai nấm mộ cha mẹ bị mất trong vụ lở núi tại xã Trà Leng, cùng ba anh em ruột sau khi đi bộ cả ngày đã tới trung tâm huyện Nam Trà My để gặp các thầy cô giáo.

Vào chiều 29-10, khi biết tin ngôi làng bị sạt núi, Điệp được các thầy cô dìu về làng để tìm cha mẹ. Trong đống hoang tàn đổ nát, Điệp đã sụp xuống, bưng mặt tuyệt vọng khi biết cha mẹ đang nằm dưới hai đống đất ngay chân mình. Bức ảnh Điệp đổ sụp trong nỗi đau đớn tột độ đã được giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam gửi đến Tuổi Trẻ và làm nhiều bạn đọc bàng hoàng về những gì xảy ra ở Trà Leng.

Thầy Trần Thanh Quốc - hiệu trưởng Trường THPT Nam Trà My - cho biết, Điệp có anh trai là Hồ Văn Trí - sinh viên khoa giáo dục thể chất ĐH Sư phạm Huế, anh kế là Hồ Văn Trung đang học nghề sửa ôtô và em út là Hồ Văn Đệ, học sinh Trường THCS Trà Leng. Theo thầy Quốc, tạm thời bốn anh em Điệp đang được các thầy cô giáo Trường Nam Trà My đỡ đầu. Từ khi câu chuyện và bức ảnh Điệp được Tuổi Trẻ Online đăng tải, trong ngày 30-10 hàng chục người đã liên hệ, gửi hỗ trợ giúp đỡ Điệp.

Trong ngày PV Tuổi Trẻ cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ bạn đọc muốn hỗ trợ anh em Điệp. Nhiều nhà hảo tâm từ Hà Nội, TP.HCM nói sẵn sàng nhận đỡ đầu cả bốn anh em học tới lúc tốt nghiệp ra trường.

THÁI BÁ DŨNG

Công bố danh tính các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Trà Leng Công bố danh tính các nạn nhân trong vụ sạt lở ở Trà Leng

TTO - Trong ngày 30-10, đã có thêm 2 thi thể mất tích được tìm thấy dưới đống đổ nát của vụ sạt lở. Lực lượng quân đội hỗ trợ gia đình các nạn nhân tổ chức mai táng ngay hai thi thể vừa tìm thấy trên sườn đồi phía trên hiện trường vụ sạt lở.

SƠN LÂM - MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên