09/12/2021 10:58 GMT+7

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 6: Virus lạ như bóng ma âm thầm phát tán

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Một con khỉ capuchin nằm dài trên mặt bàn kim loại trong phòng thí nghiệm. TS Alessandra Nava nhẹ nhàng dò mạch nơi đùi khỉ rồi chọc kim lấy mẫu máu đầy lọ. Khỉ được đưa trở lại lồng còn Nava cho lọ máu vào bình nitơ lỏng để bảo quản.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 6: Virus lạ như bóng ma âm thầm phát tán - Ảnh 1.

TS Alessandra Nava lấy mẫu máu khỉ Ảnh: LAT

Xây dựng ngân hàng dữ liệu virus

Nava là nhà nghiên cứu - thợ săn virus thuộc Quỹ Oswaldo Cruz Foundation ở Rio de Janeiro (Brazil). Suốt ngày chị đi khắp Manaus lấy mẫu các loài linh trưởng, động vật gặm nhấm và dơi để góp phần xây dựng ngân hàng dữ liệu sinh học của quỹ. Nhiều nhà khoa học khác cũng như Nava săn lùng và nhận diện virus, sau đó giải trình tự gene rồi đối chiếu với dữ liệu trong ngân hàng sinh học nhằm kịp thời phát hiện virus lạ bùng phát.

Trước thế kỷ 20, mỗi 100 năm thế giới mới trải qua một đại dịch. Còn từ đầu thế kỷ 21 đến nay đã có 6 đại dịch rồi.

Nhà dịch tễ học sinh thái BENJAMIN ROCHE

Theo Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), hơn 70% các bệnh truyền nhiễm mới, mới nổi và tái phát có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ tiêu biểu như GS.TS vi sinh Beatrice Hahn làm việc tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) là người đã tìm ra nguồn gốc virus HIV. Trong nhiều năm, bà đã tiếp cận với các bầy tinh tinh từ Tanzania đến sông Congo và miền nam Cameroon. Mỗi sáng bà và các cộng sự thức dậy từ sớm cầm giỏ đứng dưới tán cây nơi tinh tinh trú ẩn để hứng trận mưa nước tiểu đầu tiên của tinh tinh trong ngày rồi gom phân của chúng trên đất. Nghiên cứu của bà đã khẳng định nghi vấn tinh tinh là ổ chứa tự nhiên của dòng virus gần nhất với virus HIV.

Virus tiềm ẩn nào có nhiều khả năng nhảy từ vật chủ động vật sang người? Nếu lây sang người thì virus đó gây bệnh nhẹ hay nặng, có những triệu chứng gì, có nguy cơ làm chết người không? Các ổ dịch lây bệnh từ động vật sang người ở đâu? Trả lời những câu hỏi này không dễ, bởi nhận dạng virus gây bệnh là công việc đầy khó khăn. Do vậy, nhiều dự án hợp tác quốc tế ra đời.

Trường hợp điển hình là một dự án đầy tham vọng mang tên Dự án hệ gene virus toàn cầu (Global Virome Project - GVP). Ngày 8-11-2016, các đại biểu đến từ các trường đại học, nhà tài trợ, các quỹ và khu vực tư nhân đã tham dự hội nghị kéo dài ba ngày tại Trung tâm hội nghị Bellagio của Quỹ Rockefeller để thành lập một liên minh quốc tế nhận diện các virus có nguy cơ lây truyền từ động vật sang người. Từ đó dự án GVP ra đời. Mục tiêu dự án là theo dõi và xác định 99% số virus trong 10 năm để xây dựng một ngân hàng dữ liệu virus với kinh phí 1,2 tỉ USD.

Trong các mạng lưới theo dõi virus lây truyền từ động vật sang người có dự án ZooCov do Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp (CIRAD) của Pháp điều phối được tiến hành tại hai tỉnh Mondolkiri và Stung Treng (Campuchia). Dự án ra mắt vào tháng 4-2020 và kết thúc vào tháng 10-2021 nhằm giảm nguy cơ lây truyền betacoronavirus từ động vật hoang dã sang người. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ động vật hoang dã và người dân địa phương để hiểu rõ các chuỗi lây nhiễm virus.

Từ đầu thập niên 2000, khái niệm mới "Một sức khỏe" (One Health) ra đời trong giới khoa học quốc tế nhằm thúc đẩy kết hợp các lĩnh vực nghiên cứu khoa học gồm sức khỏe con người, động vật, thực vật và môi trường. Giải pháp cụ thể cho khái niệm One Health là sáng kiến vô tiền khoáng hậu mang tên Phòng ngừa dịch bệnh mới nổi từ động vật (PREZODE) đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khởi xướng hôm 11-1-2021. Sáng kiến PREZODE do ba cơ quan nghiên cứu của Pháp gồm Viện Nghiên cứu vì phát triển (IRD), CIRAD và Viện Nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, lương thực và môi trường (INRAE) giữ vai trò chủ công. Đến nay sáng kiến đã tiến hành ba giai đoạn ở bảy quốc gia. Giai đoạn 3 khởi động từ ngày 23-11 ở Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 6: Virus lạ như bóng ma âm thầm phát tán - Ảnh 3.

TS Simon Anthony nghiên cứu mầm bệnh từ dơi - Ảnh: magazine.columbia.edu

Bào chế 100 nguyên mẫu vắc xin cho 25 họ virus

Một dự án hợp tác vốn được nhiều người biết đến là dự án Predict của USAID. Năm 2018, TS Simon Anthony ở Đại học Columbia (Mỹ) – chuyên gia về virus corona - đã tham gia vào dự án này. Dự án ra đời năm 2009 với kinh phí 207 triệu USD hoạt động trong 10 năm, cuối cùng đã phát hiện hơn 1.000 loại virus mới có nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người. Do kinh phí ít ỏi, dự án chỉ tập trung vào 5/71 họ virus và vài chục điểm nóng. TS Anthony đánh giá: "Chúng tôi chỉ mới bắt đầu gầy dựng nền tảng kiến thức cần thiết để cải thiện dự báo dịch bệnh tốt hơn".

Theo tạp chí National Geographic, dự án Predict đã xác định được một loại virus Ebola mới mang tên Bombali nơi loài dơi Tadarida brasiliensis (họ dơi thò đuôi) sống trong nhà dân ở Sierra Leone. Đây là virus Ebola đầu tiên được phát hiện trước khi bùng phát thành dịch. Virus Bombali cũng được phát hiện trên dơi ở Kenya và Guinea. GS.TS Tracey Goldstein, nguyên trưởng nhóm nghiên cứu của dự án ở Sierra Leone và Guinea, giải thích: "Điều này cho thấy virus này đã phân bố rộng rãi và chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó".

Dự án Predict chấm dứt vào tháng 9-2020 sau khi nguồn tài trợ kết thúc, sau đó được gia hạn một năm. Kế thừa dự án là chương trình mới Các chiến lược ngăn chặn lây truyền (STOP Spillover) khởi động từ tháng 9-2021 với kinh phí 100 triệu USD trong 5 năm. Chương trình tập trung vào các mục tiêu hẹp hơn gồm các virus đã xác định gây bệnh từ động vật như Ebola, Nipah và virus corona tại một số quốc gia có nguy cơ cao ở châu Á và châu Phi.

Phát triển vắc xin mới là một trong những giải pháp ngăn ngừa virus từ động vật lây sang người. Tổ chức phi chính phủ Liên minh Vì đổi mới sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) của Na Uy ra đời năm 2017 vì mục đích này. CEPI đã thử nghiệm một loại vắc xin ngừa virus Nipah ở Đông Nam Á. TS Peter Daszak - chủ tịch tổ chức phi chính phủ EcoHealth Alliance (Mỹ) - giải thích: "Đến nay chỉ mới có vài đợt dịch bùng phát, vì vậy thị trường rất nhỏ với vài ngàn người mắc bệnh mỗi năm ở Malaysia hay Bangladesh. Nhưng nó lây nhiễm nhiều loài động vật, vậy có nghĩa nó có khả năng lây sang người. Nếu điều đó bùng phát sẽ trở thành đại dịch rất nguy hiểm".

CEPI đã từng tài trợ cho các loại vắc xin ngừa COVID-19 của Moderna và Oxford/AstraZeneca. Mới đây vào cuối tháng 11-2021, Anh thông báo khởi động kế hoạch phát triển vắc xin trong vòng 100 ngày. Các nhà khoa học sẽ bào chế 100 nguyên mẫu vắc xin cho 25 họ virus đã biết có thể lây nhiễm sang người. Sau đó, một khi virus nào đó bùng phát dịch, các nguyên mẫu có sẵn sẽ được mang ra sản xuất vắc xin trong vòng 100 ngày.

Kế hoạch này do CEPI phụ trách với 10 mục tiêu đầu tiên bao gồm họ paramyxovirus (sởi, quai bị…), virus Nipah, họ orthomyxovirus (cúm…). CEPI đang kêu gọi 3,5 tỉ bảng Anh tài trợ ban đầu.

Nhận dạng 12.000 "bóng ma" virus

Đầu tháng 10-2021, USAID thông báo đã khởi động dự án mới mang tên Khám phá & nghiên cứu các mầm bệnh mới nổi - các virus lây truyền từ động vật (DEEP VZN). Dự án kéo dài 5 năm với kinh phí 125 triệu USD (đang chờ cấp vốn) hoạt động tại 5 quốc gia mục tiêu ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin nhằm đối phó các virus trên động vật hoang dã có thể lây truyền sang người gây đại dịch.

Trung tâm Paul G. Allen vì sức khỏe động vật toàn cầu trực thuộc Đại học bang Washington chủ trì triển khai dự án. Dự án sẽ dựa vào các nghiên cứu trước đó để hiểu rõ virus lây truyền từ động vật sang người ở đâu, khi nào và như thế nào. Dự án dự kiến thu thập hơn 800.000 mẫu động vật, từ đó hy vọng nhận dạng được 12.000 loại virus mới.

******

54 năm từ khi phát hiện virus Marburg, các nhà nghiên cứu vẫn không biết ổ chứa tự nhiên của virus này là gì, không rõ đường lây ra sao, vì vậy không có vắc xin hay thuốc điều trị nào. Nguyên nhân vì sao?

>> Kỳ tới: Cuộc chiến trường kỳ với tử thần ẩn khuất

Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 5: Omicron bị Thợ săn virus - Những người săn lùng hiểm họa - Kỳ 5: Omicron bị 'lật mặt' thế nào?

TTO - Đầu tháng 11-2021 tại Nam Phi, phòng xét nghiệm tư nhân Lancet Laboratories ở Pretoria phát hiện một số mẫu xét nghiệm COVID-19 có nhiều đặc điểm bất thường, trong đó có một gene thiếu trong cấu hình bộ gene.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên