Bài thơ dạy trẻ mẫu giáo ở Mỹ cách xử lý khi xảy ra xả súng - Ảnh: CNN
Theo đài CNN, ông Rich Healey và vợ đọc được bài thơ ứng phó xả súng khi tham quan lớp học mầm non mà cô con gái 5 tuổi của họ sẽ vào học mùa thu tới.
Bài thơ treo trên tường lập tức khiến họ để ý. Nó bắt đầu với những dòng:
"Lockdown, Lockdown
Lock the door
Shut the lights off
Say no more"
(Đóng cửa, đóng cửa lại
Khóa cửa lại
Tắt hết đèn đi
Không nói thêm gì)
Lời thơ được viết trên tờ giấy với những màu sắc đánh dấu gây chú ý này được treo trong lớp học của cô Kim ở trường mầm non Arthur D. Healey tại Somerville, bang Massachusetts.
"Tôi nhận ra sự cần thiết của nó, tôi biết vì sao nó cần thiết, nhưng nó làm tôi buồn và cảm thấy phẫn nộ vì sự cần thiết đó", ông Healey nói.
Còn vợ ông, bà Georgy Cohen, đã đăng tấm hình chụp bài thơ này lên mạng xã hội Twitter với dòng chú thích: "Cái này không nên treo trong lớp học mầm non sắp tới của con tôi".
Mỗi trường một biện pháp
Chỉ riêng trong năm nay, trung bình ở Mỹ cứ mỗi tuần lại xảy ra một vụ xả súng. Các vụ xả súng giờ đã trở thành thực tiễn cả học sinh lẫn giáo viên phải sống chung mỗi ngày.
Các quan chức lãnh đạo trường học đang cố gắng ứng phó với mối nguy hiểm này, mỗi nơi mỗi cách, mỗi người mỗi kiểu.
Tại Pennsylvania, trường trung học St. Cornelius Catholic đã phát các tấm chắn đạn có thể chèn trong ba lô cho học sinh lớp 8 trong buổi lễ kết thúc năm học. Ở Louisiana bây giờ cũng cho phép trẻ em được mang theo các ba lô chống đạn trong trường.
Còn tại California, vì quá chán chường với việc các nghị sĩ không chịu hành động gì để ngăn chặn bạo lực súng đạn, các em học sinh đã tự soạn thảo ra dự luật kiểm soát súng đạn của chính mình.
Bài thơ ở lớp học cô giáo Kim Conley là một ví dụ cho thấy "một trong các nhà giáo dục đã sử dụng vần điệu để giúp các em học sinh có thể bình tĩnh và nhớ những bước chính yếu cần tuân thủ trong một buổi thực hành hoặc tình huống khẩn cấp thực sự".
Thị trưởng Simervile, ông Joseph Curtatone và thầy giám thị của ngôi trường mầm non Arthur D. Healey nói: "Chúng tôi cũng rất mong muốn rằng những việc phải đóng cửa phong tỏa trường học không là một phần trải nghiệm giáo dục, song thật không may khi đây lại là thế giới chúng ta đang sống. Nó thật khó chịu, khó chịu với học sinh, với các nhà giáo và với các gia đình".
Không thể coi là bình thường
Go behind the desk and hide
Wait until it's safe inside
(Chạy ra phía sau bàn ẩn nấp
Chờ tới khi bên trong an toàn)
Ông Healey bảo rằng khi đọc những dòng thơ đó ông nhớ về vụ xả súng tại trường trung học Marjory Stoneman Doughlas xảy ra ngày 14-2 khiến 17 người chết và nhiều người khác bị thương.
"Đọc những dòng chữ đó làm dâng lên cảm xúc "khó chịu, tiêu cực", ông nói.
Kể từ năm 2009 nước Mỹ đã chứng kiến số vụ xả súng trong trường học nhiều gấp 57 lần so với tổng số vụ xả súng trường học của 6 nước công nghiệp phát triển khác gộp lại.
Nỗi sợ đó dai dẳng và ám ảnh tới mức tháng trước, học sinh trên toàn nước Mỹ đã chia sẻ mã chủ đề "#IfIDieInASchoolShooting (Nếu tôi chết trong một vụ xả súng) để chia sẻ nỗi ám ảnh về bạo lực súng đạn đang trở thành thực tế đời sống với chúng.
Vài tuần trước, bà Cohen cho biết con cái họ về nhà, háo hức khoe về một trò chơi rất vui cô bé được chơi cùng các bạn trong lớp mẫu giáo: cố gắng im lặng trong toàn bộ một phút, giống như khi đang lúc phong tỏa một hiện trường xả súng.
"Chuyện này không nên là cái gì đó chúng ta phải làm quen", bà Cohen nói. "Chúng ta cần phải luôn cảm thấy nó là điều khó chịu, mệt mỏi và lo lắng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận