07/09/2008 02:05 GMT+7

Thiếu tình thương con không thể lớn lên...

Con T.Phúc
Con T.Phúc

TT - Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết “Tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên... ”.

9fIAq4jL.jpgPhóng to
Gia đình của con (tranh của bé Mún, lấy từ webtretho)
TT - Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết “Tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên... ”.

Tình thương là chất dinh dưỡng với trẻ, nhưng đã có những đứa trẻ cha mẹ đủ đầy lại thiếu hụt dưỡng chất ấy.

Nếu bạn đang là cha là mẹ, xin hãy đọc những bức thư dưới đây, từ những đứa trẻ bất hạnh ấy, để thấy thương con mình hơn và để sống có trách nhiệm hơn với con, với tổ ấm của mình.

Con sắp chết đuối rồi!

Ba mẹ thương yêu của con,

Con đã cố sống vui và học giỏi, nhưng bây giờ con không còn đủ sức để vượt qua nữa. Làm sao con vui được khi ba mẹ mỗi người một nơi, anh hai một nơi. Ba mẹ có biết một ngày của con luôn trôi qua trong nhớ thương buồn thảm. Tại sao một đứa bé mới hơn 10 tuổi như con lại phải sống hai mặt trước mọi người? Ba mẹ ơi, xin đừng để ngày tháng trôi qua với con nặng nề quá. Bây giờ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ với con không còn nữa vì ba mẹ không cần và không thương con nữa. Con khao khát được ba mẹ đưa đi chơi nhưng bây giờ dù là trong mơ cũng không được, khi ngủ con toàn gặp ác mộng, sợ lắm...

Con sắp chết đuối rồi! Con van xin ba mẹ hãy nắm tay nhau cùng đưa con vào bờ. Ba mẹ hãy cho con niềm tin và sức sống để bước tiếp trên đường đời. Con đường con đi còn nhiều chông gai lắm, con cần ba mẹ cùng con đi đến đích. Từng ngày từng giờ con mong ba mẹ đến với con để con không còn bơ vơ, trơ trọi. Một lần nữa con cầu xin ba. Ba ơi, hãy về với con, với mẹ đi. Ở nơi nào đó ba có biết rằng mỗi ngày tan trường con lang thang buồn tủi không biết phải về đâu.

Con ăn cơm bụi ngoài đường mà cố nuốt cơm lẫn nước mắt. Con rất sợ một ngày không xa mẹ sẽ bỏ con mà đi vĩnh viễn vì quá đau khổ. Con cần có gia đình. Một gia đình hạnh phúc có ba mẹ, anh hai và con. Con phải làm gì để có được gia đình mình hả ba mẹ? Hỡi những người cha người mẹ trên đời này, hãy yêu thương và gắn bó nhau để đừng có thêm những đứa trẻ bất hạnh như con.

* Trích thư bé T.Phúc gửi tòa soạn: “... Con tên là L.Q.T. Phúc, học lớp 5. Con là một đứa trẻ bất hạnh. Lúc con hơn 2 tuổi đã phải xa ba (ba con bị ở tù). Con và anh hai với mẹ sống trong đau khổ. Rồi ba con trở về. Con mừng vui lắm vì con đã được ở bên ba mẹ. Mặc dù thiếu thốn nhưng con rất hạnh phúc. Nhưng rồi ba lại bỏ mẹ và con ra đi. Con thương mẹ con lắm. Con nhớ thời gian ba ở tù, mẹ con cực khổ nuôi tụi con, thăm nuôi ba. Vậy mà bây giờ khi ba về thì ba lại ra đi... ”.

Ba đừng làm mẹ khóc nữa nha ba!

Ba Sơn kính mến,

zMYfobSS.jpgPhóng to
Ảnh: GIA TIẾN

Sáng chủ nhật con dậy sớm chờ cô giáo đến dạy con. Như thường lệ con ngồi vào bàn ăn sáng, trên bàn chỉ có hai tô bún dành cho con và anh Biêu. Con lặng lẽ ăn, chạnh lòng nghĩ tới ba. Không biết giờ này ba đã ăn sáng chưa? Ba đang làm gì? Tận sâu trong đáy lòng con thầm ước: “Cả nhà mình được đầm ấm bên nhau trong bữa ăn sáng. Con được nghe ba dặn dò và giao việc cho con. Còn mẹ thì bận bịu làm những món ngon để chiêu đãi cha con mình ngày chủ nhật...”.

Nhà vắng ba, con thấy gì cũng buồn thiu, con nghe được cả tiếng côn trùng kêu ngoài vườn nhà mình nữa. Con nhớ ba lắm. Ba mau về với con nha ba, rồi ba chở con đi chơi như các bạn nha ba...

Ba yêu quý, con đã từng rất tự hào với các bạn cùng lớp là con có ba làm giám đốc, mẹ làm bưu điện. Con hãnh diện mỗi khi kể với bạn bè về những món quà ba mang về tặng con. Con nghe cô giáo kể về những bạn cùng trang lứa với con không được đến trường, không có bữa ăn ngon con đã khóc. Con may mắn lắm phải không ba?

Ba ơi, ba có thương con không? Ba có thương mẹ không? Con đã nhìn thấy nhiều lần mẹ khóc vì ba. Vì những điều con chưa hiểu. Ba ơi, ba đừng làm mẹ khóc nữa nha ba.

* Thư của mẹ bé H.Nguyên:

Cách đây mấy ngày tình cờ tôi nhìn thấy trong ngăn kéo của chồng tôi lá thư con gái tôi gửi anh ấy. Tôi tò mò đọc, đọc xong cơ thể tôi như tan chảy cùng nước mắt. Tôi chưa bao giờ nghĩ con gái tôi mới 9 tuổi đầu lại có nhận biết và suy nghĩ như vậy.

Tôi ân hận vô cùng, cứ nghĩ mình chăm sóc con cái chu đáo, bù lại những thiệt thòi cho con là được. Tôi tự trách bản thân mình kém cỏi, không biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình. Lòng tự ái quá lớn của một phụ nữ đã có hai con như tôi là không phù hợp.

Tôi gửi lá thư của con tới tòa soạn để các bậc làm cha, làm mẹ hiểu hơn về con mình và có dịp nhìn nhận lại bản thân mình trong cuộc sống bộn bề hiện nay.

Bao giờ chúng con được sống vui vẻ cùng bố mẹ?

Chúng con được sinh ra ở miền quê nghèo, đất cằn sỏi đá, bố là thiếu tá quân đội. Bố đã là một người hiền lành, được mọi người quý trọng, là niềm tự hào của hai anh em con. Vậy mà hiện tại chúng con lại không được tôn thờ những gì đã có, bố làm cho hình ảnh người cha trong chúng con phai nhạt nhiều lắm...

Bố đã không kiểm soát được mình mỗi khi nhậu say. Ngày bé chúng con chưa hiểu biết gì, chỉ thấy mẹ khóc mỗi khi bố nhậu say thì anh em con cũng khóc theo. Nhưng cảm giác lúc đó không ghê sợ như những ngày này. Càng lớn chúng con càng thấy sợ và tuyệt vọng. Mẹ đã tần tảo một mình nuôi chúng con với ruộng vườn, với sắn khoai vì bố vắng nhà thường xuyên. Vậy mà sao bố không chia sẻ với mẹ? Con biết là với chức vụ, lương của bố có thể lo cho gia đình đầy đủ hơn. Nhưng bố cứ xem chuyện chăm lo cho nhà mình chỉ là trách nhiệm của mẹ, làm mẹ càng khổ thêm...

Những ngày tháng bố vắng nhà, mẹ cũng là bố của chúng con. Lúc bố về, lẽ ra phải là những ngày cuối tuần vui vẻ của cả nhà. Nhưng ngược lại đó là những ngày tù ngục của cả ba mẹ con! Bố uống rất nhiều rượu và say sưa với bạn bè, rồi về giáo huấn cả ba mẹ con từ đêm tới sáng! Có những hôm con chuẩn bị thi học sinh giỏi, bố cũng không tha, làm con thức suốt đêm. Sáng hôm sau con mang một cái đầu nặng trĩu và mệt mỏi vào phòng thi, và kết quả thi bao giờ cũng kém rất nhiều so với mong đợi của con, của mẹ và thầy cô giáo. Con buồn lắm!

Con đã là một học sinh lớp 9, đã nhận thức được nhiều thứ ngoài xã hội. Có hôm con chán chường theo các bạn đi chơi điện tử, không muốn học hành. Nhưng nghĩ đến mẹ và em, con lại cố gắng và học. Còn bây giờ con không thể phấn đấu nhiều hơn được nữa vì trong đầu con luôn nghĩ về những ngày tháng ảm đạm của gia đình ta. Bao giờ con và em Trà My mới được sống vui vẻ cùng bố mẹ? Bao giờ mẹ mới có một nụ cười thật rạng rỡ?

Người lớn nên sớm thức tỉnh!

Chúng ta khó xác định rõ ràng về sự lành mạnh của gia đình, mà chỉ có thể nhận thấy qua những dấu hiệu, những biểu lộ bên ngoài như một loại “xem quả biết cây”.

Còn gia đình thiếu lành mạnh thì sao? Sự biểu lộ khá rõ nét, vì bệnh hoạn thường dễ thấy và dễ xác định hơn. Để tránh cho con em khỏi “lâm bệnh” tinh thần, người lớn cần nhạy cảm với những dấu hiệu để kịp thời đề phòng hay điều chỉnh.

Những biểu hiệu rõ nét nhất của gia đình thiếu lành mạnh là sự vắng bóng nụ cười, thiếu niềm vui và sức sống, mỗi người một ngả, buồn bã lo việc riêng, thiếu những sinh hoạt chung... Và rốt cuộc, gia đình có khi chẳng khác gì quán trọ!

Sự lành mạnh trong gia đình là bầu không khí thuận lợi cho sự lớn lên của trẻ. Về mặt thể chất, không khí lành mạnh sẽ làm cơ thể chúng ta phát triển điều hòa và quân bình... Nếu có bất lợi, chỉ cần dùng thuốc men hay di chuyển nơi khác để tìm được sự lành mạnh hơn. Nhưng sức khỏe tinh thần không đơn giản như thế, nhất là với con trẻ - những tạo vật rất mong manh, lệ thuộc hoàn toàn nơi bố mẹ và gia đình. Chúng chỉ biết đón nhận và không thể làm gì khác hơn, có nghĩa là “may nhờ rủi chịu”, nước trong hay nước đục trẻ chỉ biết sống và bơi lội trong đó thôi. Vì thế, cha mẹ có trách nhiệm trên sự phát triển và nắn đúc con người của trẻ hôm nay và ngày mai...

Sống trong bầu không khí gia đình thiếu lành mạnh, trẻ sẽ mất nhiều năng lượng để tránh né, che chắn hoặc sức sống không được khơi lên. Chính đây là nơi sản sinh những đứa con còi cọc, những công dân bệnh hoạn trong xã hội. Nỗi khổ phát xuất từ gia đình bị ô nhiễm không chỉ đè lên vai những thành viên của nó, nhất là con trẻ, mà còn lung lay đến nền móng gia đình, xã hội chắc chắn cũng bị ảnh hưởng không ít!

“Xem quả, biết cây”, nhưng xem cây cũng có thể đoán về quả, đó chỉ là hai mặt của một vấn đề! Chúng ta có thể dựa trên bầu không khí có lành mạnh hay không của gia đình để có thể tiên đoán phần nào hiện tại và tương lai của con em mình. Vì tương lai con trẻ, người lớn nên sớm thức tỉnh!

Con T.Phúc
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên