
Ông Nguyễn Văn Dũng, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, phải sử dụng nước ao đìa cho sinh hoạt, rửa chén, giặt đồ - Ảnh: THANH HUYỀN
Ngày 5-4, ông Trần Công Mười - chủ tịch UBND xã Khánh Thuận - cho biết trên địa bàn còn khoảng 300 hộ dân thiếu nước trong mùa khô này. Khu vực người dân thiếu nước nằm rải rác ở các ấp.
“Dù địa phương cũng đã phối hợp các đơn vị tài trợ để hỗ trợ một số bà con thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, bệnh tật có được các bồn để chứa nước mưa sử dụng, nhưng hiện tại nước chỉ đủ để một số bà con trữ lại để dành uống và nấu ăn. Còn các nhu cầu như giặt, rửa, tắm thì vẫn còn hộ dân xài nước ao, đìa, xách lên, lắng lại để dành xài dần”, ông Mười nói.
Vợ chồng bà Danh Thị Ngọc Sươn (ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) đang nuôi 2 cháu nhỏ. Cao điểm mùa khô này, gia đình bà phải bơm nước ao, đìa trong rừng về để lắng lại rồi dùng trong sinh hoạt.
“Xài nước đìa dưới rừng, phải lóng phèn cho trong lại mới dùng được. Vậy mà giặt đồ cũng còn đỏ lòm, nước nó rít lắm. Tắm cho trẻ con thì phải dùng nước mưa xả lại vài ca, còn người lớn thì ráng chịu”, bà Sươn nói.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chồng bà Sươn, cho biết "nước uống thì phải đi xa xuống ấp 15 (cách nhà khoảng 4km) xin. Mình không có tiền mua nước bình uống. Mình cũng xin nước khoan, cây nước của người ta về lọc lại để dành uống, nước khoan ở dưới đó ngọt".

Nhiều hộ dân sống cặp theo tuyến Bảy Kinh, xã Khánh Thuận, huyện U Minh phải xài nước ao đìa do khoan giếng không có nước ngọt - Ảnh: THANH HUYỀN
Tuyến kênh Bảy Kinh thuộc xã Khánh Thuận có nhiều hộ dân sống dọc đó, với chiều dài khoảng 6km.
Nhà khá giả thì đầu tư nhiều bồn, lu, khạp chứa nước mưa để dành xài dần. Nhà khó khăn chỉ có vài cái lu và bồn chứa nước mưa để dành uống, còn lại nước xài phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước ao, đìa bơm lên.
Bà Lý Thị Xuyên, người dân địa phương, kể: "Tôi có khoan cây nước mà nước không ngọt, bơm lên bị nhiễm phèn, phải lóng lại. Nước mặn mặn, chua chua nên không nấu ăn được. Nấu phải dùng nước mưa, cũng có khi thiếu nước xài bởi mình không có dụng cụ để đựng cho đủ.
“Giặt đồ thì phải lấy nước mưa quậy xà bông, chứ nước giếng khoan là không có bọt. Giặt xong nước đầu thì lấy nước giếng khoan lóng sẵn xả lại, xong xả lại bằng nước mưa cái nữa. Rửa chén cũng vậy, tắm cũng vậy, xong thì giội lại nước mưa”, bà Xuyên nói.
Theo UBND xã Khánh Thuận, cùng sự chung tay của các cấp ngành, các nhà hảo tâm, thời gian qua người dân trên địa bàn được hỗ trợ nhiều dụng cụ trữ nước. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền để người dân chủ động trữ nước mưa dùng trong mùa khô đã được quan tâm.
Tuy nhiên, cao điểm mùa khô hằng năm, các ấp trong lâm phần rừng đều xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Có khu vực không khoan được nước giếng khoan, có khu vực khoan được nhưng nước bị nhiễm phèn mặn.
“Hy vọng các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để cấp dụng cụ trữ nước cho bà con. Cần xem xét đầu tư hệ thống dẫn nước nối mạng từ nơi khác đến để phục vụ cho bà con sinh hoạt”, lãnh đạo xã Khánh Thuận, huyện U Minh mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận