28/11/2024 13:58 GMT+7

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga huyền hoặc như xứ tiên ở Mông Cổ

Tận cùng phía bắc Mông Cổ, nơi rừng Taiga lá kim thẳm sâu giao hòa với thảo nguyên mênh mông bạt ngàn thiên dã, có một cộng đồng ít ai biết đến - những người Dukha du mục sống với tuần lộc.

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga thẳm sâu ở Mông Cổ - Ảnh 1.

Chàng trai trẻ Mông Cổ với đàn tuần lộc được thuần hóa

Nếp sinh hoạt của họ ở nơi đây không chỉ là lối sống du mục truyền thống của Mông Cổ, mà còn là sự kết nối bền bỉ giữa con người và thiên nhiên; cùng những trăn trở không ngừng của các thiếu niên với đôi má vẫn ửng cao nguyên hồng đã sớm gánh vác trên vai di sản văn hóa quý báu đang dần mai một của tổ tiên.

Cuối tháng 9, trời xanh vĩnh hằng của người Mông Cổ đã đổ nắng thu xuống, nhuộm vàng rừng Taiga thành tầng tầng lớp lớp rực rỡ, huyền ảo và kéo gió lạnh tê tái len qua những tàng cây

Lớn lên giữa Taiga và tuần lộc

Từ thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ), vượt qua hơn 800km quốc lộ về phía bắc, thêm gần 350km đường đất gập ghềnh trên thảo nguyên cỏ cháy, chúng tôi đi sâu vào rừng Taiga - nơi mà không có một con đường, cũng không có lối đi nào. Chỉ những tay lái cứng cựa nhất Mông Cổ mới có thể tìm ra phương hướng, vừa chạy xe bon bon vừa nghêu ngao hát ca mà lòng không lo sợ. Cuối cùng, chúng tôi dừng xe, dỡ đồ ở bìa rừng và chờ Makhsar - chủ nhà người Dukha sẽ đón tiếp và cho chúng tôi ở lại sinh hoạt cùng gia đình họ.

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga thẳm sâu ở Mông Cổ - Ảnh 5.

Nhiệt độ có thể xuống tới tầm -10 độ C, tuyết bắt đầu rơi lả tả

Nhiệt độ thời gian này có thể xuống tới tầm -10 độ C. Tuyết bắt đầu rơi lả tả khi lũ chó dẫn đường nhà Makhsar đến, báo trước sự xuất hiện từ sau hàng cây thông cổ thụ đen sẫm của ông chủ cùng anh con trai lớn Sumya và cậu cháu họ Otgonbayar.

Họ mặc áo Deel dài thẫm màu, thắt đai lưng bệ vệ; ung dung cưỡi trên tuần lộc và dắt theo một đàn hơn chục con với những chiếc gạc sừng sững nom không khác gì các vị thần rừng.

 - Ảnh 6.

Hai chàng trai trẻ với đôi tay khéo léo, thoăn thoắt phụ Makhsar gói và chất đồ khách lên tuần lộc, đồng thời dùng cử chỉ tỉ mỉ hướng dẫn từng người cách cưỡi tuần lộc

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga thẳm sâu ở Mông Cổ - Ảnh 7.

Khi đoàn lữ khách người Việt trèo lên lưng tuần lộc một cách vụng về, chúng vẫn đứng im. Khác với lũ ngựa vốn tính thất thường, sẵn sàng lồng lộn lên khi người lạ tiếp cận trái ý, tuần lộc hiền lành, kiên nhẫn và thân thiện hơn, hệt như những người Dukha đã chăn nuôi chúng

Ngay từ khi còn chập chững biết đi, trẻ em Dukha đã được học cách sống cùng đàn tuần lộc

 - Ảnh 11.

Sugara - con trai út của Makhsar

Trong các gia đình, những thiếu niên như Sugara - con trai út của Makhsar - đều thành thạo kỹ năng cưỡi tuần lộc vượt qua các cung đường trơn trượt, quanh co để dẫn đàn đi khắp những khu rừng lá kim rậm rạp tìm rêu, địa y - nguồn thức ăn ngày càng hiếm hoi do biến đổi khí hậu.

Tại rừng Taiga giá lạnh, nơi nhiệt độ có thể giảm sâu xuống -35°C, các thiếu niên Dukha dù tuổi đời còn nhỏ đã biết tự chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và đàn tuần lộc. Ở trại nhà Makhsar, vào thời điểm chúng tôi đến, ngoài Sugara còn có 2 cậu anh em họ trạc tuổi khác, những thiếu niên này là lực lượng chăn tuần lộc chính. Sáng sớm, các cậu sẽ cùng cha anh kiểm tra sức khỏe cho từng con tuần lộc, lùa đàn đi kiếm thức ăn và gom chúng về vào chiều muộn, đếm lại đàn và chuẩn bị cho những ngày di chuyển tiếp theo.

Trong các gia đình, những thiếu niên như Sugara - con trai út của Makhsar - đều thành thạo kỹ năng cưỡi tuần lộc vượt qua các cung đường trơn trượt, quanh co để dẫn đàn di chuyển khắp những khu rừng lá kim rậm rạp, tìm rêu, địa y - nguồn thức ăn ngày càng hiếm hoi do biến đổi khí hậu

Tai nạn nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi với những thiếu niên chăn tuần lộc part-time này. Vào chiều ngày thứ 2 ở lại, chúng tôi nhận được tin "dữ", đàn tuần lộc hơn 100 con đã bị lạc mất 10. Tuy nhiên, có vẻ du khách còn thấp thỏm lo lắng hơn gia chủ. Ngoại trừ các cậu nhóc mải miết đi tìm, mọi thành viên còn lại đều bình thản tiếp tục công việc của mình, phân chia đàn tuần lộc và về lều chẻ củi, nấu bữa tối. Trẻ nhỏ vẫn vô tư nô đùa, chơi trò vật nhau. Chẳng hề có tiếng trách mắng, hay bầu không khí u ám ủ dột nào lởn vởn quanh mái lều nhà Makhsar.

Sáng sớm hôm sau, một con tuần lộc trắng trong đàn thất lạc tự tìm đường quay trở về. Khi chúng tôi rời đi, cũng chưa có tin tức gì của 9 con còn lại, nhưng nhà Makhsar vẫn không hoảng hốt huy động gia đình họ hàng đi kiếm. Lối sống du mục mà họ gìn giữ đã dạy cho họ bài học thuận theo tự nhiên, an yên bình tĩnh đối diện với mọi chông gai trắc trở.

Người Dukha tin rằng tuần lộc là linh hồn cuộc sống của họ. Họ uống sữa tuần lộc thay nước mỗi ngày và đãi khách cũng bằng sữa tuần lộc. Tuần lộc cung cấp cho người Dukha mọi thứ cần thiết: từ sữa, pho mát, thịt, đến phương tiện di chuyển. Họ may quần áo, áo khoác, túi xách, thảm và giày từ da tuần lộc, dùng phân làm nhiên liệu, và gạc để chế tạo công cụ.

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga huyền hoặc như xứ tiên ở Mông Cổ - Ảnh 16.

Tại rừng Taiga giá lạnh, nơi nhiệt độ có thể giảm sâu xuống -35°C, các thiếu niên Dukha dù tuổi đời còn nhỏ đã biết tự chăm lo cho cuộc sống bản thân, gia đình và đàn tuần lộc

Những đứa trẻ hiểu chuyện và luôn muốn phụ giúp người lớn và cuộc sống của họ có nhiều thời gian để dành cho nhau

Đối mặt với những đổi thay của xã hội Mông Cổ

Sống trong điều kiện khó khăn, rừng sâu núi thẳm cùng thời tiết khắc nghiệt, nhưng với người Dukha, đó là nơi an toàn nhất cho đàn tuần lộc và cho chính nền văn hóa của họ. Năm 2012, Chính phủ Mông Cổ chỉ định phần lớn đất của người Dukha thuộc dự án công viên quốc gia, với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng qua nhiều thập kỷ.

"Không gia đình nào từ chối gửi con cái của họ đến trường. Tất cả trẻ em đều đi học. Chúng tôi không phải những kẻ man rợ" - Makhsar mạnh mẽ khẳng định. Tuy nhiên, Makhsar và Urchi - vợ ông - mong muốn giữ Sugara cùng các bạn đồng trang lứa của cậu ở lại Taiga thêm chút nữa, để chúng có thể hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình.

 - Ảnh 20.

Gia đình Makhsar bên đàn tuần lộc của mình trong một chiều muộn

Như vợ chồng Makhsar, nhiều bậc cha mẹ Dukha khác đều không nỡ để con cái xa gia đình lâu ngày, nhưng cũng không muốn chúng mất đi cơ hội học hành. Họ hiểu rằng nếu trẻ em không biết đọc, không biết viết, chúng sẽ gặp khó khăn khi cần giao lưu với thế giới bên ngoài; cuộc sống hiện đại đòi hỏi nhiều hơn, và giáo dục là cách duy nhất để những đứa trẻ có một tương lai tốt hơn. Song song, họ thấp thỏm lo lắng mỗi ngày xa rời rừng Taiga là mỗi ngày đám trẻ dần mất đi bản sắc Dukha, những giá trị mà gia đình truyền dạy.

Những năm gần đây, rừng Taiga không còn yên bình như trước. Rất đông du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến, với mong muốn được "trải nghiệm" cuộc sống du mục hoang dã.

Trong các lều trại của người Dukha, trẻ em dần tiếp xúc điện thoại thông minh hay các tiện ích từ thành phố. Những hình ảnh xa lạ trên mạng xã hội lung linh màu sắc, lấp lánh như một thế giới mới mẻ đầy mê hoặc khiến bọn trẻ không khỏi tò mò và khát khao khám phá cuộc sống bên ngoài những cánh rừng.

 - Ảnh 21.

Sumya - anh con trai lớn của Makhsar

 - Ảnh 22.

Sumya và Makhsar

Thế hệ cuối cùng?

Makhsar là người Dukha thuần chủng nhất trong gia đình. Urchi - vợ ông - là người Mông Cổ. Bà không biết nói tiếng Dukha. Các người con, người cháu cũng vậy. Họ giao tiếp bằng tiếng Mông Cổ. Ngôn ngữ mẹ đẻ của Makhsar không sử dụng được trong chính gia đình mình. Nhưng người đàn ông 50 tuổi này vẫn sống một đời lạc quan và hy vọng vào tương lai.

Thăm lều chúng tôi vào một đêm đầy sao, sau vài ly bia giao hữu, Makhsar bắt đầu mở lòng tán gẫu về cuộc sống của ông cùng gia đình với một phong thái trò chuyện hài hước dù bất đồng ngôn ngữ và phải thông qua phiên dịch của hướng dẫn viên bản địa.

Khi được hỏi về tương lai đầy thách thức phía trước, Makhsar đáp lại chúng tôi bằng một nụ cười: "Tôi nghĩ trái đất sẽ lạnh lại, cây non rồi sẽ lớn thành rừng". Và ông tin rằng ngôn ngữ của người Dukha luôn trường tồn, như dòng suối trong rừng, dù có đóng băng vào mùa đông, dù bề mặt có cạn khô thì một ngày sẽ lại chảy róc rách, tinh khiết, mát lành.

Trong số bốn người con của Makhsar, anh con trai lớn Sumya đã trải qua một hành trình dài học tập tại trường làng. Nhưng sau cùng, anh quyết định quay lại Taiga ngay khi tốt nghiệp và tiếp nối con đường chăn tuần lộc của cha ông. Giờ đây, anh sống chung trại với cha mẹ cùng người vợ và hai cô con gái nhỏ. Họ vun đắp một gia đình trẻ duy trì nhịp sống giản dị truyền thống của bộ tộc.

 - Ảnh 23.

Với người Dukha, sự tự do, bản sắc mãi mãi gắn liền với đàn tuần lộc cùng núi rừng Taiga bạt ngàn và sự bền bỉ gìn giữ của những giá trị sống mà tổ tiên để lại

Khi mùa đông đến, người Dukha lại chuẩn bị cho cuộc di cư truyền thống, dắt đàn tuần lộc qua những cánh rừng tuyết trắng, từng bước đi giữa thiên nhiên tĩnh lặng, hoang dã và giá lạnh của Taiga. Còn những thiếu niên như Sugara sẽ quay về trường học, tiếp tục theo đuổi tri thức.

 - Ảnh 24.

Câu hỏi liệu những thiếu niên này có phải là thế hệ cuối cùng của người Dukha du mục chăn tuần lộc tại Taiga hay không vẫn luôn day dứt trong lòng mỗi người cha, người mẹ nơi đây. Họ biết rằng để tồn tại, họ không thể mãi ở trong rừng sâu, tránh né mọi sự can thiệp của thế giới bên ngoài. Nhưng hòa nhập với xã hội hiện đại, họ sẽ dần mất đi bản sắc, mất đi linh hồn của bộ tộc

Thiếu niên du mục, đàn tuần lộc và rừng Taiga thẳm sâu ở Mông Cổ - Ảnh 25.Thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa TP.HCM và Mông Cổ

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã tiếp Đại sứ Mông Cổ tại Việt Nam Jigjee Sereejav đến chào từ biệt nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên