21/06/2018 11:12 GMT+7

Thiếu bãi đổ chất thải, cảng bị vạ lây, tàu thuyền ảnh hưởng

X.LONG - T.PHÙNG - 
TR.MAI - NG.HẢI
X.LONG - T.PHÙNG - 
TR.MAI - NG.HẢI

TTO - Hàng loạt luồng hàng hải tại Cửa Lò (Nghệ An), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Tàu - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)... nhiều năm qua vẫn chưa nạo vét được do bị vướng về địa điểm đổ vật chất nạo vét, gây ảnh hưởng lớn việc đi lại của tàu thuyền.

Thiếu bãi đổ chất thải, cảng bị vạ lây, tàu thuyền ảnh hưởng - Ảnh 1.

Cảng Năm Căn (Cà Mau) đìu hiu do luồng lạch không được nạo vét, tàu lớn không thể ra vào - Ảnh: Ng.Hùng

Theo Bộ TN-MT, việc giao biển cho các dự án nhận chìm theo nghị định 51/2014 gặp khó khăn do chưa có quy hoạch để giao biển, trong khi quy định về giao khu vực biển đặt ra yêu cầu "phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch".

Việc nhận chìm bùn thải gần bờ gây nhiều lo ngại về môi trường, còn ở ngoài khu vực biển cách xa bờ phải do Bộ TN-MT cấp phép. Hiện chưa có vùng quy hoạch nhận chìm bùn thải dẫn đến nhiều vướng mắc cho việc thông luồng cảng Sa Kỳ.

Ông Đỗ Minh Hải (giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi)

Theo ông Hà Hoàng Việt Phương - giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi, mỗi ngày có hàng trăm chuyến tàu các loại ra vào cảng Sa Kỳ nhưng do luồng quá cạn nên hai tàu cao tốc không thể ra vào cùng lúc mà phải "né" nhau ngoài biển. 

"Dự tính tháng 8-2018 nạo vét mà chẳng biết có làm được không khi vướng vùng nhận chìm bùn thải" - ông Phương cho biết.

Chưa biết đổ chất nạo vét đi đâu!

Thông tin từ Cục Hàng hải VN cho biết dự án nạo vét ở Hòn Gai - Cái Lân đã được Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc trình hồ sơ cấp phép nhận chìm từ tháng 7-2017. 

Nhưng đến tháng 4-2018, sau khi tổ chức thẩm định, Bộ TN-MT lại yêu cầu chủ đầu tư phải tìm vị trí đổ thải trên bờ, chưa đủ cơ sở thực hiện thủ tục giao khu vực biển để nạo vét duy tu luồng lạch.

Tương tự, năm 2017 UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép nhận chìm ở biển tại Cửa Lò nhưng do vướng mắc thủ tục giao khu vực biển nên chưa thực hiện được việc nạo vét. Đây là hai trong số nhiều dự án nhận chìm bị vướng về quy định giao biển nhận chìm khiến nhiều cảng không được nạo vét luồng lạch.

Đại diện cảng CMIT cho biết cảng Cái Mép tiếp nhận hai chuyến tàu mẹ đi châu Âu mỗi tuần nhưng hơn 1/3 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đi thị trường này vẫn phải trung chuyển tại các nước khác. Bởi vì các tàu đi châu Âu có kích cỡ lớn từ 18.000-22.000 TEU. 

Các tàu này muốn cập cảng phải có độ sâu tối thiểu 14m nhưng cảng Cái Mép có những dải cạn chỉ đạt độ sâu 12m.

Tuy nhiên, hoạt động nạo vét tại cảng này đang gặp khó khăn do vướng giấy phép nhận chìm. Cục Hàng hải VN đã chủ động chuyển phương án đổ chất nạo vét trên bờ. 

Tuy nhiên, việc điều chỉnh phương án đổ chất nạo vét phải thực hiện điều chỉnh các thủ tục như công tác bảo vệ môi trường, phê duyệt điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công nên kế hoạch nạo vét vẫn chưa thực hiện được.

Ông Đỗ Minh Hải, giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi, cho biết việc nạo vét cảng Sa Kỳ cũng đang vướng nơi đổ thải. Do đó, dù đã cấp giấy phép cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc từ tháng 10-2017 nhưng đến nay vẫn chưa thể nạo vét. 

Theo ông Hải, vị trí đổ thải phục vụ việc nạo vét cảng Sa Kỳ được giao cách bờ khoảng 5km, cách khu vực nạo vét 3-7km. Tuy nhiên, việc nhận bùn gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến bãi tắm Mỹ Khê (TP Quảng Ngãi), nên tỉnh Quảng Ngãi có quyết định tạm dừng.

Thiếu bãi đổ chất thải, cảng bị vạ lây, tàu thuyền ảnh hưởng - Ảnh 3.

Cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cũng chịu cảnh tương tự - Ảnh: Tr.Mai

Chưa có quy hoạch bãi đổ

Tổng kết thực hiện nghị định 51/2014 về việc giao các khu vực biển nhất định cho hoạt động nhận chìm, vấn đề bị "kêu" nhiều nhất là không có quy hoạch xác định khu vực cho phép nhận chìm. 

Đại diện Bộ GTVT cho biết hoạt động nhận chìm đối với các dự án nạo vét luồng lạch hàng hải đang rất vướng khiến rất nhiều dự án nạo vét cần nhận chìm lâm vào cảnh "bế tắc".

Để có căn cứ xem xét nhận chìm chất nạo vét phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, nhưng hiện nay chưa có cả quy hoạch sử dụng biển lẫn quy hoạch không gian biển. 

"Bộ GTVT đang gặp vướng trong thực hiện các thủ tục để nhận chìm chất nạo vét, thậm chí phải trực tiếp đi tìm xem đổ được chất nạo vét ở đâu vì quy hoạch chỗ được nhận chìm hiện nay chưa có" - đại diện Bộ GTVT cho biết.

Nhiều địa phương có biển, theo phân cấp được quyền giao khu vực biển cho hoạt động nhận chìm ở quy mô cho phép, cũng nêu khó khăn không đủ căn cứ giao biển cho hoạt động nhận chìm. 

Theo lãnh đạo Chi cục Biển và hải đảo của Nghệ An và Quảng Ninh, từ năm 2017 đến nay dù có tiếp nhận hồ sơ đề nghị giao khu vực biển nhưng không có căn cứ giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Cấn, chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo, Sở TN-MT Hải Phòng, cũng cho biết với hơn 40 cảng đang hoạt động, mỗi năm phải thực hiện nạo vét khoảng 3 triệu m3 tại các luồng lạch hàng hải. 

Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch sử dụng biển, không gian biển nên không đủ căn cứ giao biển nhận chìm, vì vậy một số dự án nạo vét phải đổ lên bờ. "Nhưng đến lúc trên bờ không còn chỗ buộc phải tìm chỗ để đổ ra biển, cần phải sớm có các quy hoạch này" - ông Cấn nêu.

Phải sớm tháo gỡ

Ông Vũ Sỹ Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, thừa nhận để được giao biển nhận chìm phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, trong khi chưa có quy hoạch sử dụng biển và không gian biển, việc giao biển gặp vướng mắc lớn nhất đó là không có căn cứ để giao biển nên nhiều hồ sơ dự án đã bị "ách" lại.

Trong khi đó, ông Tạ Đình Thi, quyền tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, cho rằng những vướng mắc trong giao biển nhận chìm ở các địa phương hiện nay đã trở thành vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải sớm được tháo gỡ. 

Theo ông Thi, quy hoạch sử dụng biển đã được Bộ TN-MT trình Chính phủ nhưng vừa qua Quốc hội thông qua Luật quy hoạch nên phải xây dựng quy hoạch không gian biển.

"Để xây dựng được quy hoạch không gian biển cũng không thể một sớm một chiều trình ban hành được. Theo quy định, quy hoạch không gian biển cũng phải trình Quốc hội thông qua, lộ trình đặt ra đến năm 2020 mới trình được ra Quốc hội. 

Trong khi từ nay đến thời điểm đó vẫn phải giải quyết các vấn đề thực tiễn về nhận chìm, các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội về giao biển nên cần có giải pháp tháo gỡ trước mắt" - ông Thi nói.

Dùng chất nạo vét cho xây dựng

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang, việc tìm các vị trí đổ lên bờ là giải pháp tình thế do hạn chế về quỹ đất, lâu dài vẫn cần các vị trí đổ ở biển hoặc các giải pháp kỹ thuật để có thể dùng vật liệu này vào công tác san lấp, tận dụng làm vật liệu xây dựng...

Do đó, cơ quan này đang chủ động liên hệ, làm việc với một số đơn vị nhằm nghiên cứu thêm về giải pháp kỹ thuật sử dụng chất nạo vét cho mục đích xây dựng để trình cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Giao địa phương xác định nơi đổ chất nạo vét

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết để tháo gỡ vướng mắc khi chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển và quy hoạch không gian biển cho hoạt động nhận chìm, bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố có biển tiếp tục quy định địa điểm đổ thải, xử lý bùn nạo vét trên biển.

Theo ông Vũ Sỹ Tuấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN, Chính phủ đã ra nghị quyết, trong đó đồng ý với đề xuất của Bộ TN-MT. "Theo nghị quyết này, trong khi chưa có quy hoạch sử dụng biển và quy hoạch không gian biển, giao cho các địa phương xác định địa điểm để nhận chìm chất nạo vét luồng lạch nhằm tháo gỡ ngay vướng mắc trong giải quyết nhu cầu nhận chìm chất nạo vét luồng lạch của các dự án đang vướng mắc" - ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Văn Cấn (chi cục trưởng Chi cục Biển và hải đảo, Sở TN-MT Hải Phòng):

Không nhận chìm gần bờ

Không thể cho phép nhận chìm, đổ bùn thải trong khu vực 3-6 hải lý. Đây là khu vực rất gần bờ, rất gần các khu dự trữ sinh quyển, vùng bảo tồn biển. Nếu nhận chìm ở biển phải đổ ở ngoài biển xa, còn không thì phải đổ lên bờ. Tại Hải Phòng, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát để chỉ có 4 điểm có thể nhận chìm được. Tuy nhiên, nếu mỗi khu vực được nhận chìm chỉ giao cho một đơn vị, chắc chắn không đủ nơi cho phép nhận chìm. Vì vậy, cần giao cho các địa phương có biển xác định khu vực được nhận chìm, xem xét giải quyết nhu cầu nhận chìm của các đơn vị và giám sát hoạt động nhận chìm để không vượt ngưỡng về khối lượng tại khu vực được phép nhận chìm.

XUÂN LONG

Nhiều hãng tàu sẽ bỏ cảng Cái Mép vì chậm nạo vét? Nhiều hãng tàu sẽ bỏ cảng Cái Mép vì chậm nạo vét?

TTO - Luồng cảng Cái Mép hiện có những dải cạn chỉ đạt độ sâu khoảng 12m, trong khi các tàu mẹ ra vào cần có mớn nước khoảng 15m nên cảng này có nguy cơ mất khách.

X.LONG - T.PHÙNG - 
TR.MAI - NG.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên