23/04/2020 10:40 GMT+7

Thiệt hại do COVID-19: Chủ nhà và người thuê xảy ra tranh chấp

NGỌC HIỂN - TÂM LỤA
NGỌC HIỂN - TÂM LỤA

TTO - Dù phần lớn các doanh nghiệp (DN) đã đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội, song vẫn phải duy trì rất nhiều chi phí, trong đó nặng gánh nhất là phí thuê mặt bằng.

Thiệt hại do COVID-19: Chủ nhà và người thuê xảy ra tranh chấp - Ảnh 1.

Một trong những địa điểm ăn uống trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp) trong chuỗi nhà hàng Food House vừa được giảm 50% phí mặt bằng trong thời gian có dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các DN cho biết không ít chủ nhà, đơn vị cho thuê mặt bằng chia sẻ bằng cách miễn, giảm phí thuê nhưng vẫn còn nhiều chủ nhà không giảm, thậm chí khi được trả lại mặt bằng đã đưa ra nhiều điều kiện khó khăn đối với DN. Vậy người đi thuê mặt bằng và chủ nhà cần ngồi lại để giải quyết vụ việc ra sao?

Nơi giảm, nơi miễn

Mấy tuần qua, hệ thống cửa hàng ăn uống tiện lợi Food Center với nhiều chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM liên tục nhận được hỗ trợ về chi phí mặt bằng từ các chủ nhà. 

Đến nay, 90% chủ nhà đã đồng loạt giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong thời gian dịch, cá biệt có nơi miễn luôn 3 tháng tiền nhà. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Minh - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Food Center - cho biết nếu tình hình giãn cách xã hội còn kéo dài, DN mới bàn đến chuyện tiếp tục thương thảo với chủ nhà bởi hiện nay đã nhận được những sự hỗ trợ tích cực từ bên cho thuê.

Tương tự, bà Vy (chủ quán bar tại đường Lê Thánh Tôn, Q.1) cho biết bà góp cổ phần ở 3 quán, hiện đã trả mặt bằng đóng cửa 2 quán và chỉ còn duy trì 1 quán chờ ngày hoạt động trở lại. 

Trong thời gian tạm đóng cửa này, bà Vy cho biết đã được chủ mặt bằng giảm 50% tiền thuê, tức bớt 35 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Duy Thiện - giám đốc dự án của The Coffee House - cho biết đến nay có 60% trong số các chủ mặt bằng đã giảm giá, còn khoảng 40% các chủ mặt bằng vẫn chưa có chính sách giảm giá cho DN trong thời buổi khó khăn này.

Cũng không gặp may mắn trong sự sẻ chia, ông Hồ Minh Quyền (chủ một chuỗi nha khoa thẩm mỹ tại TP.HCM) ngao ngán kể lại việc từ đầu tháng 3, người cho ông thuê mặt bằng tại quận Thủ Đức lại đòi tăng giá. 

"Giá mặt bằng tôi đang thuê là 25 triệu. Thấy dịch ập đến, vừa mở lời xin giảm giá thì chủ nhà lại đòi tăng thêm 25% với lý do nhà đang cho thuê quá rẻ. Trong khi người người được giảm giá tiền nhà thì mình lại bị tăng. 

Tranh cãi mãi không được, chủ nhà đồng ý trả lại cho tôi 50 triệu tiền cọc. Vậy là coi như đóng cửa một chi nhánh, đỡ gánh nặng mặt bằng, tiền lương nhân viên nhưng lại mất quá trời tiền đầu tư", ông Quyền chia sẻ.

Cũng vậy, anh T.V.T. là khách hàng thuê căn nhà trên đường Lê Thánh Tôn (Q.1, TP.HCM) với giá thuê 140 triệu đồng/tháng để kinh doanh spa. Anh đặt cọc 3 tháng tiền nhà với thời hạn kết thúc hợp đồng là tháng 6-2021. 

Do UBND TP.HCM có lệnh đóng cửa các spa không biết bao giờ mới hoạt động lại được, nên anh T. muốn chấm dứt hợp đồng và đòi lại tiền cọc.

Anh T. cho rằng dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng không kinh doanh được, nên anh có quyền chấm dứt hợp đồng. 

Tuy nhiên, bên cho thuê không đồng ý với lý do trong hợp đồng thuê nhà không có điều khoản thỏa thuận khi xảy ra "sự kiện bất khả kháng". Anh T. đã phải tìm luật sư nhờ tư vấn, cùng luật sư gặp chủ nhà để thuyết phục. 

Sau nhiều lần được luật sư chứng minh đây là "sự kiện bất khả kháng", là việc khách quan ngoài khả năng tiên liệu của cả hai bên chứ không phải do lỗi của bên thuê, người cho thuê nhà đã đồng ý giảm cho anh T. 50% giá cho thuê nhà trong hai tháng. 

Theo anh T., dù kết quả giảm không nhiều nhưng cũng giúp anh bớt đi phần nào gánh nặng trong mùa dịch.

Không may mắn như anh T., nhiều chủ DN cho biết đã phải mất một phần hoặc toàn bộ tiền đặt cọc khi trả lại nhà, mặt bằng đã thuê bởi chủ nhà thiếu sự chia sẻ trong mùa dịch.

Thiệt hại do COVID-19: Chủ nhà và người thuê xảy ra tranh chấp - Ảnh 2.

Một cửa hàng ẩm thực ở TP.HCM sau đó đã phải đóng cửa vì dịch COVID-19 không thể kinh doanh, chi phí mặt bằng quá lớn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cần hợp lý, hợp tình

Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết dịch COVID-19 rõ ràng là sự kiện bất khả kháng theo Bộ luật dân sự 2015.

Nếu bên thuê chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng dẫn đến không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng thì được miễn trách nhiệm dân sự.

Ông Đức cho rằng bên thuê mặt bằng nên trình bày đầy đủ, chính xác các khó khăn như phải ngưng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, trả lãi vay ngân hàng, chi trả lương nhân viên và các khoản phí khác nhưng không có nguồn thu, quỹ dự trữ đã cạn kiệt... 

Còn bên cho thuê mặt bằng cũng nên cân nhắc có thể thu được tiền cọc khi bên thuê vi phạm hợp đồng nhưng sau đó phải tốn phí bảo vệ, bảo trì, vệ sinh... trong thời gian chưa tìm được người thuê khác. 

"Tốt nhất các bên nên thỏa thuận miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, giãn thời hạn trả tiền trên tinh thần hiểu biết, quan tâm đến lợi ích các bên", ông Đức nói.

Cùng chia sẻ thêm, ông Nguyễn Duy Thiện cho biết dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng nhưng trước mắt DN này vẫn thương thảo, chưa tính đến các yếu tố pháp lý. 

Bởi theo ông Thiện, đây là bước đi cuối cùng trong khi từ trước đến nay cả chủ nhà lẫn DN vẫn đồng hành và sau dịch vẫn tiếp tục hợp tác. 

Theo ông Thiện, nhiều chủ nhà cho biết họ phải đi vay ngân hàng để mua mặt bằng, cho DN thuê lại nên chủ nhà cũng khó khăn.

Đại diện hệ thống Thế Giới Di Động cũng cho biết thêm DN này đã đề nghị chủ mặt bằng giảm 50% giá thuê trong 12 tháng và miễn chi phí thuê mặt bằng của các cửa hàng trong thời gian phải tạm ngưng kinh doanh theo yêu cầu của Nhà nước. 

Theo vị này, DN đề xuất như thế nhưng mỗi chủ nhà sẽ có một cách thương lượng khác nhau để hỗ trợ công ty. 

Cho rằng quan hệ giữa DN và chủ nhà là hợp tác nên vị này nhận định khi kinh doanh tốt DN có thể trả chi phí mặt bằng cao, nhưng khi dịch bệnh thì việc giúp đỡ DN vượt qua khó khăn bằng sự chia sẻ gánh nặng mặt bằng cũng là điều hợp lý.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần sự hợp tác hai bên

Việc chia sẻ khó khăn với đối tác, người cho thuê nhà trong mùa dịch cần sự hợp tác của cả hai bên.

Khi tư vấn pháp lý, đối với bên cho thuê, sau khi phân tích về quy định pháp luật, tôi thuyết phục họ nên giảm giá, thậm chí miễn tiền thuê nhà trong thời gian xảy ra "sự kiện bất khả kháng" nhằm chia sẻ khó khăn với đối tác của mình.

Bởi theo tôi, việc chia sẻ khó khăn đó ngoài tình người hỗ trợ nhau trong lúc hoạn nạn còn là cơ hội để bên cho thuê và bên thuê tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Vì nếu hai bên không có tiếng nói chung, bên thuê có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng, chấp nhận mất cọc, nhưng bên cho thuê chưa chắc sau khi kết thúc dịch sẽ cho người khác thuê với giá bằng giá cho thuê của hợp đồng hiện tại, cũng không chắc rằng sẽ có khách thuê ngay.

Kiến nghị coi COVID-19 là sự việc bất khả kháng

Hàng loạt chuỗi bán lẻ và dịch vụ thực phẩm (F&B) vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị coi COVID-19 là sự việc bất khả kháng.

Theo DN, ngành bán lẻ và thực phẩm hầu như không có khách hàng từ tháng 2 và phải đóng cửa từ ngày 26-3 gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, đặc biệt khi các cửa hàng hầu như không có doanh số song vẫn phải gánh chịu các chi phí.

Các chủ DN cho rằng ngay khi xảy ra dịch COVID-19 và doanh thu suy giảm rõ rệt, các DN đã tích cực đàm phán với đối tác cho thuê mặt bằng hỗ trợ như điều chỉnh giá thuê mặt bằng, giãn tiến độ thanh toán...

Tuy vậy, chỉ có một số ít đối tác hỗ trợ, còn lại phần lớn đối tác không xác định dịch COVID-19 là sự việc bất khả kháng và yêu cầu các DN thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, phí dịch vụ đầy đủ cho thời gian tạm dừng kinh doanh do dịch COVID-19.

Từ đó, các DN đã kiến nghị Chính phủ cần xác nhận COVID-19 là sự việc bất khả kháng theo Bộ luật dân sự 2015.

Đồng thời, các DN cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về tài chính và chấp thuận hoạt động kinh doanh trực tuyến của một số công ty.

Về đề xuất việc đưa COVID-19 vào nhóm sự việc bất khả kháng, các DN cho rằng điều này có thể giúp tác động gián tiếp lên số tiền thuê mặt bằng các chuỗi bán lẻ, thực phẩm phải trả trong thời gian tạm ngưng kinh doanh.

Hàng quán tại TP.HCM tất bật lau chùi, ‘rục rịch’ chờ mở lại Hàng quán tại TP.HCM tất bật lau chùi, ‘rục rịch’ chờ mở lại

TTO - Chiều tối 22-4, một số hàng quán ở TP.HCM đã bắt đầu vệ sinh, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị đi vào hoạt động trong khi chờ công bố chính thức.

NGỌC HIỂN - TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên