18/11/2019 13:00 GMT+7

Thiết bị thông minh trong nhà: Giá nào cũng có

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Dù đang ở bất kỳ nơi nào, bạn cũng có thể kiểm soát tình hình, điều khiển nhiều thiết bị trong ngôi nhà của mình dễ dàng qua kết nối Internet từ chiếc smartphone trên tay.

Thiết bị thông minh trong nhà: Giá nào cũng có - Ảnh 1.

Sử dụng một thiết bị thông minh tại nhà - Ảnh: VÕ THIỆN

Làm "nhà thông minh" với những món đồ công nghệ như: hệ thống điều khiển trung tâm bằng giọng nói, robot hút bụi lau nhà, cảm biến khói, ổ cắm kết nối WiFi, công tắc điện điều khiển từ xa... ngày càng được nhiều người sử dụng do có nhiều tiện ích, tăng an toàn cho gia đình.

"Né đòn bà hỏa" ngoạn mục

Đang ngồi làm việc ở cơ quan, smartphone của anh Phạm Đình Hải (Hà Đông, Hà Nội) nhận được cảnh báo có khói trong nhà. Mở ứng dụng quản lý camera gia đình từ xa, anh phát hiện khói mù mịt.

"Vội gọi điện ngay cho mẹ ở nhà nhưng không liên lạc được, tôi gọi điện cho hàng xóm và mở cửa nhà thông qua khóa điều khiển từ xa. Kết quả là ngắt điện kịp thời" - anh Hải kể sự việc vừa xảy ra. "Nguyên nhân là mẹ tôi quên tắt bếp" - anh Hải nói và thở phào vì quyết định "đầu tư" mua những thiết bị công nghệ thông minh đã cứu gia đình thoát "bà hỏa".

Là dân IT (công nghệ thông tin) nên anh Hải mê đồ công nghệ và gắn nhiều cảm biến trong nhà. "Nhà tôi từng một lần bị vỡ ống nước ngay gần nhà vệ sinh, nếu không có cảm biến phát hiện và thông báo thì chắc tôi đã phải lột sạch và thay mới sàn gỗ" - anh Hải kể.

Trong khi đó, anh Phước Quốc (Bình Thạnh, TP.HCM) lại "khoái" cách điều khiển các thiết bị trong nhà bằng giọng nói. "Tôi có thể ra lệnh bằng giọng nói để điều khiển máy lạnh, tivi thông minh, quạt, đèn... trong nhà rất dễ dàng, chỉ cần nói OK! Google và ra lệnh mình muốn thực hiện" - anh Quốc nói.

Việc điều khiển bằng giọng nói được thực hiện qua một thiết bị có tên là Google Home mini (như một chiếc bánh cầm vừa lòng bàn tay). Thiết bị này kết nối mạng Internet WiFi trong nhà và cũng kết nối với các thiết bị có kết nối WiFi khác trong cùng hệ thống mạng. 

Google Home sẽ giao tiếp với người dùng bằng giọng nói (giống như bạn trò chuyện với một trợ lý ảo) và thực hiện các lệnh theo yêu cầu người dùng (ra lệnh các thiết bị kết nối mạng, mở bài hát, kể chuyện, đọc bản tin, bật tắt tivi...).

Đa dạng sản phẩm, giá cả

Việc ngày càng nhiều người sử dụng, các sản phẩm công nghệ thông minh đang có rất nhiều phân khúc với giá ngày càng rẻ. Như robot hút bụi trước giá rất cao với chỉ vài thương hiệu, nay số lượng thương hiệu, chủng loại sản phẩm đã rất nhiều.

Chẳng hạn trước đây Hãng Xiaomi (Trung Quốc) có loại robot hút bụi, lau nhà giá khoảng 11 triệu đồng, nay hãng đã có thêm phiên bản khác với tính năng gần tương tự nhưng giá chỉ còn khoảng 6 triệu đồng. Hay sản phẩm Roomba i7+ của Hãng iRobot (Mỹ) có giá đến 25 triệu đồng với các tính năng nổi trội như: sức hút siêu mạnh, có thể thu được 99% chất mốc, phấn hoa, bụi bẩn, chất gây dị ứng chó và mèo; tự động đổ rác hút được vào bịch... 

Sản phẩm Deebot Robotics DL33 của Hãng Ecovacs (Trung Quốc) có giá bán chưa đến 3 triệu đồng nhưng tính năng cũng chẳng kém Roomba i7+ bao nhiêu.

Rất nhiều người dù không có ý định nhưng đã vô tình "đầu tư" thiết bị thông minh khi mua giắc cắm điện có thể điều khiển qua điện thoại thông minh. Chỉ với số tiền vài trăm ngàn đồng cho thiết bị này là có thể điều khiển tưới cây, nấu cơm, bật bình nước nóng, bật đèn vườn... qua smartphone khá dễ dàng.

Sản phẩm thông minh khác được dùng đã khá phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay là đèn cảm ứng, tự động sáng khi có người đi vào. Loại sản phẩm này có giá bán không quá đắt, chỉ vài trăm ngàn đồng, thậm chí nhiều sản phẩm đèn cũng được quảng cáo là đèn cảm ứng hồng ngoại, giá bán chỉ 60.000 - 70.000 đồng/chiếc. 

Tuy nhiên, loại sản phẩm giá rẻ thường có độ bền thấp, khả năng cảm ứng nhanh bị hỏng chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.

Việt Nam sẽ sớm bùng nổ smarthome?

Sự phổ biến của các ứng dụng trong kết nối Internet cũng như IoT (Internet of things - Internet vạn vật) đã khiến ngày càng nhiều người gia nhập cuộc chơi đồ công nghệ thông minh nói riêng, hay smarthome nói chung.

Từ nhu cầu tìm hiểu và "chơi" đồ công nghệ thông minh, nhiều cộng đồng smarthome đã được thành lập như: smarthome Việt (16.000 thành viên), bkav smarthome (7.800 thành viên), hội nhà thông minh (9.700 thành viên), Xiaomi Việt (154.000 thành viên)... Các diễn đàn này đang trao đổi, tìm hiểu, mua bán về các sản phẩm công nghệ thông minh dùng trong gia đình khá sôi động.

Trong khi đó, theo đánh giá của Hãng thống kê Statista (Đức), doanh thu từ thị trường smarthome Việt Nam dự kiến đạt 105 triệu USD trong năm 2019. Với mức tăng dự kiến 35% mỗi năm, đến năm 2023 con số này ước đạt 350 triệu USD. Điều này cho thấy xu hướng sử dụng đồ thông minh trong một ngôi nhà thông minh tại Việt Nam đang mạnh lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bất kỳ món đồ công nghệ nào dù xịn hay bình dân cũng có thể có những trục trặc trong quá trình sử dụng. Thiết bị thông minh được điều khiển qua phần mềm trên smartphone, nên chỉ cần khâu kết nối có vấn đề là "trục trặc". 

Bên cạnh đó, các thiết bị thông minh đều có phần mềm điều khiển trong máy, các phần mềm thường luôn cần nâng cấp, chưa kể những lỗi phần cứng, kỹ thuật có thể bắt gặp trong bất kỳ sản phẩm công nghệ nào. Cách tốt nhất là chọn mua những sản phẩm có thương hiệu, uy tín rõ ràng và có chế độ bảo hành tốt.

Hút khách với điều khiển bằng giọng nói

Hiện có nhiều thiết bị giúp điều khiển các thiết bị trong nhà bằng giọng nói được người dân quan tâm, mua nhiều. Theo một số chuyên gia, hiện thiết bị thông minh bán lẻ rất nhiều, giá không quá đắt.

Người dùng có thể mua một thiết bị kết nối với Google Home vừa kết nối hồng ngoại đến các thiết bị có dùng điều khiển từ xa trong nhà (như máy lạnh, quạt, tivi...). Từ đó, chỉ cần nghe hướng dẫn của cơ sở bán hàng, không khó để người mua bỏ qua các thiết bị điều khiển riêng biệt mà chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói.

Bảo mật là nỗi lo

Trong quá trình nghiên cứu hoạt động của hệ thống điều khiển nhà thông minh, các chuyên gia từng phát hiện những lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, gồm lỗi ở cơ sở hạ tầng đám mây và thực thi mã từ xa, khiến bên thứ ba chiếm được quyền "siêu người dùng" để truy cập và điều khiển hệ thống nhà thông minh.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, để giữ an toàn, trước khi mua thiết bị hãy cập nhật kỹ các tin tức về lỗ hổng bảo mật hiện có. Bên cạnh những lỗi thường gặp trong các sản phẩm mới, thiết bị được ra mắt gần đây có thể có các vấn đề bảo mật chưa được phát hiện. Do đó, người dùng nên chọn mua sản phẩm từng được cập nhật phần mềm thay vì sản phẩm mới ra mắt trên thị trường.

Ngoài ra, hãy đảm bảo tất cả các thiết bị được cập nhật chương trình bảo mật mới nhất.

Smart control điều khiển thông minh cho mọi thiết bị Smart control điều khiển thông minh cho mọi thiết bị

Thiết bị điện MPE đã tổ chức thành công hội thảo “MPE Smart Control - Hệ thống điều khiển thông minh” vào tháng 12/2018.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên