13/11/2024 06:30 GMT+7

Thích nhắn tin hơn gọi điện vì 'nhắn sai dễ thu hồi'

Bạn đọc Dan chia sẻ ở công ty mình, một số khách hàng khó tính nhưng lại thích liên lạc qua mạng xã hội, không gọi điện. Lúc khách nói sai, khách sẽ thu hồi tin nhắn luôn.

Thích nhắn tin hơn gọi điện vì 'nhắn sai dễ thu hồi' - Ảnh 1.

Chuyện gọi điện hay nhắn tin thế nào cũng tùy độ tuổi, lĩnh vực, tính chất công việc cần liên hệ - Ảnh: YẾN TRINH

Sau bài viết "Chẳng thà nhắn tin qua mạng xã hội rồi chờ... vài ngày chứ không thích gọi điện?", Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều phản hồi bạn đọc về câu chuyện nên gọi điện thoại hay nhắn tin Facebook, Zalo trong lần đầu liên hệ.

Nên ứng xử khéo léo khi liên hệ

Theo nhiều bạn đọc, chuyện gọi điện hay nhắn tin thế nào cũng tùy độ tuổi, lĩnh vực, tính chất công việc cần liên hệ.

Một số bạn đọc cho rằng đối với việc quan trọng hoặc liên hệ lần đầu thì nên gọi điện trước.

Tài khoản bebo****@gmail.com phân tích: "Nếu gọi không nghe, ta nhắn tin lại nội dung công việc cần trao đổi. Ai chờ Facebook, Messenger... thì mất cơ hội, dễ gây cho đối tác cảm giác khó chịu, không muốn hợp tác. Đừng nói thời đại số thì nhất nhất phải qua mạng".

Tương tự, anh Quý Hùng bộc bạch không thích ai hay nhắn Facebook khi mới liên hệ công việc. Hoặc nếu nhắn thì nên đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi.

Không phải lúc nào anh cũng online nên rất mất thời gian nhắn qua nhắn lại, không liên tục được.

Anh Tuấn thì cho rằng với những mối quan hệ nghiêm túc, việc gọi điện sẽ phù hợp hơn.

Nhìn nhận đơn giản hơn, chị Lan viết: "Khoảng cách thế hệ. Chuyện nhắn qua Facebook, Zalo… là quá bình thường, ngay cả với nhiều người không trẻ".

Tài khoản vant****@gmail.com cũng chọn cách nhắn tin liên lạc. "Nếu gọi điện thoại, lỡ mình đang đi ngoài đường hoặc có chuyện riêng không tiện nghe".

Bạn đọc số điện thoại 0939… giải thích do tính chất công việc, nếu gọi điện "lời nói gió bay". "Cái gì tôi cũng nhắn tin để sau này còn bằng chứng. Chứ gọi trao đổi miệng sau này hay cãi lắm".

Đặc biệt, theo quan sát của độc giả Dan, thời nay không biết có phải do công nghệ và kỹ thuật số không, con người ta vô hình khiến cho lời nói mất giá trị và uy tín.

Anh chia sẻ ở đơn vị mình, có một số khách hàng khó tính nhưng lại thích liên lạc qua các ứng dụng OTT.

Tuy nhiên, lúc khách nói sai, khách sẽ vô tư tiện tay ấn nút thu hồi tin nhắn. Hoặc khách khăng khăng rằng mình nói thế này chứ không phải thế kia.

Anh than: "Chúng tôi không có cách gì đáp trả lý lẽ trái khoáy của khách. Không phải không thể, mà rất khó và mất thời gian. Vì chả lẽ cứ chat 10 dòng thì chụp màn hình một lần.

Còn nếu tìm lại từ khóa của câu khách chat chắc mất vài ngày hoặc hơn, vì khách chat trên đủ các app".

Một điều nữa, khi bạn trẻ gửi tệp công việc mà dung lượng lớn, cũng tiện tay gửi qua app chat luôn. Thường anh phải tự tìm cách tải về, hoặc chuyển tiếp đến thiết bị mà bên anh làm việc trên tệp đó.

Theo bạn đọc Dan, mọi người nên suy nghĩ về vấn đề ngày nay mọi người dường như chỉ quan trọng sự tiện lợi cho bản thân. Họ không còn hoặc ít quan tâm đối phương tiếp nhận lời nói hay phương thức liên lạc như thế nào.

Không thích người lạ gọi điện vì sợ cuộc gọi rác

Nhiều lúc tưởng số lạ gọi đến là số quảng cáo, nhiều người không bắt máy.

Anh Truong chia sẻ rằng trong công việc với người lạ, cấp trên, anh không thích ai gọi Zalo, Facebook Messenger. "Vì cái này là miễn phí, nên chất lượng cuộc gọi cũng cà giựt, với có cảm giác keo kiệt", anh nói.

Tài khoản tran****@gmail.com thẳng thừng: "Gọi điện là mình block (chặn) ngay. Đâu phải ai cũng rảnh để nghe điện thoại".

Về lý do ngại nghe điện thoại số lạ, anh Huy Trần cho hay: "Vấn đề nằm ở chỗ hiện tại là thời kỳ kỷ nguyên số phát triển kéo theo nhiều hệ lụy, mà nổi bật là lừa đảo, làm phiền, quảng cáo... qua cuộc gọi quá nhiều. Nên không ai còn muốn nhận cuộc gọi số lạ nữa".

Có nhiều kinh nghiệm, bạn đọc thie****@gmail.com kể anh rất cẩn thận khi thấy số lạ gọi.

"Sau này khi điện thoại di động phát triển, người lạ muốn giao dịch nhắn tin trước trên mạng cũng được, giới thiệu là ai. Sau đó mới gọi đàm thoại. Ai đã biết số điện thoại của tôi cũng không cho người khác biết".

Tương tự, anh Duy than phiền rằng 10 cuộc gọi anh nhận thì đến 8 cuộc là số lạ mời gọi tiếp thị.

Tài khoản khiemdo đồng tình rằng số lạ bây giờ toàn là quảng cáo, môi giới dưới nhiều hình thức. Còn khi liên hệ qua Zalo thì đã là bạn, là người quen.

Bạn đọc duct****@gmail.com nhận định thời buổi thật giả lẫn lộn, thà nhắn tin để còn có thời gian xem xét, xác thực người nhắn là thật thì liên hệ lại. "Số lạ gọi, mình block ngay. Muốn mình nghe máy thì họ cần gửi email hoặc tin nhắn hẹn trước".

Qua vấn đề này, bạn đọc tranle nói về tình trạng các nhà mạng chưa quản lý hiệu quả các sim rác và giờ chính nhà mạng cũng thiệt thòi, vì rất nhiều cuộc gọi rác. Mọi người hình thành thói quen không bắt máy nghe điện thoại lạ.

"Thường tôi sẽ kiểm tra qua Zalo xem số đó có đăng ký không mới gọi lại. Gọi lại 10 cuộc nhỡ thì hết 9 cuộc là không ai nghe", bạn đọc này cho biết.

Đồng tình, bạn đọc Cuonghugo chia sẻ rằng đây là hệ lụy của việc gọi điện quảng cáo tràn lan, khiến các cuộc gọi ngoài danh bạ bị xem là cuộc gọi rác. "Tôi sẽ không nhấc máy hầu như 95% các cuộc gọi nếu số điện thoại không có trong danh bạ".

Một số bạn đọc cho rằng số lạ gọi đến sẽ có thể làm gián đoạn công việc của người nhận, nhiều khi là làm phiền.

Theo tài khoản abcs, cuộc gọi sẽ đặt cả hai bên vào thế phải phản hồi ngay, không có thời gian cân nhắc, nhiều khi không có lợi cho công việc.

Gọi điện cho nhanh gọn, nhắn tin rồi thu hồi ai biết đâu mà lần - Ảnh 1.Chẳng thà nhắn tin qua mạng xã hội rồi chờ... vài ngày chứ không thích gọi điện?

Mới liên hệ công việc lần đầu, một số bạn trẻ thường có thói quen nhắn tin, gọi điện qua Facebook. Nếu có xin số điện thoại, các bạn sẽ kết bạn, gọi qua Zalo, Messenger chứ không gọi điện thoại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên