13/06/2021 09:02 GMT+7

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Ý kiến trái chiều về đề văn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Sáng 12-6, trên 93.000 thí sinh Hà Nội đã vượt qua buổi thi đầu tiên tuyển sinh vào lớp 10 với hai môn thi ngữ văn và ngoại ngữ trong thời tiết dịu mát và các biện pháp phòng dịch COVID-19 siết chặt.

Thi vào lớp 10 ở Hà Nội: Ý kiến trái chiều về đề văn - Ảnh 1.

Thí sinh và phụ huynh ở Hà Nội sau buổi thi vào lớp 10 sáng 12-6 - Ảnh: CHU HÀ LINH

Sau buổi thi đã có những ý kiến trái chiều về đề ngữ văn.

An toàn và hụt hẫng

Cụ thể, những giáo viên ủng hộ đề thi cho rằng đề thi này mang tính "an toàn" và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Giải thích về tính "an toàn", một giáo viên cho rằng những ngữ liệu của đề được lấy từ chương trình học, kể cả câu nghị luận xã hội, nên đề thi không mang tính đột phá. Tuy nhiên, trong tình hình dịch COVID-19 thì giảm độ khó của đề cũng là cách hỗ trợ thí sinh trong việc hạn chế điều kiện ôn tập.

Ngược lại, những giáo viên khác cho rằng "an toàn" thường đi liền với cũ, không đột biến, không truyền cảm hứng và những xúc cảm tích cực cho thí sinh. Đây là "điểm trừ" mà nhiều phụ huynh và giáo viên nói về đề thi văn của Hà Nội.

"Học sinh không bất ngờ với phần nghị luận văn học vì bài Đồng chí cùng với bài Ánh trăng là hai tác phẩm đã không xuất hiện trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội trong hơn 1 thập niên (từ năm 2010). Vì thế có nhiều giáo viên phán đoán năm nay sẽ thi. 

Phần nghị luận xã hội trong các đề thi những năm gần đây hay sử dụng ngữ liệu nằm ngoài chương trình, thậm chí là câu chuyện thời sự vừa diễn ra. Nhưng đề thi năm nay sử dụng ngữ liệu trong chương trình học sinh đã được học và ôn tập nên cũng không có gì mới với thí sinh" - cô Trần Thị Thúy, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết.

Tuy nhiên, cô Thúy cũng cho rằng cách hỏi ở phần nghị luận văn học cũ, vẫn "vĩ mô" quá, không gần gũi đối với học sinh lớp 9. Nhiều giáo viên tỏ ra khó hiểu khi người ra đề tách riêng câu "Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới" vì phải đặt trong ngữ cảnh thì mới hiểu và viết được.

Chị Hồng Thủy - phụ huynh có con dự thi ở điểm thi Trường THCS Yên Hòa (Hà Nội) - chia sẻ: "Tôi nghĩ nhiều thí sinh sẽ hụt hẫng, cũng như tôi, khi đọc đề văn. Có nhiều câu chuyện đáng suy nghĩ, đáng lan tỏa như tình yêu thương, ý thức trách nhiệm cộng đồng, sức mạnh đoàn kết toàn dân, những câu chuyện cảm động về sự hy sinh của những người ở tuyến đầu chống dịch... Đó là chất liệu ra đề gần gũi và có thể tác động đến tinh thần, thái độ sống của học sinh".

Chị Thủy nói thêm: "Hơn 90.000 học sinh Hà Nội hôm nay đi thi được an toàn cũng nhờ vào sự hỗ trợ của hàng chục ngàn người. Tôi muốn đề thi văn đến gần cuộc sống hơn, không chỉ để chấm điểm thi mà góp phần vào giáo dục học sinh, tác động đến cách dạy văn ở nhà trường. Thế nên tôi không thấy thích câu hỏi nghị luận xã hội trong đề văn hôm nay...".

Mỗi phòng thi ra về một cổng khác nhau

Ngoài 184 điểm thi, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện cho trưng dụng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn để sử dụng làm điểm thi dự phòng, điểm chờ mở cổng cho phụ huynh vào chờ thí sinh. Buổi thi đầu tiên không còn tình trạng phụ huynh tập trung đông trước điểm thi.

Các điểm thi đều xây dựng kịch bản chi tiết để đảm bảo giãn cách. Tại điểm thi Trường THCS Yên Hòa có 4 cổng trả thí sinh. Sau khi nộp bài xong, thí sinh ngồi tại chỗ để nghe hướng dẫn; mỗi phòng thi sẽ ra một lối, một cổng khác nhau. Ở những điểm thi không có nhiều cổng ra thì được tạo lối đi, cổng ra bằng dây mềm, đánh dấu khoảng cách để đảm bảo thí sinh hạn chế tiếp xúc.

Ban chỉ đạo thi đề nghị các quận, huyện tiếp tục cập nhật thông tin về thí sinh có ảnh hưởng bởi COVID-19 để có xử trí cho buổi thi thứ hai. Theo thông tin của Sở GD-ĐT Hà Nội, tới ngày 12-6 có 38 thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó có 1 học sinh là F0, 20 là F1, 7 là F2 và 10 trong diện phong tỏa. Đây là những thí sinh sẽ không phải thi mà được tuyển thẳng hoặc xét tuyển.

Sáng nay, thí sinh tiếp tục thi môn toán và lịch sử. Ngay sau khi kết thúc môn thi, mời bạn đọc xem gợi ý bài giải từ giáo viên trên tuoitre.vn.

Đề thi tiếng Anh: phổ điểm từ 7,5 đến 9

Đề thi tiếng Anh năm nay được tinh giản từ 40 câu xuống còn 30 câu do điều chỉnh thời gian làm bài. Nhưng cấu trúc đề không khác biệt. 10 câu hỏi về ngữ pháp rất cơ bản. Tương tự, với bài đọc điền từ và đọc hiểu, ngoài các câu lập luận bằng ngữ pháp, các câu khác học sinh ghi nhớ lượng từ vựng nhất định trong quá trình học có thể đáp ứng tốt yêu cầu. Phần có tính phân hóa trong đề là phần chữa lỗi sai và viết lại câu, học sinh cần nắm chắc ngữ pháp từng phần và phải cực kỳ cẩn thận mới có thể không mắc lỗi sai trong phần này. Tuy vậy, phổ điểm năm nay sẽ tập trung ở mức 7,5 đến 9 điểm.

Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa (giáo viên tiếng Anh Trường THPT Einstein Hà Nội)

Đà Nẵng: xét nghiệm 3.000 người tham gia kỳ thi lớp 10

12-6, da nang - xet nghiem cho 3

Lấy mẫu xét nghiệm cho người tham gia kỳ thi lớp 10 tại Đà Nẵng sáng 12-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Ngày 12-6, Sở GD-ĐT Đà Nẵng phối hợp Sở Y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên... tham gia các khâu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021.

Theo đó, hơn 3.000 người gồm thanh tra thi, ban vận chuyển, cán bộ coi thi, công an, bảo vệ, phục vụ tại tất cả các điểm thi, ban thư ký, ban làm phách... tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã được lấy mẫu xét nghiệm theo hình thức xét mẫu gộp 10. Trước đó, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, thí sinh tham gia các khâu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Số lượng người được xét nghiệm dự kiến là 16.296 người.

ĐOÀN CƯỜNG

Gợi ý giải đề môn văn thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội Gợi ý giải đề môn văn thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội

TTO - Trưa nay 12-6, hơn 93.000 thí sinh ở Hà Nội đã hoàn thành xong bài thi môn ngữ văn và tiếng Anh kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Mời bạn đọc xem đề thi và gợi ý bài giải môn ngữ văn.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên