04/05/2020 11:16 GMT+7

Thị trường vàng thế giới 'tắc đường' vì đại dịch COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, vàng thỏi thường được vận chuyển trên khắp thế giới bằng các chuyến bay thương mại.

Thị trường vàng thế giới tắc đường vì đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Chế tác vàng thỏi tại công ty Valcabi ở Balerna, Thụy Sĩ. Ảnh: bloomberg.com

Trong tháng qua, hãng chế tác vàng Thụy Sĩ Valcambi SA đã 5 lần tìm cách vận chuyển vàng từ Hong Kong (Trung Quốc), nhưng chỉ có hai đợt vàng được chất cẩn thận lên máy bay và chỉ một lần vận chuyển thành công tới Thụy Sĩ.

Đại dịch COVID-19 đã soi rọi một góc khuất về thị trường kim loại quý mà bình thường chẳng mấy ai chú ý: Đó là việc vận chuyển vàng, bạc và các kim loại khác trên toàn thế giới. Thị phần của ngành này chủ yếu nằm dưới sự chi phối của một số ít các công ty, nổi bật là Brink’s, G4S Plc, Loomis AB và Malca-Amit – những thực thể kết nối các nhà khai mỏ, chế tác vàng với khâu giao dịch, tiêu thụ tại các thị trường trọng điểm trên thế giới.

Bình thường, việc vận chuyển vàng thỏi trị giá hàng triệu USD trên toàn cầu được thực hiện trên các chuyến bay thương mại. Vàng được đặt trong các hộp, cách vài mét so với hàng ghế của hành khách, sau đó được dỡ xuống, chất lên các xe tải bọc thép và chở tới các xưởng chế tác hoặc các hầm chứa.

Thế nhưng việc máy bay phải nằm dài trên sân đỗ đã tác động lớn đến ngành kinh doanh vốn trước đây thường dựa vào giao hàng gần như tức thời: Giá ở một số thị trường trọng điểm có sự chênh lệch lớn và thị trường vàng London thậm chí đã bắt đầu đề cập đến giải pháp cho phép giao hàng ở các thành phố khác trên thế giới.

Khi việc đi lại trên toàn cầu bị gián đoạn, ngành kim loại quý đang vội vã tìm kiếm các giải pháp thay thế để giữ thị trường vận hành ổn định. Đó quả là một cơn đau đầu đối với ngành vận tải thế giới: Ngay cả khi có không gian dư thừa trên máy bay, các kiện vàng vẫn có thể bị ách lại để nhường chỗ cho mặt hàng y tế cần thiết khác.

Ông Baskaran Narayanan, Phó Chủ tịch công ty Brink khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết những chuyến bay thương mại, thuê chuyến hay vận chuyển hàng hóa mà công ty này liên hệ đều ưu tiên vận chuyển đồ bảo hộ cá nhân, thuốc men, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Tình cảnh này cũng lặp lại với hãng Malca-Amit có trụ sở ở Singapore. Trước khi đại dịch bùng phát, công ty này có thể hoàn tất vận chuyển trong vòng 24 tiếng, nhưng nay thời gian tăng lên 48 đến 72 tiếng, với mức giá vận chuyển cũng tăng theo. Giám đốc điều hành Malca-Amit, ông Ariel Kohelet cho biết hãng đã phải đa dạng hóa lựa chọn, sử dụng các chuyến bay chỉ chuyên chở hàng hoặc thuê chuyến.

Tại một số thị trường, giới vận hành cố gắng giữ giao dịch không ngắt quãng. Nhưng theo ông Robert Mish, Chủ tịch tập đoàn kim loại quý Mish International Monetary Inc, việc vận chuyển vàng ra khỏi châu Á đặc biệt khó khăn. Một số khách hàng thông cảm, chấp nhận nhận vàng sau 2 tuần; nhưng số khác thì không, đòi nhận ngay và sẵn sàng trả thêm tiền.

Các hãng vốn quen với việc vận chuyển vàng bằng các phương tiện ngoài máy bay giờ cũng phải chấp nhận mức giá đắt đỏ hơn. Hãng chế tác vàng C. Hafner GmbH + Co. KG của Đức trước đây thường vận chuyển vàng thỏi tới nước láng giềng Ba Lan bằng xe tải an ninh. Sau khi biên giới đóng cửa và các nhà thầu ngừng hoạt động, công ty này bắt đầu phải chuyển hàng qua dịch vụ đường không của Fedex. Giá vận chuyển tăng lên khoảng 60%.

Theo ông Peter Thomas, Phó Chủ tịch cấp cao tập đoàn môi giới Zaner Group có trụ sở ở Chicago, Mỹ, các quy định về đóng cửa và thủ tục phiền hà cũng khiến việc giao nhận chậm trễ hơn. Khi hãng này cố gắng đưa các kiện bạc ra khỏi Peru hồi đầu tháng 4, giới chức sở tại ban đầu từ chối cấp phép vận chuyển, không cho phép nhân viên đưa hàng lên máy bay. Cuối cùng, lô hàng phải đi bằng máy bay riêng.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên