21/07/2019 09:21 GMT+7

Thị trường và lòng yêu nước

FUSHIHARA HIROTA
FUSHIHARA HIROTA

TTO - Cùng xu thế VN tham gia ngày càng nhiều và sâu rộng vào các mối quan hệ và khuôn khổ thương mại tự do song phương cũng như đa phương, việc hàng hóa nước ngoài thâm nhập trong nước là điều tự nhiên.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: GETTY IMAGES

Sau vụ việc hệ thống siêu thị Big C thuộc sở hữu Tập đoàn Central Thái Lan quyết định tạm ngừng nhập hàng may mặc của doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, những câu hỏi về nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ đối xử không bình đẳng với hàng hóa, quyền kinh doanh của các doanh nghiệp và lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam, và làm thế nào bảo vệ hàng hóa nội địa... tiếp tục được đặt ra.

Cạnh tranh khi mở cửa là tự nhiên

Cùng xu thế VN tham gia ngày càng nhiều và sâu rộng vào các mối quan hệ và khuôn khổ thương mại tự do song phương cũng như đa phương, việc hàng hóa nước ngoài thâm nhập trong nước là điều tự nhiên.

Nếu các khuôn khổ thương mại tự do mở cửa các thị trường nước ngoài cho VN, thì việc thị trường VN mở cửa cho sản phẩm ngoại cũng là tất yếu. Cơ hội và thách thức luôn song hành.

Central Group Việt Nam (CGVN) sở hữu Big C là công ty có vốn đầu tư nước ngoài - Thái Lan nhưng không phải là Nhà nước Thái Lan, nên không có nghĩa vụ đối xử "bình đẳng" với tất cả hàng hóa bất chấp xuất xứ. Họ có quyền lựa chọn đầu vào theo kế hoạch và chiến lược của họ, đấy là quyền tự do kinh doanh.

Cần hiểu đây là vấn đề về pháp luật trong nước của VN, chứ không phải quan hệ pháp luật quốc tế giữa VN và Thái Lan.

CGVN và các nhà cung cấp giao dịch với nhau trên cơ sở hợp đồng. Các bên thỏa thuận thế nào thì có quyền và nghĩa vụ ràng buộc theo thỏa thuận đó.

Nếu một bên đơn phương chấm dứt, hay đình chỉ thực hiện hợp đồng thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc trả tiền phạt vi phạm theo những điều khoản được quy định trong hợp đồng, hoặc theo quy định pháp luật dân sự và thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đã bình luận chính xác về vấn đề này hôm 4-7 qua buổi làm việc với CGVN: “Chúng tôi hiểu mong muốn của tập đoàn và hoàn toàn tôn trọng quyền sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, sự việc tập đoàn tạm dừng mua hàng của các nhà cung cấp dệt may VN cần được giải quyết theo đúng những hợp đồng đã ký kết giữa hai bên, theo đúng quy định của pháp luật VN”.

Tuy chúng ta chưa biết thông tin chi tiết về nội dung hợp đồng ký kết giữa các bên, song có một số vấn đề pháp lý cần được lưu tâm.

Thứ nhất, cần xác nhận các điều khoản hợp đồng có thật sự thể hiện quá trình thương thảo bởi ý chí tự do của các bên hay không. Nhiều trường hợp các siêu thị chuẩn bị sẵn hợp đồng theo mẫu, đưa ra những điều kiện giao dịch sẵn có và khó thay đổi trong quá trình thương thảo.

Khi siêu thị có lợi thế áp đảo trong thương thảo hợp đồng, nhà cung ứng có thể đã không được thương lượng hợp đồng bình đẳng, mà buộc phải chấp nhận những điều khoản bất lợi.

Thứ hai, khi có quan hệ giao dịch lâu dài và thường xuyên, các bên trong quan hệ hợp đồng có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ lợi ích của nhau, không gây ra bất lợi không thích đáng cho đối tác trong quan hệ hợp đồng.

CGVN, dù có kế hoạch thay đổi chăng nữa, cần thực hiện mọi biện pháp trong khả năng để giảm thiểu thiệt hại của các nhà cung cấp khi họ mất cơ hội giao dịch với CGVN. Đó là quy phạm phái sinh từ nguyên tắc thiện chí trung thực được quy định trong pháp luật.

Thứ ba, theo nguyên tắc của pháp luật cạnh tranh, các doanh nghiệp phân phối không được từ chối mua hàng hóa nếu không có lý do chính đáng.

Trong vụ việc trên, tuy việc xác định chứng cứ không dễ dàng, nếu các nhà cung cấp hàng may mặc của Thái Lan yêu cầu hoặc cấu kết với CGVN nhằm loại trừ và không bán hàng may mặc của VN, hoặc chính CGVN không muốn bán hàng VN thì đó là hành vi trái với pháp luật cạnh tranh.

Trên thực tế, các vấn đề pháp lý kể trên hoàn toàn có thể được bàn đến, tuy nhiên pháp luật luôn bảo đảm nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp, họ muốn mua bán hàng hóa nào rốt cuộc là một quyền rất khó xâm phạm.

Hàng rào kỹ thuật thì sao?

Việc các nước sử dụng hàng rào kỹ thuật như quy chuẩn và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để hỗ trợ năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất nội địa là điều đã phổ biến từ lâu, đi kèm với sự phổ biến của các hiệp định thương mại tự do.

Chính VN từng gặp phải nhiều hàng rào kỹ thuật của các nước. Từ khi VN gia nhập WTO, tham gia Hiệp định về hàng rào kỹ thuật TBT, không ít doanh nghiệp VN đã chủ động vượt qua các hàng rào này, đặc biệt ngành may mặc là một trong những ngành đã, đang và sẽ còn gặp thử thách và phải vượt qua vấn đề này.

Ở chiều ngược lại là câu hỏi có nên thiết lập một hàng rào kỹ thuật với thị trường trong nước để kiểm soát và đảm bảo tỉ lệ hàng hóa nội địa? Có thể đánh giá tính khả thi của biện pháp này trên các phương diện sau:

Thứ nhất, hàng rào kỹ thuật dễ có thể vi phạm các quy định quốc tế về tự do thương mại mà VN đã tham gia. Ví dụ, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) 2009 quy định các nước thành viên không được thông qua hoặc duy trì bất cứ biện pháp phi thuế quan về nhập khẩu với bất kỳ mặt hàng nào từ mọi quốc gia thành viên khác (điều 40.1).

Qua đó, ATIGA dự liệu và liệt kê tương đối đầy đủ các biện pháp phi thuế quan, cụ thể như thủ tục cấp phép nhập khẩu, hạn chế số lượng, hạn chế ngoại hối... Như vậy, việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật mới đối với hàng hóa nhập khẩu vào VN cần xem xét rất kỹ lưỡng.

Thứ hai, cần xét đến nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) khi xây dựng hàng rào kỹ thuật. Trong thương mại quốc tế, mỗi quốc gia phải đối xử không kém thuận lợi hơn cho hàng hóa của các quốc gia thành viên khác trên phạm vi lãnh thổ của mình. Vì vậy, áp dụng hàng rào kỹ thuật mà không tính toán kỹ sẽ gây khó khăn cho chính hàng Việt.

Hàng rào kỹ thuật được xây dựng trong nước phải áp dụng cho tất cả hàng hóa, kể cả hàng Việt và hàng nhập khẩu. Vậy hàng rào kỹ thuật phải là những hàng rào mà hàng Việt dễ tuân thủ, hàng nhập khó tuân thủ.

Thực tế cho thấy những hàng rào kỹ thuật mà các thị trường phát triển như EU hay Hoa Kỳ áp dụng thường là những quy chuẩn cao và khó cho hàng nhập khẩu tuân thủ. Vậy nên rất khó tìm được những hàng rào kỹ thuật dễ cho hàng Việt mà khó cho hàng nhập, vì trình độ sản xuất trong nước còn chênh lệch nhiều so với các nước phát triển.

Thứ ba, để thực thi được các biện pháp kỹ thuật trong thực tiễn cần bộ quy chuẩn chi tiết để phân biệt hàng Việt và hàng có xuất xứ khác.

Điều này đang ngày càng trở nên phức tạp. Có những công ty chỉ lắp ráp linh kiện thành phần được sản xuất ở nước ngoài; cũng có công ty chỉ thay đổi bao bì những sản phẩm chủ yếu được làm ra ở nước ngoài. Một chuỗi sản xuất từ lâu cũng không còn bó hẹp trong phạm vi một quốc gia nữa. Và thực tế Bộ Công thương chưa có quy định rõ ràng thế nào là “Made in Vietnam”.

Ai trả tiền cho tinh thần yêu nước?

Người tiêu dùng sẽ luôn lựa chọn trên các tiêu chí chất lượng và giá cả. Nếu muốn khuyến khích họ mua hàng Việt, trước hết cần nghĩ tới hai tiêu chí đó. Trong dài hạn, điều cần làm là phải xây dựng một chuỗi giá trị riêng của đất nước từ nguồn lực lao động, công nghệ kỹ thuật tới hệ thống và kênh phân phối hiệu quả trong một chiến lược lâu dài để tạo ra chất lượng hàng Việt vượt trội.

Nói riêng về phân phối, hệ thống phân phối của doanh nghiệp VN còn cần nhiều thay đổi, để tạo ra sự kết nối chặt chẽ hơn giữa hãng phân phối và nhà sản xuất, giảm bớt chi phí trung gian, cập nhật những thông tin về thị hiếu của người tiêu dùng...

Tựu trung, các giải pháp khơi gợi lòng yêu nước hay những khẩu hiệu đao to búa lớn khác không thể giải quyết triệt để vấn đề then chốt là chất lượng hàng hóa và sự hiệu quả của khâu phân phối.

Hàng Việt được sản xuất và bán trước hết để đáp ứng nhu cầu của người VN, nhưng một điều rõ ràng là không ai trả tiền để mua hàng Việt chỉ vì tinh thần yêu nước.

Tuy chúng ta đều mong muốn hàng Việt (tuy “hàng Việt” giờ đã trở thành một khái niệm rất khó định danh cho chính xác!) chiếm lĩnh thị trường một cách áp đảo, nhưng với từng người tiêu dùng cá nhân duy lý, trong các tiêu chí cân nhắc mua sắm của họ, “tinh thần yêu nước” rất ít khi là điều then chốt.

Nguyên tắc của thị trường là tự do lựa chọn, các doanh nghiệp bán lẻ cũng có quyền tự do đó. Những phong trào kêu gọi người VN mua hàng nội địa là cần thiết, nhưng không thể áp đặt. Mặt khác, nếu triển khai không khéo, các phong trào này có thể phản tác dụng: việc bảo hộ thái quá hàng hóa trong nước có thể dẫn tới sự chậm trễ cải tiến và thích nghi của doanh nghiệp nội địa.

Tiêu dùng có ý thức

Mọi sản phẩm cuối cùng sẽ đến tay người tiêu dùng - đối tượng đánh giá lợi ích hay giá trị của nó. Để đánh giá chính xác, người tiêu dùng cần biết những thông tin quan trọng liên quan đến hành vi mua sắm của mình.

Điều này được ghi nhận trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010: Người tiêu dùng được “cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa” (điều 8).

Nhưng trên thực tế, nhiều thông tin về sản phẩm chưa được nhà sản xuất và hãng phân phối cung cấp đầy đủ, thậm chí có trường hợp doanh nghiệp cố gắng che đậy thông tin tiêu cực về sản phẩm. Sự thiếu hụt về thông tin này làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.

Ở chiều ngược lại, một phần nguyên nhân là người tiêu dùng trong nước còn thiếu chủ động và quyết liệt trong việc tự bảo vệ quyền lợi. Những phong trào tẩy chay hàng hóa của một nước hay một doanh nghiệp cụ thể hiếm khi nào giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Big C có Big C có 'dằn mặt' nhà cung cấp Việt?

TTO - Đại diện Central Group VN (sở hữu hệ thống Big C) trả lời Tuổi Trẻ về hàng loạt câu hỏi: Vì sao chiết khấu nhiều nhà cung cấp Việt Nam tới 40-50%? Tỉ lệ hàng Việt trong Big C có giảm?...

FUSHIHARA HIROTA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên