25/11/2013 09:21 GMT+7

Thị trường thức ăn nhanh: Nhà cung ứng trong nước lép vế

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Kể từ khi thương hiệu thức ăn nhanh đầu tiên bước chân vào VN năm 1995, đến nay thị trường VN đã có vài chục thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế với số lượng cửa hàng lên đến hàng ngàn điểm. Thế nhưng phần lớn nguyên liệu đầu vào vẫn phải nhập khẩu.

DK63EisH.jpg
Hầu hết nguyên liệu của thức ăn nhanh mang thương hiệu nước ngoài là nhập khẩu - Ảnh: T.T.D.

Là kênh tiêu thụ lượng thực phẩm với mức tăng trưởng doanh số trên 20%/năm, nhưng hiện nay các doanh nghiệp trong nước lại đang đứng ngoài chuỗi cung ứng thực phẩm của ngành hàng thức ăn nhanh.

Chủ yếu là nhập

Tốc độ mở rộng chóng mặt

Những ngày cuối tháng 11-2013, thị trường thức ăn nhanh thêm sôi động với nhiều thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế vào VN như Dunkin’ Donuts, Popeyes Chicken... thương hiệu thức ăn nhanh được ưa chuộng hàng đầu của Mỹ. Đi kèm với việc đổ bộ vào thị trường VN là những tuyên bố kế hoạch mở chuỗi cửa hàng với tốc độ chóng mặt như trung bình mỗi năm 4-5 điểm, cán đích 50 cửa hàng đến năm 2018... Chỉ nhẩm tính nếu trở thành nhà cung cấp cho một trong nhiều thương hiệu đó, doanh nghiệp VN đã có thể sống khỏe.

Trong buổi khai trương cửa hàng đầu tiên của chuỗi cà phê và bánh đến từ Mỹ Dunkin’ Donuts ngày 22-11, ông Nguyễn Hải - tổng giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và giải khát VN, đơn vị đang sở hữu nhiều thương hiệu ẩm thực quốc tế tại VN - cho biết 80% các loại nguyên liệu cho việc sản xuất bánh Donuts ở cửa hàng đầu tiên đều là nhập khẩu. “Để chủ động sản xuất thì việc tăng tỉ lệ nội địa hóa là rất cần thiết, tuy nhiên các nhà cung ứng toàn cầu bắt buộc phải đáp ứng được tiêu chuẩn rất cao cho các nguyên liệu bánh và thức uống của Dunkin’ Donuts” - ông Hải nói. Về lý thuyết, khi các đại gia thức ăn nhanh chen chân vào thị trường VN, cơ hội cũng mở ra cho các nhà cung ứng thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, đến nay không có nhiều doanh nghiệp VN đủ sức chen chân vào chuỗi giá trị này.

Vào VN từ năm 1996, đại diện KFC cho biết để lựa chọn được nhà cung cấp thịt gà trong nước, thay cho việc phải nhập khẩu như trước, bản thân KFC phải cử một đội ngũ chuyên gia từ Mỹ sang VN huấn luyện nông dân để đảm bảo sự ổn định chất lượng thịt gà. Hiện nay tỉ lệ sử dụng các sản phẩm nội địa của các thương hiệu này đã nâng lên khoảng 30% so với trước, và mặc dù muốn nâng lên nữa cũng không dễ. “Chúng tôi gặp nhiều rào cản trong việc tìm kiếm và thiết lập mạng lưới cung cấp sản phẩm đầu vào đạt tiêu chuẩn cho các cửa hàng của mình” - ông Lê Hoài Nam, giám đốc marketing KFC, cho biết.

Theo ông Hoài Nam, mặc dù đã tìm nhiều nhà cung cấp trong nước nhưng đến nay chỉ có mặt hàng gà và bánh burger đáp ứng được. Để có những nhà cung cấp như hiện nay, các chuyên gia của KFC ở nước ngoài cũng phải sang tập huấn, hướng dẫn cách nuôi trồng để đảm bảo có những sản phẩm đồng đều kích thước và số lượng ổn định. Tương tự, hệ thống thức ăn nhanh Lotteria cũng có nhà máy tại VN nhưng chủ yếu sản xuất đóng gói các sản phẩm. Hai nguyên liệu quan trọng là khoai tây và nước xốt đều phải nhập khẩu 100%. Ông Trương Hàm Liêm, giám đốc marketing Lotteria, nói nếu sử dụng nguyên liệu tại chỗ thì giá thành tốt hơn. Tại hệ thống Burger King, mặt hàng “nội địa” hóa tốt nhất là vỏ bánh burger, còn lại phần lớn phải nhập khẩu.

Ông Huỳnh Tuấn, giám đốc một công ty sản xuất thực phẩm, cho biết tuy nhiều lần chào hàng vào các chuỗi nhưng hầu hết doanh nghiệp trong nước đều thất bại vì không vượt qua nổi những tiêu chuẩn của nhà quản lý như kích thước, sự ổn định trong số lượng, chất lượng... sản phẩm, chẳng hạn như quy định kích thước của miếng gà chặt, độ dày vỏ bánh... “Cho đến nay, các nhà cung cấp cho chuỗi thực phẩm quốc tế ở VN phần lớn là doanh nghiệp có vốn nước ngoài” - ông Tuấn nói.

Cơ hội vẫn còn

Hiện đang cung cấp độc quyền bánh burger cho nhiều thương hiệu thức ăn nhanh tại VN như KFC, Lotteria, Burger King, đại diện hệ thống ABC Bakery cho biết doanh số đến từ mảng kinh doanh này đang tăng chóng mặt qua mỗi năm. Ông Kao Siêu Lực, giám đốc công ty, cho biết cách đây 10 năm, doanh số từ việc cung ứng bánh cho các công ty kinh doanh thức ăn nhanh chỉ chiếm 2% tổng doanh số của công ty, bảy năm trước con số này được cải thiện lên 5%, nhưng năm năm gần đây thì tình hình hoàn toàn khác. “Lượng tiêu thụ tăng vọt, mỗi tháng ABC đưa ra thị trường gần 40.000 cái, nếu như hai năm trước doanh số từ việc cung ứng bánh burger là 15% thì hiện nay đã vọt lên 25%” - ông Lực cho biết.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ không dừng lại khi ABC vừa được chọn để trở thành nhà cung cấp bánh burger cho thương hiệu McDonald’s (sẽ có mặt tại VN vào đầu năm 2014) ở thị trường VN. “Mặc dù đều là bánh burger nhưng mỗi hãng có công thức riêng và chúng tôi phải hoàn toàn giữ bí mật công thức này. Điều này bắt buộc ABC Bakery phải tổ chức từng dây chuyền sản xuất cho từng thương hiệu” - ông Lực nói. Bà Lê Hà Mỹ Trâm, đại diện McDonald’s VN, cho biết luôn rộng cửa với chuỗi cung ứng địa phương, vấn đề còn lại tùy thuộc vào chất lượng nhà cung cấp.

Ông Lê Hoài Nam nói cung ứng chuỗi thực phẩm hiện nay đang rất nhiều tiềm năng vì “room” cho ngành hàng thức ăn nhanh ở VN còn nhiều. Đó là lý do vì sao nhiều thương hiệu thức ăn nhanh trên thế giới đã chọn VN làm điểm đến để mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình. Thực tế ở các thị trường mới, việc đáp ứng được các điều kiện khắt khe về quản lý chất lượng cũng như vận hành của các hãng là không dễ dàng với các nhà cung ứng hiện có. Như mặt hàng khoai tây, ở VN vẫn chưa thể có vùng nguyên liệu khoai tây đủ rộng, quản lý chất lượng ổn định để có thể cung cấp cho các hãng thức ăn nhanh...

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên