Tác phẩm Bình yên đỏ. Công chúng có thể bắt gặp những "cơn điên màu sắc" này trong hết thảy các tác phẩm của Đào Hải Phong
Sinh ra trong một gia đình người Hà Nội, họa sĩ Đào Hải Phong từ trẻ đã được thấy một truyền thống đẹp của gia đình là cứ mỗi dịp tết đến xuân về là trên bàn trà luôn có những tờ báo xuân rực rỡ tươi vui.
Bố ông, như nhiều người Hà Nội cũ, cứ mỗi dịp tết sắp đến là lại đi mua cành đào, cây quất và những tờ báo xuân yêu thích.
"Những tờ báo xuân luôn có mặt trên bàn trà, như cành đào, bánh chưng, hộp mứt, mâm ngũ quả, những thứ không thể thiếu trong ngày tết. Khi công việc chuẩn bị tết xong xuôi, những ngày thư thả đầu năm, bố tôi và cả nhà lại truyền tay nhau đọc, xem báo xuân như một sinh hoạt quan trọng của ngày tết", họa sĩ Đào Hải Phong kể.
Truyền thống đó tiếp tục được nối sang họa sĩ Đào Hải Phong cho đến tận bây giờ. Nhưng gần đây, họa sĩ Đào Hải Phong bớt hào hứng với chuyện đọc, xem báo xuân hơn, dù ông vẫn mua báo xuân như một nếp sống gia đình muốn gìn giữ.
Là bởi, theo ông Phong, bìa báo xuân những năm gần đây bị đi vào lối mòn, các bìa báo xuân cho độc giả cảm giác nhàm chán vì giống nhau và giống các năm trước, với hình ảnh quen thuộc của hầu hết các tờ báo là vài ba cô áo dài cầm cành đào đứng giữa những bối cảnh mang tính truyền thống như đình chùa, Văn Miếu, chợ hoa... hoặc vẽ con giáp của năm.
"Nhiều năm, nhìn các bìa báo na ná nhau và cũ mòn ấy khiến bạn đọc có cảm giác như các tờ báo giống nhau cả về ruột lẫn vỏ", họa sĩ Đào Hải Phong nói.
Một bức tranh của họa sĩ Đào Hải Phong
Theo ông, bìa báo xuân vẫn cần thể hiện được cái không khí tết, không khí xuân nhưng rất cần phải thay đổi hình thức. Các tòa soạn báo phải tận dụng được bìa báo xuân mà "bộc lộ cá tính của tờ báo, khẳng định phong cách tờ báo".
"Các tòa soạn báo và cả các họa sĩ hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để mở đường cho những đổi mới đầy cảm hứng cho báo xuân", họa sĩ Đào Hải Phong nói.
Khi báo Tuổi Trẻ mở cuộc Thi thiết kế bìa giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Tân Sửu 2021, ông Phong rất hoan nghênh, đánh giá cao sự "đầu tư" và khát vọng đổi mới với báo xuân của báo Tuổi Trẻ để huy động những sáng tạo nghệ thuật hội họa, đồ họa để đưa vào thiết kế bìa báo xuân, nắm bắt xu thế báo chí hiện đại của thế giới.
Theo ông, giờ đây đồ họa và hội họa nhòe lẫn vào nhau. Nhiều tác phẩm đồ họa có giá trị như một bức tranh, một tác phẩm hội họa thật sự.
Nhiều họa sĩ tận dụng thế mạnh của minh họa đưa vào hội họa, hà hơi thổi sức vào hội họa truyền thống, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có tính thời sự và ứng dụng rất cao, rất hợp lối trang trí công trình kiến trúc hiện đại.
Một số tờ báo trên thế giới cũng đón xu hướng minh họa kết hợp với hội họa giàu chất nghệ thuật này đưa vào các bìa báo rất ấn tượng, truyền tải được thông điệp một cách sâu sắc.
Lợn mán - một bức tranh xuân của họa sĩ Thành Chương
Ở Việt Nam, họa sĩ Thành Chương rất nhuần nhuyễn giữa minh họa và hội họa, tạo thành một phong cách riêng. Những tác phẩm minh họa đậm tính nghệ thuật của ông không chỉ mô phỏng lại câu chuyện mà kể lại câu chuyện đó một lần nữa theo nhãn quan của người nghệ sĩ tạo hình.
Nhờ đó, bạn đọc được thưởng thức câu chuyện thêm một lần nữa bằng ngôn ngữ nghệ thuật hội họa. Kế tiếp Thành Chương, hiện nay Việt Nam cũng đang có một đội ngũ họa sĩ minh họa trẻ rất tài năng như Thành Phong, Tạ Huy Long…
Họa sĩ Đào Hải Phong rất hi vọng cuộc thi thiết kế bìa báo xuân của báo Tuổi Trẻ lần này sẽ trao cơ hội cho lớp họa sĩ thiết kế, minh họa trẻ và giỏi của Việt Nam hiện nay được thi thố tài năng để mang đến một làn gió mới cho mùa báo xuân sắp tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận