TT - Trong những ngày Olympic tại London, còn có một cuộc tranh tài đặc biệt khác diễn ra bên ngoài các sân vận động và nhà thi đấu. Đó là cuộc thi thể hiện vẻ đẹp văn hóa và lòng hiếu khách của đại diện các quốc gia tham dự Thế vận hội.
Theo AFP, khoảng 20 quốc gia đã thành lập các trung tâm văn hóa ở thủ đô nước Anh nhân dịp Olympic, biến một số tòa nhà đẹp nhất ở London thành những “Câu lạc bộ Pháp”, “Nhà Brazil”, “Nhà Ý”, “Công viên Sochi”... Các VĐV, quan chức, doanh nhân, CĐV thể thao, du khách... đều có thể tham dự sự kiện văn hóa - thể thao - ẩm thực đặc sắc này.
Mỗi trung tâm có nhiệm vụ giới thiệu vẻ đẹp văn hóa và truyền thống của quốc gia tham dự Olympic. Trong danh mục các hoạt động tại mỗi trung tâm là chương trình chào mừng các VĐV giành huy chương, trình chiếu các hoạt động văn hóa, thể thao của nước đó qua màn hình tivi, các buổi hòa nhạc, trình diễn kịch nghệ... Các nhà hàng và quầy bar của mỗi trung tâm sẽ phục vụ những món ăn đặc sản của quốc gia đó.
“Nhà văn hóa” không phải là một hiện tượng mới, nhưng đã trở thành một kỳ festival văn hóa nổi bật tại mỗi kỳ Olympic. London đã đánh bại Paris trong cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2012, nhưng Làng Olympic Pháp ở thủ đô Anh là một trong những trung tâm gây ấn tượng nhất. Được thiết lập tại chợ Old Billingsgate bên bờ sông Thames, từng là một trong những chợ cá lớn nhất thế giới, Làng Olympic Pháp rộng hơn 7.000m2, đủ sức chứa 3.500 người.
Ông Denis Masseglia, chủ tịch Ủy ban Olympic và thể thao quốc gia Pháp, cho biết đây là nhà văn hóa Pháp lớn nhất và được đầu tư mạnh mẽ nhất của Pháp từ trước tới nay. Tổng đầu tư vào Làng Olympic Pháp lên đến 2,2 triệu USD, chưa kể chi phí hoạt động trong những ngày Thế vận hội. Tuy nhiên, Pháp phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ Nga và Brazil, quốc gia đăng cai Olympic mùa đông Sochi 2014 và Olympic mùa hè Rio de Janeiro 2016.
Công viên Nga tại khu Kensington Gardens được mô tả là “sự kiện Nga lớn nhất từ trước đến nay tại Anh”. Rộng tới 10.000m2, Công viên Nga là địa điểm tôn vinh văn hóa, ẩm thực và thể thao Nga theo phong cách festival ngoài trời. Cạnh đó là Công viên Sochi rộng 6.000m2, giới thiệu thành phố Sochi và các môn thể thao mùa đông.
Trong khi đó, tòa nhà Somerset House nổi tiếng ở bờ phía bắc sông Thames sẽ trở thành “Nhà Brazil” để tôn vinh nền văn hóa và thể thao giàu đẹp của quốc gia Nam Mỹ. Ý cũng không chịu kém cạnh khi chi gần 1,5 triệu USD để thành lập “Nhà Ý” trên diện tích 6.000m2 ở Trung tâm hội nghị Queen Elizabeth II gần tòa nhà Quốc hội Anh. Ba đầu bếp từng giành ngôi sao Michelin, trong đó có đầu bếp lừng danh Massimo Bottura, sẽ chịu trách nhiệm quảng bá tinh hoa ẩm thực Ý.
“Nhà Nhật” nằm trong tòa nhà Tổ chức Hàng không hoàng gia Anh ở công viên Hype với mục tiêu “tạo đà” cho chiến dịch giành quyền đăng cai Olympic 2020 của Tokyo. Cung điện Alexander phía bắc London trở thành Nhà Heineken Hà Lan để tôn vinh văn hóa Hà Lan. Thụy Sĩ chi hơn 4,5 triệu USD để thuê 3.000m2 tòa nhà Glaziers Hall bên bờ sông Thames tổ chức các buổi hòa nhạc, trình chiếu phim...
Ít tiền hơn, Ủy ban Olympic các nước châu Phi đã cùng thành lập Làng châu Phi ở khu Kensington Gardens. Mỗi tối, các VĐV của lục địa đen giành huy chương sẽ tới đây ăn mừng.
NGUYỆT PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận