14/05/2018 11:31 GMT+7

Thí sinh thích thú đề thi 'đi trên trứng mà không làm bể trứng'

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Sau khi trải nghiệm sân chơi khoa học như đi trên trứng mà không làm bể trứng, thí sinh sẽ làm bài thi tự luận và trắc nghiệm. Cách thi độc đáo khiến thí sinh ồ lên thích thú.

Thí sinh thích thú đề thi đi trên trứng mà không làm bể trứng - Ảnh 1.

Các thí sinh hào hứng tham gia trải nghiệm khoa học trước khi thi - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Năm nay, vòng chung kết “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” lần thứ 19 tiếp tục khiến các thí sinh ồ lên thích thú trước cách thi mới lạ và độc đáo.

Học sinh 4 khối THCS sẽ được tham gia 4 góc trải nghiệm khoa học trong 45 phút. Từ nội dung các em vừa trải nghiệm, ban tổ chức sẽ ra đề thi cho các lớp với hai phần tự luận ngữ văn và phần trắc nghiệm các câu hỏi vật lý, tiếng Anh, toán học cùng kiến thức thường thức đời sống.

Trải nghiệm trước khi thi

"Cách ra đề như thế này rất thú vị và mới lạ, đòi hỏi em phải tư duy nhiều, kết hợp kiến thức đã học với những gì mình quan sát, trải nghiệm được. Em nghĩ đề ra sẽ khó, nhưng em tin mình sẽ làm được" - Đặng Nguyễn Vân Anh (lớp 7A1 Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, Q.12) nói, sau khi hí hoáy ghi chép lại những hiện tượng mình vừa quan sát được sau trò chơi rút tờ giấy mà không làm đổ chai nước.

Các trò chơi này đều được lên ý tưởng từ các kiến thức khoa học trong chương trình THCS. Chỉ trong chốc lát, hàng loạt câu hỏi "Tại sao?", "Như thế nào?" xôn xao vang lên từ phía thí sinh.

Để rút được tờ giấy ra mà không làm đổ chai nước, nhiều thí sinh đã tính toán lực tác động lên tờ giấy, hướng rút tờ giấy vô cùng cẩn thận. Chỉ cần ai thành công là hàng chục cặp mắt ngưỡng mộ cùng những tràng vỗ tay nhiệt liệt đổ dồn về.

Trò chơi thứ hai là làm sao khéo léo kéo hai tờ báo ra khỏi nhau trong thời gian nhanh nhất. Tiếp theo là trò giữ bóng bàn lơ lửng. Mỗi thí sinh sẽ cầm một chai nhựa có chứa nước và đặt một quả bóng bàn trên đầu chai. Sau đó, lật úp chai nước có quả bóng trên đó rồi di chuyển. 

Trước khi trải nghiệm trò chơi này, nhiều thí sinh bàn luận với nhau về các cách có thể giữ quả bóng dựa theo những nguyên tắc vật lý đã được học, chẳng hạn như bóp chai nước để tạo lực hút trái bóng hoặc di chuyển nhẹ nhàng, tránh run tay.

Học từ thực tế cuộc sống

Sau khi trải nghiệm sân chơi khoa học, mỗi khối sẽ làm bài thi tự luận trong vòng 30 phút và trắc nghiệm trong 45 phút. Các đề thi dành cho mỗi khối sẽ khác nhau. Chẳng hạn, đề tự luận dành cho khối 7 đặt ra câu hỏi: "Em nghĩ điều gì quan trọng nhất để giúp chúng ta vượt qua góc trải nghiệm khoa học này?".

Nhận xét về cách ra đề năm nay, Nguyễn Kim Huế Nam (lớp 9A3 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) nói: "Em thích nhất là trò đi trên trứng mà không làm bể trứng. Bên khối em, hai nhóm đều thực hiện thành công. 

Để làm được điều đó buộc chúng em phải có kiến thức khoa học đồng thời phải tự tin, khéo léo và kiên nhẫn. Năm nay, em cứ ngỡ sẽ được coi kịch rồi viết văn như năm ngoái, ai ngờ lại được trải nghiệm các thí nghiệm khoa học trước khi làm các bài thi. Em nghĩ năm sau chắc sẽ còn hay hơn nữa".

Ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - chia sẻ: "Mỗi năm ban tổ chức đều cố gắng thay đổi nội dung của từng tháng cũng như nội dung của bài thi chung kết. Năm nay chúng ta cũng tiếp cận với cách ra đề mới lạ, độc đáo, mở đầu bằng các hoạt động trải nghiệm khoa học. 

Qua đó, các em không phải căng thẳng nghiên cứu học bài vở nhiều. Các em chỉ cần trải nghiệm, áp dụng những kiến thức đã học cũng như những suy nghĩ riêng của mình để thực hiện bài thi".

Ông Hiếu cũng cho biết thêm: "Những trải nghiệm này gắn liền với những sự việc, hiện tượng diễn ra trong đời sống hằng ngày, sẽ giúp các em nhạy bén hơn trong việc giải quyết, xử lý mọi vấn đề. Đó cũng là tiêu chí của mùa giải, học chơi gắn liền với thực tế cuộc sống".

Giải Lê Quý Đôn do Sở GD-ĐT TP.HCM và báo Khăn Quàng Đỏ phối hợp tổ chức dành cho học sinh khối THCS trên cả nước. Trải qua 19 năm, giải không chỉ đơn thuần là sân chơi học tập, mà còn là nơi để các em có những trải nghiệm quý báu, sáng tạo khi tham gia kỳ thi chung kết.

Năm nay, giải đã thu hút 249.551 bài dự thi đến từ hơn 100 trường THCS trên địa bàn TP.HCM và hơn 20 trường ở các tỉnh thành khác. Từ con số này, ban giám khảo đã chọn lựa ra 596 em có bài dự thi đầy đủ ở các kỳ, đạt điểm số cao để tham dự vòng thi chung kết.

Cách ra đề thi văn thú vị của giải Lê Quý Đôn Cách ra đề thi văn thú vị của giải Lê Quý Đôn

TTO - Tại vòng chung kết “Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ” lần thứ 18, hình thức thi môn ngữ văn dành cho học sinh THCS đã khiến các thí sinh vô cùng thích thú.

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên