Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ trái sang phải) và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (bên phải) trò chuyện với các đại biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ngày 7-12, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã diễn ra tại Hà Nội.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự, chúc mừng đại hội và nhiệt liệt biểu dương những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong năm năm 2011 - 2015, đồng thời chúc mừng 1.800 đại biểu điển hình tiên tiến về dự Đại hội thi đua yêu nước.
Tổng bí thư khẳng định những thành tích đạt được trên tất cả lĩnh vực của đất nước trong năm năm qua có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả to lớn, phong trào thi đua yêu nước thời gian qua vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Trong đó có việc đối tượng khen thưởng là những người lao động trực tiếp chưa nhiều.
“Trong thời gian tới, phong trào thi đua yêu nước cần tập trung vào thực hiện nhiệm vụ to lớn là động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nỗ lực phấn đấu thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” - Tổng bí thư nói.
Trước đó phát biểu khai mạc đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương) cho biết trong năm năm qua Đảng, Nhà nước và Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng.
Bộ Chính trị đã thông qua đề án đổi mới công tác thi đua khen thưởng và ban hành chỉ thị số 34 về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng.
Chính sách pháp luật về thi đua khen thưởng ngày càng được hoàn thiện, ban hành kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.
Báo cáo tóm tắt tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng năm năm (2011 - 2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng trung ương) trình bày đã khẳng định bảy kết quả nổi bật của phong trào thi đua yêu nước năm năm qua, trong đó phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được triển khai sâu rộng, đồng bộ...
Phó chủ tịch nước nêu rõ các phong trào thi đua yêu nước cần gắn chặt với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt phải gắn với lợi ích của người lao động.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đại diện phát biểu hưởng ứng phát động thi đua.
Tuổi Trẻ giới thiệu bốn trong số các điển hình tiên tiến ở nhiều lĩnh vực: khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, an ninh quốc phòng... đã được tôn vinh tại đại hội.
Không có giới hạn nào cho những ước mơ của tuổi trẻ Đó là suy nghĩ của Nguyễn Thị Ngọc Bích, nữ phi công đội bay A321 của Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines). Sinh năm 1987, nhưng Bích đã có gần tám năm gắn bó với bầu trời và những chuyến bay. Trở thành tiếp viên của VNA từ năm 2008, chỉ ba năm sau Bích quyết định thử sức trong một vị trí công việc mới, đi học để trở thành phi công. Sau khóa đào tạo hai năm rưỡi, Bích chính thức trở thành phi công của VNA. Đến nay, cô đã có 1.500 giờ bay với vị trí cơ phó tại đội bay Airbus 321. Mục tiêu của Bích là sẽ trở thành cơ trưởng trên những chuyến bay của VNA trong tương lai không xa. Nói về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, Bích nói lúc đó cô có suy nghĩ mình còn trẻ, nếu mình có niềm đam mê và ước mơ trở thành phi công thì nên chấp nhận thử thách, tự khám phá khả năng của bản thân. “Tôi muốn mình làm một phụ nữ mạnh mẽ, có thể điều khiển, làm chủ được hoạt động của một chiếc phi cơ hiện đại - Bích chia sẻ - Để chứng tỏ bản thân, tôi cũng như phụ nữ Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể đảm nhiệm được những công việc như nam giới, dù chúng tôi có thể phải cố gắng hơn, vất vả hơn mới làm được”.
Hãy bớt thở than để hành động TS Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) thật sự cuốn hút đại hội bởi bài phát biểu “Đam mê sáng tạo để phụng sự cộng đồng”. TS Hải là tác giả của những sáng chế như kính “Mắt thần” dành cho người khiếm thị, robot sinh học, máy pha cà phê “Made in Vietnam”... Anh chia sẻ: “Những tiến bộ kỹ thuật đã mở ra những hình thức mới cho việc tương tác giữa người với người và giữa con người với các quốc gia. Nhưng những mối quan hệ mang tính toàn cầu này chỉ giúp ích cho nhân loại khi nó được đặt nền tảng trên tình yêu thương con người chứ không phải vì mục đích thương mại, lợi nhuận. Tình yêu là điều duy nhất có thể lấp đầy trái tim con người và giúp con người có thể xích lại gần nhau hơn, để làm được những điều mà riêng lẻ một cá nhân khó có thể thực hiện được”.
“Tàu nước ngoài” và bữa cơm tất niên bỏ dở Đại tá Nguyễn Công Sơn (phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân) cho biết ở Vùng 4 hiện nay không ít cán bộ tàu, hải đội, thậm chí cán bộ cấp trung, lữ đoàn, tuổi đời còn rất trẻ, là những tấm gương sáng về năng lực chỉ huy, lãnh đạo cùng với sự khiêm tốn, giản dị, tự học tự rèn. Họ đã tiếp cận, nhanh chóng làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật tàu thuyền. Những tấm gương điển hình của người chiến sĩ hải quân được đại tá Sơn kể lại đã nhận được tràng vỗ tay kéo dài của đại hội. Đó là cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 khi chuẩn bị đến bữa cơm tất niên trên đảo, lực lượng trực canh đảo phát hiện tàu nước ngoài tiến vào đảo, xâm phạm chủ quyền của ta, toàn đảo phát lệnh báo động chiến đấu, điện báo cáo sở chỉ huy các cấp, gác lại bữa cơm 30 tết... Chỉ huy đảo quyết định tăng cường lực lượng quan sát, tổ chức lực lượng theo dõi, phát hiện mọi động thái bất thường, ngang ngược của tàu nước ngoài, đồng thời hạ xuồng CV, triển khai lực lượng tuyên truyền đặc biệt, phối hợp với tàu trực cơ động tiếp cận, dùng cờ tay, loa tuyên truyền, kiên trì, kiên quyết xua đuổi, buộc tàu nước ngoài cơ động rời khỏi khu vực.
“Không thấy ai sáng chế giúp nông dân nên tôi tự làm” Dù mới chỉ học hết lớp 6, ông Quách Văn Hôm (ấp Rẫy Mới, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng) đã sáng chế ra máy xúc lúa với công suất xúc đầy một bao lúa nặng khoảng 50kg chỉ trong vòng 10 giây, giúp nông dân tiết kiệm thời gian cũng như chi phí thu hoạch lúa. Ông nói rổn rảng: “Nhiều người cũng hỏi tôi nhờ đâu làm được cái máy đó trong khi không được học hành bài bản. Có gì đâu, hằng ngày thấy gia đình mình và những người xung quanh vất vả thu hoạch lúa, tôi cứ ước ao có cái máy làm đỡ. Ngồi ước mãi không thấy ai sáng chế nên tôi mày mò tự làm lấy”. Ông mong được quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ các sáng chế phục vụ đồng ruộng, vì từ sáng chế đến sản xuất số lượng lớn đòi hỏi có số vốn nhất định mà nông dân bình thường như ông khó đáp ứng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận