"Thi đua đóng kịch": Từ phong trào trở thành ép buộc

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Kiểu “thi đua đóng kịch” của các cơ sở giáo dục mà báo Tuổi Trẻ nêu không đúng với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hiện tượng này chỉ xảy ra tại một số cơ sở giáo dục, không phải cơ sở nào cũng có. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định.

Thi đua... đóng kịch trong ngành giáo dục

KN5j2Ogi.jpgPhóng to

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua, Thứ trưởng Trần Quang Quý chia sẻ:

- Mỗi phong trào thi đua có mục đích, tiêu chí thi đua và đánh giá thi đua cụ thể. Nhưng do ngành giáo dục, với hơn 1,2 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý, gần 17 triệu học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến đại học, tham gia phong trào thi đua nên việc tuyên truyền, phát động trong toàn ngành để tất cả mọi người hiểu rõ được mục đích phong trào thi đua còn hạn chế. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện có một số cơ sở, địa phương tổ chức triển khai còn tùy tiện không xác định rõ mục tiêu dẫn đến ép buộc, làm mất tính tự giác của các thầy cô và học trò trong tham gia thực hiện phong trào.

* Hiện nay có rất nhiều phong trào, hoạt động được đưa vào nhà trường có thể giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh, có những phong trào duy trì hàng chục năm qua như “Kế hoạch nhỏ”. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay nhiều phong trào, hoạt động bị bóp méo, biến tướng. Theo ông, có nên duy trì những hoạt động này không? Nếu có thì cần điều chỉnh từ đâu?

- Các phong trào thi đua trong nhà trường nhìn chung được xây dựng và tổ chức thực hiện với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học; các phong trào “Dạy tốt - học tốt”, “Kế hoạch nhỏ”... đã gắn bó cùng nhà trường và các thế hệ thầy trò hơn nửa thế kỷ qua. Có thể khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của các phong trào trên trong việc đóng góp vào sự phát triển ngành giáo dục nói riêng và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

"Tránh phát động nhiều phong trào thi đua trong cùng một thời gian và các phong trào thi đua với nội dung quá rộng và chung chung, không gần gũi, khó thực hiện"

Nhưng hiện nay nhà trường, thầy cô giáo và cả phụ huynh học sinh đã bỏ qua việc giải thích cho học sinh ý nghĩa của các phong trào, hoạt động giáo dục, đã không tổ chức được cho học sinh tự nguyện tham gia để qua đó giáo dục học sinh mà chỉ làm sao có kết quả, thành tích để báo cáo. Đây rõ ràng là việc cần phải nghiêm khắc nhìn nhận lại để thay đổi và cần bắt đầu từ nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo. Trước tình trạng nhiều phong trào trong nhà trường bị hình thức hóa, các cấp quản lý cần có văn bản hướng dẫn và triển khai tập huấn, hướng dẫn việc thực hiện. Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng cũng cần được nâng cao để các phong trào thi đua đi vào thực chất.

* Về phía trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, cần tiếp tục có chỉ đạo thế nào để khắc phục?

- Bộ GD-ĐT sẽ rà soát và xây dựng các văn bản, hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng trong toàn ngành, trong đó thống nhất về mục tiêu chỉ đạo như sau:

Phong trào thi đua cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, tổ chức, nội dung thi đua cần được cụ thể hóa với từng đối tượng, với các tiêu chí được định lượng cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Khen thưởng cần được tổ chức trong môi trường bình đẳng: cán bộ quản lý được đánh giá với cán bộ quản lý trong việc thực hiện vai trò trách nhiệm được giao; giáo viên, giảng viên, người lao động cần được đánh giá theo nhiệm vụ được phân công và lựa chọn khen thưởng theo tiêu chí và trong phạm vi của cá nhân được phân công. Việc đánh giá theo từng đối tượng sẽ làm cho công tác đánh giá được thực hiện dễ dàng hơn, tiêu chí đánh giá sẽ sát thực hơn, đồng thời khuyến khích khen thưởng, động viên người lao động trực tiếp.

Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề (ai làm tốt việc gì khen thưởng việc đó) để công tác khen thưởng thiết thực và hiệu quả hơn; nâng cao trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, giảng viên, công chức toàn ngành trong việc đánh giá, suy tôn và xét khen thưởng; cần lựa chọn tiêu biểu, chú trọng hơn nữa tới công tác tuyên truyền, để những tập thể, cá nhân được khen thưởng có thể ảnh hưởng, nhân rộng trong đơn vị và toàn ngành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai sót đáng tiếc và ảnh hưởng tới hoạt động của ngành, phát hiện kịp thời những điển hình tiên tiến để nhân rộng, nêu gương.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý:

Nếp làm thi đua cũ

nhn0ZH1M.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý - Ảnh: M.Đ.

Cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng phần lớn là kiêm nhiệm, không được đào tạo nên không biết cách tổ chức thực hiện phong trào một cách bài bản; chỉ đạo, tổ chức phong trào mang tính hành chính; chưa biết cụ thể hóa các phong trào cho phù hợp với từng đối tượng.

Ví dụ: giáo viên ở các cấp học, nhân viên phục vụ tại các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý các cấp phải có tiêu chí thi đua khác nhau; mỗi địa bàn, địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau phải có yêu cầu, tiêu chí đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, do nếp làm thi đua cũ còn tồn tại trong cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác thi đua nên dẫn đến hiệu quả của công tác này còn thấp.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên