Mẫu xe đạp được đề xuất thí điểm - Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP
Việc thí điểm mô hình xe đạp công cộng nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa cùng TP mở rộng mạng lưới kết nối giao thông công cộng, hướng tới hạn chế xe cá nhân ở khu vực nội thành thời gian tới.
Theo đề xuất, nhà đầu tư Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam sẽ bỏ chi phí đầu tư, vận hành để thực hiện thí điểm mô hình này trong 12 tháng. Sau đó, các sở ngành TP sẽ đánh giá tổng kết để có những quyết định tiếp theo.
Có 43 vị trí đặt xe đạp trên các tuyến đường như Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Võ Văn Kiệt, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn..., mỗi trạm có 10 - 20 xe đạp, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS.
Người sử dụng xe đạp tải ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm xung quanh để biết điểm trạm còn xe gần nhất và dùng ứng dụng quét mã code mở khóa xe.
Để bắt đầu sử dụng dịch vụ, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc nộp trực tiếp. Trước mắt, nhà đầu tư đề xuất các loại vé theo thời gian 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Thời gian đầu từ 1-3 tháng, nhà đầu tư sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên.
Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ mở rộng các khung thời gian sử dụng: 15 phút, 30 phút, 60 phút và đa dạng các loại vé theo ngày/tháng/quý/năm.
Mức giá đề xuất nêu trên chỉ mới là tham khảo, giá sử dụng chính thức sẽ được ban hành sau khi UBND TP chấp thuận.
Về cơ chế chống mất cắp, khi đăng ký sử dụng dịch vụ, người dân cung cấp và xác minh tính hợp lệ của thông tin các nhân.
Mỗi xe đạp đều được gắn một thẻ ID định danh; thông qua hệ thống phần mềm trung tâm, cán bộ vận hành có thể giám sát được xe đang ở vị tri nào hoặc ai đang sử dụng.
Trước mắt, xe đạp sẽ sử dụng làn đường chung. Hiện nay một số tuyến đường trung tâm như Hàm Nghi, Pasteur đã có hai bên làn đường 1,5m có thể thiết kế thành làn đường cho xe đạp.
Từ kết quả thí điểm, TP sẽ có các bước hoạch định về mạng lưới giao thông kết nối trong thời gian tới. Trong tương lai, Sở Giao thông vận tải TP sẽ nghiên cứu về việc mở mới hoặc mở rộng đường phải có làn đường riêng cho xe đạp.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, sắp tới TP sẽ tích hợp một phần mềm dùng chung cho cả metro, xe đạp, xe buýt nhanh, xe buýt, xe đạp... với mục tiêu người dân TP khi bước ra đường có thể bật phần mềm để đi loại phương tiện công cộng phù hợp.
Sau khi được thông qua chủ trương, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đang hoàn chỉnh báo cáo đề xuất thí điểm xe đạp Mobike để trình thường trực UBND TP xem xét, thông qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận