13/08/2017 17:44 GMT+7

Thi cử đang giống 'bắt con chuồn chuồn trên mặt nước'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đây là nhận xét của một học sinh trường THPT Nguyễn Trãi - Hải Dương tại hội thảo “Toán học không xa cách” sáng 13-8.

GS Đỗ Đức Thái tại hội thảo
GS Đỗ Đức Thái tại hội thảo

Hội thảo trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tổ chức.

Tâm đắc với bài trao đổi của GS Đỗ Đức Thái, tổng chủ biên chương trình môn Toán - chương trình giáo dục phổ thông mới về cách tiếp cận mới về Toán học, nhưng em học sinh trên băn khoăn: Dạy học thay đổi, vậy thi có thay đổi không?.

Bắt học sinh giải phương trình không hề dùng trong cuộc sống

“Thầy nói Toán học như cái cần câu, một phương tiện để chúng ta sử dụng trong cuộc sống nhưng với cách thi cử hiện nay, cần câu đó không câu được cá mà lại chớp lấy những con chuồn chuồn bay là là trên mặt nước”, em học sinh trên phản biện lại.

“Con chuồn chuồn” mà em học sinh ví đến chính là kết quả thi, là bằng cấp, chứng chỉ - những thứ mà hầu hết học sinh đều phải cố "chớp lấy", dù trong đó nhiều em không hiểu nó có ích lợi gì, xét ở khía cạnh kiến thức, kỹ năng vận dụng vào cuộc sống.

Trước đó, trong bài trao đổi tại hội thảo, GS Đỗ Đức Thái đã cho rằng cách dạy học và đánh giá môn Toán hiện hành đang đi chệch mục đích.

GS Thái đưa ra định nghĩa về tọa độ trong sách giáo khoa (SGK) lớp 10 mà theo cách nói hài hước của ông, đã được ông trình bày lại một cách dễ hiểu nhất có thể thì những người ngồi tại hội thảo vẫn ong đầu vì độ hàn lâm, khó hiểu của nó.

“Tại sao lại đưa ra những định nghĩa khó hiểu đến thế?" - Trả lời câu hỏi này, GS Thái cho rằng những người thiết kế và thực hiện chương trình đã hình thức hóa Toán học, một cách “làm đẹp” toán học nhưng không để làm gì.

Trong khi Toán học cần phải gần gũi với mọi người, cần được tiếp cận đúng với bản chất của Toán - một phương tiện để con người ứng dụng giải quyết các vấn đề khác nhau trong cuộc sống thường ngày.

“Tôi kinh ngạc khi xem ngay ở đề thi THPT quốc gia năm nay có những câu hỏi khó mà không để làm gì. Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bắt học sinh giải những phương trình, những tích phân không hề dùng trong cuộc sống?” - GS Thái nói.

Ông Thái cũng dẫn lời một vị GS có sở trường về giải quyết các bài toán tổ hợp rằng: “Gần 60 tuổi mà chưa bao giờ phải giải những bài toán tổ hợp lằng nhằng như câu hỏi trong đề thi quốc gia”.

Đáp lại ý kiến của GS Thái, một học sinh THPT bất ngờ nói: “Thầy nói đó là những câu hỏi khó nhưng em nghĩ các học sinh đã ôn luyện để thi thì đều làm được cả vì các bạn ấy được luyện chỉ để đi thi.

Ở trường em, khái niệm sáng tạo được coi là giải được các bài toán mới và khó. Thầy đưa cho một  tập bài tập mới bảo giải. Ai giải được thì tức là có óc sáng tạo”.

GS Đỗ Đức Thái cho rằng những vấn đề mà em học sinh phổ thông thẳng thắn đề cập chính là điều rất đau đầu với các nhà giáo dục bởi xã hội còn sính bằng cấp hơn năng lực thực sự dẫn tới tồn tại kéo dài một nền giáo dục ứng thí thì đó chính là thứ đã và sẽ nghiền nát tất cả mọi cuộc cải cách giáo dục.

Và việc đổi mới thi hiện nay, theo GS Thái mới chỉ  là thay đổi kỹ thuật. Cách VN học nước này, nước kia chỉ là giải quyết phần ngọn, trong khi muốn cải cách thực sự cần có sự chuyển động của cả hệ thống.

GS Thái đưa ra ví dụ: hiện nay cứ nói rằng học Hóa học, Vật lý thì phải thực hành thí nghiệm, phải để học sinh thấy được ý nghĩa của nó khi vận dụng vào trong cuộc sống nhưng khi đi thi nhiều giáo viên cho rằng “chỉ có 4 ô để chọn phương án đúng” thì cần gì phải thực hành, thí nghiệm.

GS Đỗ Đức Thái nhắc lại quan điểm của ông và nhiều người trong Hội Toán học VN về việc phản đối thi trắc nghiệm Toán trong kì thi THPT quốc gia.

Bởi với tâm lý “học gì thi nấy”, với một chương trình nặng nề chỉ hướng tới việc “giải toán” mà không dạy học sinh cách học toán để làm gì thì việc chuyển sang thi trắc nghiệm sẽ tiếp tục là cú giáng mạnh vào chất lượng học toán ở phổ thông.

Phải nghiên cứu cách dạy Toán của các nước

“Tinh giản, thiết thực, hiện đại và sáng tạo” là triết lý môn Toán mà GD Đỗ Đức Thái đặt ra.

Nhưng ông Thái lại phản đối cách tinh giản của Bộ GD-ĐT đã làm là vạc dần kiến thức một cách cơ học. “Nó giống như vạc dần thịt, vạc đến tận xương, mà như thế môn Toán sẽ như một quái thai”, ông Thái ví.

Theo vị tổng chủ biên chương trình môn Toán mới thì “tinh giản, thiết thực” không phải là giảm số lượng mà thay cách tiếp cận. Nó sẽ trả lời câu hỏi “học để làm gì” và “vận dụng nó để làm bằng cách nào”

“Tôi nhận thấy chương trình Toán hiện hành có xu thế dồn từ trên xuống dưới. Ở các lớp học dưới, kiến thức rất nặng. Ví dụ học sinh phải giải quyết những phép tính chia cho 4 chữ số với một loạt các thao tác rất phức tạp ở lớp 4. Trong khi ở các nước khác, lớp 7 mới dạy bài này”, ông Thái nói.

Ông Thái cho rằng cần phải có một khảo cứu trong 70 năm qua VN dạy Toán như thế nào, phân tích một cách thấu đáo để hiểu “người khổng lồ” Toán học thực chất là ai thì mới có thể “ đứng trên vai người khổng lồ” đó. 

Cần phải khảo cứu thế giới dạy học Toán như thế nào để từ đó đưa ra quyết định đúng cho đường đi của môn Toán.

Mở diễn đàn phân tích đề toán

Hội Toán học Việt Nam sẽ tổ chức một  diễn đàn công khai, tại đó sẽ công bố kết quả phân tích đề thi Toán trong kì thi THPT quốc gia.

Theo đó, sẽ lấy mã đề 101 và 102 để phân tích ở nhiều góc độ lý luận dạy học, lý luận về đánh giá, tác động xã hội để mọi người cùng nhìn nhận về cách thức tổ chức thi và ra đề thi hiện nay. Dự kiến diễn đàn này sẽ tổ chức vào tháng 9-2017

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên