![]() |
Ảnh: ĐỨC PHÚ |
Đơn vị này đã làm vỡ ống thoát nước sinh hoạt của một số hộ dân và để lại mặt đường lỗ chỗ đất đá (ảnh). Một người dân sống ở đầu hẻm cho biết mấy ngày nay hẻm ngập nước lênh láng, nhiều người chạy qua đây té ngã do mặt đường bị đào xới.
Ông Nguyễn Quốc Thái, giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cho biết công ty đang lắp đặt đường ống cấp nước mới thay thế đường ống cũ tại khu vực trên. Nếu đơn vị thi công làm vỡ đường ống thoát nước sinh hoạt, công ty sẽ thay cho người dân. “Sau khi thi công đường ống cấp nước xong, công ty sẽ tái lập mặt đường sơ bộ. Sau đó, việc trải nhựa để tái lập theo từng lằn phui sẽ được Công ty Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh thi công” - ông Thái nói.
Chính quyền ép trồng màu, thiệt hại dân chịu?
![]() |
Ruộng dưa hấu bị ngập, không thoát nước được nên chết gần hết - Ảnh: Thanh Tú |
Nhiều hộ dân ở ấp 2, thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) phản ảnh mùa lũ mới đây chính quyền địa phương đã ép họ trồng màu chứ không cho trồng lúa trong vùng đê bao của thị trấn. Khi người dân chấp hành thì xảy ra ngập úng khiến hoa màu bị thiệt hại toàn bộ (nếu trồng lúa sẽ không bị thiệt hại), địa phương đổ lỗi tại... ông trời rồi huề cả làng!
Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở đây, cho biết gia đình ông có 1,1ha trong vùng đê bao này. Nếu trồng lúa mỗi vụ ông có thể thu hoạch được 10 tấn, nhưng khi chuyển qua trồng màu (trồng dưa hấu) vụ vừa rồi bị ngập úng khiến ông thiệt hại gần 50 triệu đồng. “Luật đất đai quy định nông dân được toàn quyền lựa chọn trồng cây gì trên đất của mình, nhưng chính quyền lại ép dân như thế để rồi khi bị thiệt hại thì đổ lỗi cho ông trời thật là phi lý” - ông Minh bức xúc.
Ông Lê Đức Xuân, chủ tịch UBND thị trấn Sa Rài, thừa nhận địa phương có vận động nhiều lần để nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng màu, đặc biệt vào mùa lũ vì xung quanh nước ngập không có điều kiện như trong vùng đê bao. Tuy nhiên, do những ngày đầu tháng 10 liên tiếp xảy ra nhiều cơn mưa to, trong khi khả năng bơm tát chống úng của địa phương có hạn nên khoảng 20ha cây màu bị thiệt hại, tổng cộng khoảng 1,5 tỉ đồng. “Chúng tôi đang xúc tiến các thủ tục đề nghị cấp trên hỗ trợ thiệt hại cho bà con theo nghị định 142 của Chính phủ nhưng chưa được trả lời” - ông Xuân nói.
Cầu Bà Dầu vẫn dở dang
![]() |
Gần một năm sau khi bị sập, cầu Bà Dầu vẫn dở dang - Ảnh: Võ Minh |
Gần một năm trôi qua kể từ ngày xảy ra sự cố sập cầu Bà Dầu bắc qua sông Trà Bồng (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong lúc thi công hồi tháng 12-2011 làm hai người tử vong, đến nay cây cầu này vẫn trong tình trạng dở dang. Ông Nguyễn Văn Tương, người dân xã Bình Dương, buồn bã nói: “Khi xây dựng cầu, bà con khấp khởi mừng vì không còn phải chịu cảnh lụy đò. Nhưng không biết bao giờ dân mới có cầu để đi lại. Mùa lũ, mỗi lần đi đò qua sông dân lo sợ lắm”.
Ông Lê Minh Chính, chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết cầu Bà Dầu do gia đình của một người địa phương đang sinh sống ở TP.HCM hỗ trợ toàn bộ kinh phí xây dựng. “Sau sự cố, phía gia đình của mạnh thường quân này vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ để xây dựng cầu. Tuy nhiên, đến nay cầu Bà Dầu vẫn chưa được UBND huyện Bình Sơn cho tiếp tục thi công trở lại”, ông Chính nói.
Nguyên nhân của vướng mắc này được ông Đoàn Hà Yên - phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn - giải thích là còn phải chờ kết luận về tai nạn lao động trong vụ sập cầu Bà Dầu từ thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, sau đó mới hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiếp tục cho xây dựng nhịp cầu cuối cùng bị sập trước đây.
* Lại bể ống nước. Bốn ngày nay, trước nhà 479 Tân Hòa Đông, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân (TP.HCM) nước sạch tràn lan khắp mặt đường. Người dân khu vực này cho biết đã báo công ty cấp nước nhưng công ty vẫn chưa sửa chữa. Ngày 13-11, nhân viên của Công ty cấp nước Trung An đã đào đường để sửa chữa đoạn ống nước bị hư. Ông Nguyễn Văn Dũng, giám đốc Công ty cấp nước Trung An, cho biết khi nhận được thông tin từ người dân, công ty đã cho nhân viên đến sửa chữa ngay chứ không để tình trạng trên kéo dài như người dân phản ảnh. * Nước máy đục kéo dài 2 ngày. Chuyện này xảy ra tại nhiều nhà dân ở khu vực đường Âu Cơ, P.14, Q.11 (TP.HCM). Ông Hùng, một người dân ở đây, cho biết: “Cứ khoảng 5-6 giờ sáng, xả nước là thấy nước đục ngầu kèm theo cặn. Buổi tối mà không xả nước để dành thì sáng hôm sau không có nước dùng”. Ông Trần Việt Tiến, cán bộ Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân, cho biết hai ngày qua Nhà máy cấp nước Tân Hiệp (Hóc Môn) cúp nước vì gặp một số sự cố chưa xử lý kịp. Có thể khi nhà máy hoạt động trở lại, nguồn nước mạnh làm bong tróc phèn trong đường ống dẫn đến tình trạng trên. “Công ty Cấp nước Phú Hòa Tân đã cho kiểm tra nguồn nước tại nhà dân ở khu vực trên để xác định mức độ ô nhiễm của nguồn nước và khắc phục” - ông Tiến nói. * Nguy hiểm rình rập học sinh băng qua đường tàu. Hàng trăm học sinh Trường THPT Phủ Lý B, xã Thanh Châu, TP Phủ Lý (Hà Nam) hằng ngày vẫn băng qua đường tàu để đến trường trong khi nút giao đường bộ với đường sắt không có rào chắn và đèn báo hiệu.
Thầy Đỗ Văn Dũng, bí thư Đoàn Trường THPT Phủ Lý B, cho biết học sinh bất chấp nguy hiểm băng qua đường tàu là do các em ngại đi đường vòng mất thời gian. Nhà trường đã nhiều lần tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nhưng nhiều em vẫn vi phạm. “Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Ban an toàn giao thông tỉnh Hà Nam sớm có biện pháp lắp đặt rào chắn bảo vệ tại đây” - thầy Dũng nói. Ông Phạm Trọng Hòa, phó chủ tịch UBND xã Thanh Châu, cho biết hiện có rất nhiều đường ngang dân sinh trên địa bàn xã giao với đường tàu chưa có rào chắn và đèn báo hiệu. Đã có nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại đây nên xã nhiều lần kiến nghị ngành đường sắt làm trạm gác chắn và lắp đèn báo hiệu nhưng đến nay vẫn chưa thấy ngành đường sắt triển khai. * Rác ngập hành lang cầu Đông Tác. Từ nhiều tháng nay, cầu Đông Tác ở phố Đông Tác, P.Kim Liên, Q.Đống Đa (Hà Nội) trở thành điểm tập kết rác thải sinh hoạt, xà bần... Hành lang dành cho người đi bộ trên cầu bị rác thải chiếm dụng hoàn toàn (ảnh).
Ông Đoàn Minh Khanh, phó giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị số 4, cho biết thời gian gần đây vào ban đêm nhiều người dân đã thuê xe chở xà bần đến đây đổ lén. Hằng tuần xí nghiệp đều cử người đến thu dọn nhưng cứ dọn xong người ta lại đổ trộm ra mặt cầu. Xí nghiệp đã làm việc với lãnh đạo P.Kim Liên để cùng phối hợp theo dõi và xử lý nghiêm những trường hợp cố ý vi phạm. * Thi công làm bể đường ống nước. Nhiều người dân ở tuyến kênh 12 (ấp 18) và kênh 13 (ấp Trương Thoại), xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) phản ảnh trong quá trình san lấp mặt bằng, nhà thầu thi công công trình mở rộng lộ về trung tâm xã Biển Bạch đã đưa máy móc cơ giới múc đất, làm hư hỏng hoàn toàn đường dẫn nước công cộng khiến 60 hộ dân trên hai tuyến kênh nói trên nửa tháng qua không có nước dùng trong sinh hoạt.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận khá nhiều ống dẫn nước sinh hoạt bị đơn vị thi công làm bể, gãy (tổng chiều dài khoảng 1.200m) được các hộ dân trong khu vực nhặt bỏ lên bờ, một số bị vùi lấp xuống lớp sình mới. Ông Trần Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Biển Bạch, cho biết chủ thầu thi công là Công ty cổ phần Xây dựng thương mại huyện Thới Bình đã thừa nhận sai sót và cam kết mua đường ống nước mới, đấu nối lại như hiện trạng ban đầu để đảm bảo người dân có nước sử dụng trong thời gian sớm nhất. * Sản xuất vỏ lãi composite gây ô nhiễm. Nhiều người dân sống gần cơ sở sản xuất vỏ lãi bằng composite của Công ty TNHH Lê Quỳnh, xã Phi Thông, TP Rạch Giá (Kiên Giang) than phiền mùi hóa chất từ cơ sở này bay ra rất khó chịu.
Ông Lâm Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Phi Thông, cho biết cơ sở trên đã bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Kiên Giang xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường và buộc di dời trước năm nay. Hiện công ty khắc phục bằng cách che chắn xung quanh khu vực sản xuất nhưng vẫn chưa hạn chế được mùi hôi phát tán ra xung quanh. “Công ty cho biết có mua một khu đất, định di dời cơ sở sản xuất đến đó nhưng chúng tôi chưa đồng ý vì khu đất này nằm trong khu dân cư xã phát triển sau này. Chúng tôi đã yêu cầu công ty tìm khu đất khác để di dời chứ sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư như hiện nay là không được” - ông Liêm nói. Chậm tái lập mặt đường. Dự án lắp đặt hệ thống thoát nước dọc đường Mai Hắc Đế (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã hoàn thành từ giữa năm 2012 nhưng đến nay mặt đường chưa được tái lập, gây nguy hiểm cho người dân khi qua lại. Tại đoạn từ trụ sở UBND tỉnh Đắk Lắk đến giao lộ Mai Hắc Đế - Giải Phóng, nền đường xuất hiện nhiều vết loang lổ, đá dăm nổi trên bề mặt. Do đơn vị thi công hoàn trả mặt đường nhưng không thảm nhựa nên đường luôn trong cảnh mưa lầy nắng bụi. Ông Lê Quang Hưng - trưởng ban dự án đầu tư xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đô thị và vệ sinh môi trường Đắk Lắk - cho biết việc đào đường Mai Hắc Đế để lắp đặt đường ống nước thải. Hiện trên tuyến đường Mai Hắc Đế đang có một dự án thảm nhựa khác chuẩn bị được triển khai nên trước mắt đơn vị sẽ tái lập tạm mặt đường cho người dân đi lại. Chặn xe chở rác vì ngại ô nhiễm. Vừa qua, người dân thôn Đông Bình, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã chặn xe chở rác, cản trở hoạt động thu gom, xử lý chất thải tại Khu kinh tế Dung Quất của Công ty cổ phần cơ điện môi trường Lilama. Theo người dân, xe chở rác của công ty thường để rơi vãi rác trên đường gây ô nhiễm môi trường. Nước xả ra từ hoạt động xử lý chất thải ảnh hưởng đến vật nuôi và cây trồng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Công ty còn dự định xả nước thải vào hồ Hàm Rồng là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho dân trong khu vực. Chiều 13-11, đại diện Công ty cổ phần cơ điện môi trường Lilama cho rằng thời gian qua, công ty đã nhập nhiều thiết bị, xe chuyên dụng thu gom rác theo tiêu chuẩn và luôn tuân thủ các quy định trong việc thu gom, vận chuyển chất thải. Việc xả thải ra hồ Hàm Rồng chỉ mới xin phép và khi thực hiện, công ty sẽ đảm bảo nước thải ra đạt tiêu chuẩn cho phép. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận