27/06/2024 12:23 GMT+7

Thi bằng lái ô tô: Siết rất gắt, sao có người vẫn không phân biệt chân thắng, chân ga, chân côn?

Việc thi sát hạch bằng lái ô tô hiện nay được giám sát chặt chẽ hơn, thực tế không ít người được cấp bằng lái ô tô nhưng vẫn không thể phân biệt chân thắng, chân ga, chân côn. Vì sao?

Về nội dung học mô phỏng cabin, nhiều người cho rằng không sát thực tế - Ảnh: NVCC

Về nội dung học mô phỏng cabin, nhiều người cho rằng không sát thực tế - Ảnh: NVCC

Sau bài viết: Học và thi bằng lái ô tô: Hoa mắt, chóng mặt với cabin điện tử, nhiều bạn đọc đã góp ý để việc cấp bằng lái xe ô tô thực tế hơn. Ngoài ra, bạn đọc Nhất Nguyên còn chỉ ra những chiêu trò mới mà người học lái xe ô tô hiện nay nên tránh.

Nhằm góp thêm góc nhìn từ thực tế, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của những người trong cuộc. 

Cần loại bỏ việc tập và thi trên cabin mô phỏng

Theo số liệu, năm 2023 riêng TP.HCM có khoảng 120.000 lượt người thi rớt bằng lái xe ô tô. Nguyên nhân rớt nhiều nhất được cho ở phần thi mô phỏng.

Thực tế, vẫn có không ít người được cấp bằng lái ô tô, nhưng vẫn không thể phân biệt chân thắng, chân ga, chân côn.

Vì sao?

Trả lời câu hỏi này, nhiều bạn đọc cho rằng việc thi sát hạch bằng lái ô tô hiện nay có nhiều cải tiến cũng như được giám sát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, nếu cố tình làm trái vẫn không tránh khỏi tiêu cực, thậm chí cấp bằng lái không đủ tiêu chuẩn.

Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, cơ quan chức năng nên rà soát kỹ những kẽ hở để thay đổi cho phù hợp, chứ không phải đề ra nhiều nội dung không cần thiết, làm khó người thi bằng lái mà không đi vào thực chất.

"Cần loại bỏ hình thức tập và thi trên cabin mô phỏng. Rất nhiều bất cập trong phần mềm xử lý, lãng phí mà không mang lại lợi ích gì lớn cho người lái xe. 

Theo tôi, cần tập trung vào lái xe thực tế, như quy định hiện nay học viên phải lái thực tế 810km là rất hay so với trước đây. Bên cạnh đó, việc nắm kiến thức về Luật Giao thông và ý thức, đạo đức khi lái xe là cực kỳ cần thiết và sát hạch thật kỹ", bạn đọc Duong viết.

Cùng suy nghĩ, bạn đọc Văn bổ sung: "Tôi học và lái ô tô cách đây 10 năm. Ngày đó học không nhiều như bây giờ. Chủ yếu là chạy thực tế trên đường để rút ra nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Khi học lái xe đâu có kỹ năng đi đèo dốc nhưng khi đi thực tế sẽ cho mình kinh nghiệm xử lý".

Góp thêm về giải pháp, bạn đọc tài khoản Người Dân kiến nghị: "Rất mong cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe trong cả nước. Không để xảy ra tình trạng gian lận trong việc đào tạo. 

Với các giáo viên cũng cần phải có tâm khi được xã hội giao chức trách người thầy. Phải đánh giá thực chất việc truyền tải kiến thức trong việc dạy và đào tạo cho các học viên, không nên bằng mọi giá cấp bằng lái theo kiểu "bao đậu" mà bất chấp hậu quả".

"Còn với mỗi học viên, khi được đào tạo và cấp giấy phép lái xe đều phải có ý thức, đạo đức và kỹ năng lái xe, hiểu biết luật giao thông. Mỗi tài xế luôn ý thức rằng khi cầm vô lăng là nắm trong tay không chỉ tính mạng mình mà còn liên quan đến nhiều người khác", bạn đọc này nhắn gửi.

Ham "bao đậu", coi chừng dính bẫy

Tìm hiểu thông tin trung tâm đào tạo lái xe, nhiều trung tâm đều quảng cáo "tỉ lệ đậu cao". Để đảm bảo "bao đậu" như quảng cáo, một trong những chiêu phổ biến được một số trung tâm áp dụng là thường xuyên cho học viên làm bài kiểm tra, cả lý thuyết lẫn thực hành.

Học viên nào phía trung tâm thấy "yếu yếu", khả năng bị rớt khi thi sát hạch thì sẽ "giam" lại, không cho thi, bắt buộc học thêm (có phát sinh chi phí).

Như vậy, học viên vừa mất thêm thời gian, tốn thêm tiền nhưng không biết kêu ai vì ngay từ đầu, khi đăng ký học đã không đọc kỹ điều khoản được quy định trên hợp đồng. Nếu bỏ qua trung tâm khác thì cũng phải tốn nhiều tiền và phải học lại từ đầu.

Ngoài ra, một số học viên, thay vì đăng ký học qua trung tâm, lại đăng ký trực tiếp với "thầy" dạy có các kênh TikTok, YouTube với lượt người theo dõi "khủng" vì tin tưởng các "thầy" này.

Kết quả, không ít người bị "giam" hồ sơ lẫn học phí, suốt nhiều tháng không được học gì vì các "thầy" còn phải đi gom đủ học viên, hoặc thay vì được học ở TP.HCM thì lại "bị" đưa xuống học, ôn thi cấp tốc tại một tỉnh nào đó ở miền Tây Nam Bộ.

Thậm chí, có trung tâm còn "giam" học viên loanh quanh trong sân tập của trường hoặc giới hạn các con đường quanh trường. Học viên chỉ được tới lui trong những khu vực đó.

Dành cả thanh xuân đi thi bằng lái, vẫn rớt vì sao?Dành cả thanh xuân đi thi bằng lái, vẫn rớt vì sao?

Năm 2023 có khoảng 120.000 lượt người thi rớt bằng lái xe ô tô, nguyên nhân được cho rớt nhiều nhất là ở phần thi mô phỏng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên