Công nhân Trung Quốc làm việc trong một nhà máy thép ở Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô, tháng 4-2018 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, quyết định trên có thể xem là một chiến thắng cho các nhà sản xuất thép của Mỹ.
Thép Trung Quốc bị đánh thuế chống phá giá, trợ cấp từ hồi năm 2015-2016, tuy nhiên các doanh nghiệp nước này lách luật bằng cách tuồn sản sản phẩm của mình sang nước thứ ba (như Việt Nam) để sau đó xuất sang Mỹ với mức thuế thấp.
Năm 2015, sau khi thép Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế chống phá giá, nguồn thép cán nguội từ Việt Nam nhập vào Mỹ bỗng nhảy vọt lên với tổng trị giá 215 triệu USD/năm từ mức 9 triệu USD, còn thép không gỉ tăng từ 2 triệu USD lên 80 triệu USD.
Các nhà sản xuất thép của Mỹ như ArcelorMittal USA, Nucor Corp, AK Steel Holdings Corp... tố Trung Quốc lập tức "đi nhờ" sang ngả Việt Nam ngay sau khi thuế mới của Mỹ có hiệu lực.
Theo quy định mới, giới chức hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) 256,44% đối với mặt hàng thép cán nguội sản xuất ở Việt Nam nhưng dùng chất nền có nguồn gốc Trung Quốc.
Riêng thép chống gỉ từ Việt Nam đối mặt mức thuế chống phá giá 199,43% và thuế đối kháng 39,05%.
Ngoài ra, Mỹ sẽ ban hành cùng mức thuế chống phá giá/chống trợ cấp hiện đang áp dụng với Trung Quốc đối với thép chống gỉ và thép cán nguội từ Việt Nam có nguồn gốc là thép cán nóng Trung Quốc.
Các loại thuế trên sẽ "song hành" với mức thuế 25% áp dụng đối với hầu hết thép nhập khẩu vào Mỹ - kết quả của cuộc điều tra an ninh quốc gia nhắm vào thép và nhôm nhập khẩu của chính quyền ông Donald Trump.
Tuy thép được xử lý chống gỉ và cán nguội ở Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ đồng tình với các nhà sản xuất Mỹ rằng 90% giá trị sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc.
Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang vật lộn với tình trạng năng lực sản xuất dư thừa, phần lớn là ở Trung Quốc, dẫn đến giá sản phẩm bị kéo xuống thấp.
Cùng thời điểm này, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đang phối hợp với Toà án Thương mại quốc tế Canada (CITT) mở cuộc điều tra về bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép của Trung Quốc.
Ngày 18-5 cơ quan CBSA phát đi thông báo nêu rõ cuộc điều tra được tiến hành theo đơn khiếu kiện của công ty Dover Canada ULC ở Edmonton, tỉnh Alberta.
Công ty này cho rằng ngành sản xuất ống thép của Canada đang đối mặt với áp lực giá, sụt giảm doanh thu, lợi nhuận và hoạt động dưới công suất do phải cạnh tranh không công bằng với các loại ống thép được trợ giá của Trung Quốc.
Theo đó, CBSA sẽ điều tra xem có đúng là các sản phẩm ống thép của Trung Quốc đang được bán ở Canada với giá không công bằng và được trợ giá hay không. Kết luận sơ bộ sẽ được đưa ra vào ngày 16-8.
Trong khi đó, CITT sẽ mở cuộc điều tra sơ bộ để xác định xem liệu việc nhập khẩu các mặt hàng ống thép của Trung Quốc có gây thiệt hại cho các nhà sản xuất của Canada hay không. CITT đưa ra kết luận vào ngày 17-7 tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận