06/01/2022 10:34 GMT+7

Theo chân những ngư dân can trường phóng lao săn cá biển

HẢI LUẬN
HẢI LUẬN

TTO - Thế kỷ 21 rồi nhưng vùng biển Nam Trung Bộ vẫn còn nghề phóng lao săn cá biển như tổ tiên can trường ngày xưa với những màn truy kích cá đầy căng thẳng, ngoạn mục.

Theo chân những ngư dân can trường phóng lao săn cá biển - Ảnh 1.

Thợ săn và “cao tốc” - Ảnh: HẢI LUẬN

Mùa đông, gió thổi mạnh liên tục, sóng biển cao cả mét, là thời điểm thích hợp nhất cho nghề phóng lao săn cá biển. 

"Cá nhái cũng tinh ranh lắm, đêm sóng biển đánh như 'đá gà' là lúc nó đi kiếm ăn trên mặt nước. Bọn tôi phải chạy 'cao tốc' ra đường tàu container (đường hàng hải quốc tế) săn mới nhiều" - thợ săn Dương Văn Tâm (49 tuổi, ở thôn Xuân Tự, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) kể chuyện nghề độc nhất vô nhị.

Treo mình trên đầu sóng hiểm

Ông Tâm cho tôi theo xuồng nhôm, mà dân săn cá biển gọi là "cao tốc" gắn động cơ ôtô, để chứng kiến những màn truy kích cá đầy kịch tính. Tôi theo lời dặn của ông Tâm, tay phải vịn thật chặt vào mạn xuồng để không bị hất văng xuống biển khi "cao tốc" tăng ga đột ngột.

Những loại cá sinh sống trên mặt nước, ban đêm đi ăn mồi luôn bơi tốc độ nhanh. Giữa biển tối đen như mực, bất ngờ có tiếng động cơ và ánh sáng đèn pha của thợ săn rọi qua, lập tức cá nhảy lên, bay vút trên mặt nước. Ông Tâm tập trung nhìn rõ hướng cá chạy rồi tăng ga đuổi theo. 

Ông tắt đèn pha đội trên đầu, tiếng động cơ nổ khét rẹt. Chiếc "cao tốc" lao vun vút cắt qua đầu các con sóng. Bật đèn sáng lại, ông Tâm đứng hai chân ghì vào mạn "cao tốc", một tay cầm lái, một tay phóng chĩa 11 mũi nhọn chính xác vào giữa thân con cá nhái dài nửa mét.

Mỗi lần ông Tâm tăng tốc để chặn đầu con cá đang cố thoát thân, tôi ngồi sau lái chịu trận nước biển bắn rát mặt.

"Muốn chặn đầu cá đang tiến về hướng đông thì phải quét đèn pha "đuổi" nó ở từ xa các hướng khác. Nếu quét đèn loạn xạ, cá cũng chạy loạn xạ. Quan trọng nhất là phải quan sát phía đầu cá nhảy lên mặt nước cao hay thấp, từ đó sẽ biết được cá chúi đầu lặn xuống nước sâu bao nhiêu. 

Phải tăng ga hết cỡ, hơn tốc độ cá bay. Nếu chậm vài giây, cá vụt qua mất, lại mất công chạy lòng vòng tìm" - ông Tâm nói và cho biết thêm cái khó nhất là vừa điều khiển "cao tốc" vừa phóng lao trúng cá cũng đang bơi rất nhanh dưới biển.

Theo người thợ săn lão luyện này, cá nhái thường hay đến những nơi biển có dòng chảy mạnh và sóng đánh dữ dội. Vì mưu sinh, các thợ săn buộc phải treo sinh mạng trên ngọn sóng hung hiểm.

"Lạ lắm nghe, giữa biển nhưng nhiều chỗ nước chảy thành xoáy giống như thác, "cao tốc" cứ mải đuổi theo cá chạy vào đúng chỗ xoáy sẽ cực kỳ nguy hiểm. Những lúc như vậy phải nhanh chóng tắt máy, cắm đầu cắm cổ tát nước thật nhanh, chậm trễ rất dễ bị chìm. Săn được con cá giữa biển khơi cũng khó khăn, nguy hiểm lắm" - ông Tâm nói.

Theo chân những ngư dân can trường phóng lao săn cá biển - Ảnh 2.

Thợ săn đâm được nhiều cá nhái trong đêm - Ảnh HẢI LUẬN

Căng thẳng săn cá khổng lồ

Thợ săn sẵn sàng bắt các loại cá nổi trong tầm phóng lao. Trước năm 1975, họ chỉ làm lao 2 mũi nhọn, sau đó tăng lên 3 mũi và giờ là 11 - 13 mũi nhọn xòe ra cả gang bàn tay.

"Hồi trước ở Nha Trang chỉ có ông Lành thợ rèn dùng thép nhíp xe tải làm lao. Loại thép này chắc và sắc, gặp cá cờ, cá đuối bự phóng chĩa xuống không bị gãy, tôi đã bắt được cá cờ nặng 80kg bằng chĩa nhíp xe rồi. Cá cờ từ 40kg trở lên rất mạnh, một mình loay hoay trên chiếc "cao tốc" phải thật có mẹo mới tóm được" - thợ săn Nguyễn Công Tuấn (50 tuổi, phường Ngọc Hiệp, Nha Trang) kể.

Sau này, các thợ săn làm thêm lao "nọc điện" với 3 mũi nhọn, hàn trực tiếp sợi dây điện nối lên bộ kích điện. Thợ săn vừa phóng lao trúng cá, đồng thời đạp nút cho dòng điện phóng qua cá, làm nó đơ ra, hết cơ hội vùng vẫy kéo cả xuồng chạy theo như ngày trước. 

Giữa biển, lao "nọc điện" này chỉ tác động vào con cá đơn lẻ thợ săn muốn bắt, không ảnh hưởng đến bất cứ con cá nào khác hay hệ sinh thái biển.

"Vừa rồi, săn con cá cờ nặng khoảng một tạ, tôi đã cho "cao tốc" chạy hết cỡ song song với nó. Nghe tiếng máy nổ, con cá càng phóng nhanh dữ dội. Truy đuổi theo cả cây số, mũi "cao tốc" đã vào đúng cự ly gần, tôi phóng lao trong chớp mắt. Thế mà nó vẫn "né" được, phóng mất dạng" - ông Tâm xuýt xoa tiếc con cá.

Ông Tâm kể thêm cá cờ rất tinh khôn. Trăng sáng lờ mờ, nó phát hiện bóng lao đang cắm thẳng về mình, nó chỉ cần lách sang chỗ khác hoặc phóng nhanh về phía trước. Muốn bắt được cá cờ to, trời phải tối đen như mực. 

Ông từng phóng mũi lao trúng được con cá cờ nặng 1,5 tạ cách bờ khoảng 20 hải lý. Hôm đó, ông phải quần thảo rất lâu và phải gọi điện cho bạn tới phụ đưa con cá khổng lồ lên "cao tốc".

Khánh Hòa là cái nôi ra đời nghề phóng lao săn cá trên mặt biển, và ông Tuấn là thế hệ thứ 3 trong gia đình làm nghề này. Hồi trước đi săn trên xuồng nhỏ, 3 người trên một xuồng: 2 người chèo, một người đâm cá ở mũi. 

Khoảng năm 1980, xuồng còn 2 người, vừa chèo vừa đâm cá. Năm 1997, có người nghĩ ra cách đặt máy Côle (Kohler) nhỏ nhưng cũng phải đi 2 người.

"Điều khó là ông ngồi sau lái xuồng nhiều khi không hiểu ý ông đứng phóng lao trước mũi. Cá đang chạy bên phải, ông bẻ lái chạy sang trái. Từ thực tế trên biển, ông Quang ở cồn Ngọc Thảo đã "độ" lái bằng vôlăng giống như xe ở trước mũi để một mình đi săn. Anh em tôi thấy hiệu quả, học làm theo kiểu này. 

Bây giờ "cao tốc" đóng to hơn, đa số gắn động cơ ôtô máy dầu vừa chạy nhanh vừa ít tốn hơn máy xăng" - ông Tuấn kể.

Hiện nay, tại Nha Trang có gần 40 chiếc "cao tốc" săn cá và thôn Xuân Tự (huyện Vạn Ninh) có khoảng 30 chiếc. Nhưng duy nhất có 2 người ở cồn Ngọc Thảo (Nha Trang) đóng được "cao tốc" bằng vỏ nhôm.

Các thợ săn Khánh Hòa với cây lao trên tay, đưa "cao tốc" đi làm ăn tứ xứ. Nghề săn cá biển lại "sinh nở" ra ở Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Mỗi năm, hai cơ sở đóng "cao tốc" săn cá ở Nha Trang cung cấp khoảng 40 chiếc cho các tỉnh với giá 130 - 150 triệu đồng/chiếc.

Giá cá cao bù cá ít

t 04 (003) hl 3(read-only)

Gần sáng, thợ săn vào bờ để bán cá - Ảnh: H.LUẬN

"Mấy chục năm trước, người làm nghề săn cá trên mặt nước ít, sản lượng đánh bắt nhiều, nhưng giá bán lại rẻ. Bây giờ số thợ săn đông, cá cũng ít lại, nhưng giá cá nhái bán cao từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Hôm trước hai anh em đi đánh chung một đêm bán được 9 triệu đồng, chia ra mỗi người 4,5 triệu.

Chi phí mỗi đêm đi săn khoảng 700.000 đồng, nhiều đêm bị lỗ tổn. Nghề này khổ cực, thức săn suốt đêm, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Lớp trẻ hiện nay ít theo nghề săn, chúng nó đi làm trên bờ dễ kiếm ăn hơn" - ông Nguyễn Công Tuấn tâm sự.

Nghề săn không ảnh hưởng sinh thái biển

"Cá nhái sống theo bầy đàn, thuộc dòng cá nổi, trên lưng màu xanh, dưới bụng trắng, ở khu vực mắt có hai điểm sáng, ban đêm rọi đèn pha dễ phát hiện.

Cá cờ, hay còn gọi là cá kiếm, cũng thuộc dòng cá nổi. Nhiều nước trên thế giới sử dụng tàu lớn, cao tốc đi câu, đâm cá cờ, nó được xếp vào ngành giải trí "hái" ra nhiều tiền. Dân ta còn nghèo, đi săn bắt cá ban đêm trên mặt nước để mưu sinh qua ngày.

Xét về môi trường sinh thái biển, nó không ảnh hưởng gì cả, có thể làm bình thường" - PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, thông tin.

Săn cá kiếm Săn cá kiếm

TTCT - Với những người đi câu cá lớn quanh khu vực quần đảo Trường Sa, câu cá kiếm bao giờ cũng nguy hiểm và thú vị nhất. Nếu câu cá mập, cá nhà táng hung dữ ít nhiều đem đến nỗi sợ cho người săn thì cuộc săn cá kiếm lại hùng tráng mà lãng mạn.

HẢI LUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên