28/07/2011 07:18 GMT+7

Theo chân người anh hùng trên đoàn tàu không số

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH
LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH

TT - Hải Phòng - “đại bản doanh” của Hải quân Việt Nam, cũng là nơi khởi đầu những chuyến đi của đoàn tàu không số mà tháng 10-2011 này sẽ kỷ niệm chẵn 50 năm.

Trong số 97 liệt sĩ của đoàn tàu hi sinh trong những chuyến vận tải vũ khí vào Nam, cho đến nay chỉ duy nhất một liệt sĩ được tìm thấy hài cốt. Anh Nguyễn Đình Phương - con trai anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hiệu, kể lại hành trình đi tìm hài cốt bố mình...

Kỳ 1: Cuộc kiếm tìm trên biển Long Châu Kỳ 2: Trả lại tên cho anh

npBQ2nZo.jpgPhóng to

Ông Thẩm Hồng Năng kể lại phút giây bi tráng của con tàu 645 với anh Nguyễn Đình Phương (phải), con trai anh hùng Nguyễn Văn Hiệu - Ảnh: Ngọc Quang

Câu chuyện người con

“Bố tôi là người Quảng Nam, đồng hương của anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Bác Vinh người Điện Bàn, còn bố tôi quê ở Thăng Phương, huyện Thăng Bình. Ông vào lính vệ quốc từ năm 1951 rồi đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Hồi đó ai cũng khao khát được cầm súng trở về giải phóng quê hương, nhưng bố tôi sau khi tập kết được đi học rồi chuyển về công tác ở Xí nghiệp đánh cá Hạ Long.

Mãi đến năm 1962, sau khi đoàn tàu không số được thành lập, ông mới trở lại quân ngũ và về đoàn 125 hải quân - phiên hiệu của đoàn tàu không số ngày ấy. Suốt 10 năm, từ khi về đoàn tàu không số đến khi hi sinh vào năm 1972 ông đã có 13 chuyến đi trót lọt vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam” - anh Phương kể.

Trong ký ức anh Phương còn vẹn nguyên hình ảnh của bố mình với mấy ngày phép ngắn ngủi sum họp gia đình trước chuyến đi. Khi ấy, anh Phương chỉ mới 14 tuổi. Những chuyến đi trước, ông Hiệu thường ít khi được về nhà với vợ con. Chỉ có chuyến đi vào tháng 3-1972 ấy ông được về nhà mấy hôm, mua giấy dầu lợp lại mái nhà bị dột cho mấy mẹ con, mua hẳn cái bếp dầu mới và dặn anh em Phương ít hôm nữa khi ông đi nhớ ghé đơn vị, ông có xin một can 20 lít dầu mazut cho mấy mẹ con.

Buổi sáng 16-3-1972, ông ôm cả bốn anh em vào lòng, Phương là con cả, ông dặn dò rất kỹ chuyện ở nhà chăm lo các em và đỡ đần mẹ rồi ông lên đường. Anh Phương bảo anh nhớ kỹ ngày hôm đó bởi đúng một tháng sau, ngày 16-4, Hải Phòng bị B52 rải thảm, và hơn một tuần sau nữa thì bố anh hi sinh cùng chiếc tàu 645 trên vùng biển Phú Quốc.

Phải đến sáu năm sau, vào một sáng mùa đông năm 1978, khi đang là sinh viên năm 2 Trường đại học Cảnh sát ở Hà Nội, anh được thầy giáo chủ nhiệm gọi lên văn phòng nhà trường và được trường cho phép theo các sĩ quan ở Bộ tư lệnh Hải quân về Hải Phòng để dự lễ truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho bố mình. Phải đến khi ấy anh Phương mới biết rõ câu chuyện hi sinh của bố anh - anh hùng Nguyễn Văn Hiệu - trên vùng biển Tây Nam đất nước.

Anh Phương cho tôi xem bức thư của ông Thẩm Hồng Năng, đồng đội có mặt trên chuyến tàu 645 ngày ấy, người đã chứng kiến giây phút bố anh hi sinh. Và chính ông Năng cũng không dám tin có thể tìm được hài cốt, kèm theo những chi tiết về hoàn cảnh hi sinh, trong thư có cả sơ đồ bố trí thuốc nổ để hủy tàu khi lâm sự. Với một lượng thuốc nổ như vậy, không ai tin là còn chút gì dấu tích hình hài khi con tàu nổ giữa trùng khơi, cách Phú Quốc đến 60 hải lý.

Giây phút quyết tử

Chuyện về con tàu 645 thuộc đoàn 125 trong ký ức của cựu binh Thẩm Hồng Năng dường như vừa xảy ra hôm qua chứ không phải đã xảy ra từ gần 40 năm trước. Trong căn nhà nhỏ của ông Năng ở ngõ 301 Ngô Gia Tự, tấm hình con tàu không số phóng lớn treo trên tường. Cuộc trò chuyện với ông thỉnh thoảng được minh họa cụ thể bằng hình ảnh chiếc tàu vốn là tấm hình đẹp nhất về những chiếc tàu không số được chụp bởi... máy bay do thám của Mỹ (sau năm 1975 khi tiếp quản, tấm hình đó đã thành một tư liệu quý và hầu như các cựu binh của đoàn tàu không số ai cũng có tấm hình ấy treo trang trọng trong nhà).

“Việc tìm được hài cốt của anh Hiệu là một sự kỳ diệu, bởi khi nghe Phương thông báo việc đi tìm tôi đã ghi thư cho Phương” ông Năng chậm rãi kể rồi lại hướng về chiếc tàu trong bức ảnh, bảo 645 cũng là chiếc tàu đóng theo dạng đó. Tuy bề ngoài như tàu đánh cá song thực chất là tàu vận chuyển vũ khí. Chuyến hàng chuyển vào dịp tháng 4-1972 ấy chở gần 70 tấn đạn cối cá nhân và 1 tấn thuốc nổ TNT cùng nhiều hàng hóa thiết yếu cho chiến trường Quân khu 9.

Trước đó, tàu 645 đã hai lần xuất phát nhưng đều bị tàu địch kèm chặt nên phải quay về bến. Lần xuất phát thứ ba tàu rời cảng ngày 12-4. Sau hơn 10 ngày đi theo hải phận quốc tế, rạng sáng ngày thứ mười một, 23-4-1972, tàu chỉ còn cách Phú Quốc 60 hải lý thì nhận được điện báo từ Bộ Tổng tham mưu: “Bến động”. Tàu chuẩn bị quay mũi để trở lại vùng biển quốc tế thì đã bị bao vây tứ phía.

Vào giai đoạn này, sau hơn mười năm đi lại, tuyến “đường mòn” trên biển đã không còn bí mật bất ngờ nữa. Đối phương chẳng khó khăn để nhận ra đây là tàu Bắc Việt giả dạng tàu cá vận chuyển vũ khí. Chiếc tàu khu trục to lớn áp sát với ý định bắt sống tàu 645, cùng sự hỗ trợ của ba tàu khác. Không bắt sống được, tàu địch bắt đầu dùng hỏa lực uy hiếp. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và thuyền trưởng Lê Hà động viên anh em nổ súng đánh trả. Đã có một số anh em thủy thủ trúng đạn hi sinh.

Đúng lúc đó, một quả đạn rót trúng bánh lái, tàu mất bánh lái cứ chạy vòng tròn. Chính trị viên Hiệu yêu cầu thuyền trưởng Lê Hà dẫn anh em nhảy xuống biển bơi ra xa tàu, còn anh sẽ rời tàu sau khi trực tiếp kích nổ 1 tấn thuốc nổ TNT được bố trí để hủy tàu. Nhìn 16 anh em đang dìu nhau bơi trong khi con tàu mất bánh lái cứ chạy vòng tròn, khi đến gần vị trí anh em đang bơi, khi lại xa ra.

Nếu tàu nổ đúng vị trí với cự ly gần anh em đang bơi nhất thì không ai có thể sống sót, chính trong tích tắc ấy anh Hiệu quyết định ở lại tàu, thay đổi cách thức điểm hỏa. Khi chiếc tàu xoay theo vòng tròn và ở vị trí cách xa anh em nhất sẽ cho nổ tàu trực tiếp, tính mạng mình có thể hi sinh nhưng anh em được an toàn.

Đó là điều sau này anh em suy đoán khi thấy vị trí tàu nổ nằm ở khoảng cách xa nhất với vị trí anh em đang bơi tính theo vòng tròn chuyển động của con tàu. Còn khi đó chỉ thấy một tiếng nổ long trời, cột nước dựng cao hàng chục mét rồi sau đó mặt biển lại bình yên. Cả 16 anh em thủy thủ bị địch bắt làm tù binh và giam ở nhà lao Phú Quốc cho đến sau Hiệp định Paris thì được trao trả.

Rời quân ngũ, ông Năng đã vào đại học, trở thành giảng viên Đại học Hàng hải Hải Phòng. Chưa phút giây nào ông quên sự hi sinh oanh liệt của người chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu, hình ảnh con tàu 645 nổ tung cùng người thủ trưởng vẫn luôn hiện về trong ông như một khoảnh khắc sáng chói của ký ức...

--------------------------------------------------

Nhưng ông Thẩm Hồng Năng không thể hình dung vẫn còn những mẩu hài cốt của người sĩ quan đoàn tàu không số có thể trôi dạt về dưới những bãi cát rừng dương trên đảo Phú Quốc.

Kỳ tới: Giữa lòng cát trắng biển xanh

LÊ ĐỨC DỤC - VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên