03/08/2013 08:14 GMT+7

Thêm sai phạm đất đai tại Đà Nẵng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Ngoài những sai phạm do Thanh tra Chính phủ chỉ ra hồi đầu năm 2013, Bộ Tài nguyên - môi trường cũng vừa kiểm tra 48 dự án tại Đà Nẵng và chỉ ra một số sai phạm về đất đai.

Đà Nẵng “phản pháo”Không thay đổi nội dung kết luận về vi phạm đất đai ở Đà NẵngPhát hiện thêm sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng

uqBFABb3.jpgPhóng to
Khu đô thị Nam trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, Đà Nẵng là một trong 48 dự án mà Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra và phát hiện sai phạm - Ảnh: Đăng Nam

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ đồng ý với kết luận và kiến nghị của Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) về kết quả kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai tại Đà Nẵng.

Theo đó, ngoài những nội dung Thanh tra Chính phủ đã kết luận, qua kiểm tra, Bộ TN-MT cũng chỉ ra thêm một số sai phạm trong quản lý đất đai, giao đất và cho thuê đất ở một số dự án khác. Thủ tướng đã yêu cầu UBND TP Đà Nẵng khẩn trương, nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau thanh tra, kiến nghị của Bộ TN-MT, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30-8.

Thêm sai phạm về giao đất, cho thuê đất

Ông Lê Vũ Tuấn Anh, phó chánh thanh tra Bộ TN-MT, cho biết sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo không thanh tra lại mà thấy cần phải kiểm tra thêm một số dự án không nằm trong đợt thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ TN-MT, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính kiểm tra. “Bộ TN-MT đã kiểm tra 48 dự án trên địa bàn Đà Nẵng và đã có kết luận. Nội dung kết luận không có gì liên quan nhiều tới các sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận” - ông Tuấn Anh cho hay.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Bộ TN-MT, đối với việc giao đất, cho thuê đất, qua kiểm tra 48/1.061 hồ sơ về thu hồi đất, giao đất và cho thuê đất, trong đó có 14 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 34 dự án không sử dụng vốn ngân sách, cho thấy ở một số dự án đã có những sai phạm về đất đai khác nhau. Cụ thể, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có 12/14 dự án thực hiện trình tự thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của pháp luật, còn hai dự án gồm khu liên hiệp thể dục thể thao, trạm xử lý nước thải và khu tái định cư tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) được giao đất chưa đúng trình tự thủ tục.

Tương tự, tại dự án xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng của Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh Đà Nẵng ở P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu), qua kiểm tra Bộ TN-MT xác định không có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền nhưng đã nhận đất và sử dụng. Đối với dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, qua kiểm tra 34 dự án, Bộ TN-MT chỉ rõ có 30 dự án thực hiện trình tự thủ tục giao đất chưa đúng.

nRtVSLfj.jpgPhóng to
San lấp mặt bằng tại dự án khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra và phát hiện có sai phạm tại khu A của dự án này - Ảnh: Hữu Khá

Chuyển quyền sử dụng đất trái quy định

Qua kiểm tra 34 hồ sơ dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ TN-MT cũng xác định có 30 dự án được UBND TP Đà Nẵng quyết định giao đất cho Công ty Quản lý và khai thác đất hoặc ban quản lý dự án, các công ty có chức năng khai thác quỹ đất để ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho các chủ đầu tư mà UBND TP không trực tiếp giao đất. Việc làm này, theo Bộ TN-MT, sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất chỉ liên hệ một đầu mối đơn vị, nhưng chưa đúng với các khoản quy định của Luật đất đai năm 2003.

Cụ thể, năm 2008, UBND TP Đà Nẵng thu hồi đất của Ban quản lý Sơn Trà - Điện Ngọc giao cho Công ty TNHH thương mại Hà diện tích 150.750m2, trong đó diện tích giao đất có thu tiền là 75.000m2, diện tích cho thuê trả tiền hằng năm là 75.750m2, số tiền sử dụng đất là 39 tỉ đồng, được giảm 10%, công ty đã nộp 35,1 tỉ đồng. Công ty TNHH thương mại Hà được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích làm cơ sở sản xuất kinh doanh, phần đất được giao có thời hạn lâu dài, phần đất thuê có thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, Bộ TN-MT xác định công ty này không sử dụng đất, không đầu tư xây dựng theo nội dung của dự án mà chuyển tên (thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất) cho Công ty TNHH khách sạn và biệt thự Nam Phát. Đến ngày 27-11-2010, UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Nam Phát vào khu đất 150.750m2 trên, tổng số vốn đầu tư 380 tỉ đồng, thời gian hoạt động 50 năm từ ngày 7-7-2008. Theo kết luận của Bộ TN-MT, việc chuyển nhượng đất trên là trái quy định tại nghị định 17/2006 của Chính phủ.

Qua kiểm tra công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng liên quan đến các dự án đầu tư, Bộ TN-MT cũng phát hiện nhiều dự án phát triển đô thị, khu công nghiệp đã được UBND TP Đà Nẵng ban hành quyết định thu hồi đất tổng thể, giao đất hoặc cho thuê đất để chủ đầu tư thực hiện dự án từ năm 2009, 2010 như khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, khu đô thị Quan Nam - Thủy Tú, Khu công nghiệp Hòa Cầm, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, tuy nhiên đến thời điểm kiểm kê đất đai năm 2010, những dự án trên vẫn chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng nên khi thực hiện kiểm kê đất đai đã kê khai theo mục đích sử dụng hiện trạng; Khu công nghiệp Hòa Khương và một số cụm công nghiệp nhỏ khác chưa triển khai, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 triển khai cuối kỳ quy hoạch nên chưa chuyển mục đích sử dụng đất khi kiểm kê năm 2010.

Kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm

Theo báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc để xảy ra sai sót, tồn tại trên khi thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ. Sửa đổi hoặc hủy bỏ những văn bản trái quy định của pháp luật còn đang có hiệu lực như văn bản quy định thời gian công khai khi tiến hành đấu giá đất, văn bản quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số công văn cá biệt của chủ tịch và các phó chủ tịch UBND TP chỉ đạo lập hồ sơ giao đất. Sớm ban hành quyết định quy định về suất đầu tư tối thiểu trên một đơn vị diện tích đất cho từng loại dự án và từng địa bàn đầu tư; quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp với những quy định của pháp luật và tình hình thực tế địa phương.

Các sai phạm do Thanh tra Chính phủ phát hiện

Ngày 17-1-2013, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra cho rằng qua kiểm tra 46/1.061 dự án (4,3% tổng số dự án), Thanh tra Chính phủ phát hiện:

- UBND TP Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý dự án và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai.

- Nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn, làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

- Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư, các tổ chức, cá nhân được giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng đối tượng và trái với quy định, gây thất thu ngân sách hơn 446 tỉ đồng đối với các hộ tái định cư và hơn 867 tỉ đồng đối với các tổ chức, cá nhân...

Sau khi xem xét kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các kiến nghị gồm: kiểm điểm chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003-2011) đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất, giảm tiền sử dụng đất phải nộp, gây thất thu ngân sách hơn 3.434 tỉ đồng.

Đà Nẵng đang rà soát, chấn chỉnh

Chiều 2-8, trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Điểu - giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng - cho biết trong sáu kiến nghị của Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng, đến nay Đà Nẵng đã chỉ đạo thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng (thuộc Sở TN-MT) và Trung tâm Giao dịch bất động sản Đà Nẵng (thuộc Văn phòng UBND TP), đồng thời chỉ đạo cho rà soát thu hồi các dự án không sử dụng đất quá 12 tháng liền hoặc những dự án có tiến độ thực hiện chậm quá 24 tháng theo quy định tại khoản 12 điều 38 Luật đất đai 2003, thu hồi những dự án chuyển nhượng đất trái pháp luật. Theo ông Điểu, Đà Nẵng cũng chỉ đạo rà soát một số văn bản, dừng triển khai để sửa đổi theo đúng quy định của pháp luật.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, liên quan đến những kiến nghị của Bộ TN-MT, vừa qua thường trực UBND TP Đà Nẵng đã họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan. Ngoài ra, những vấn đề về chuyển nhượng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, cá nhân ở 27 dự án sử dụng vào mục đích kinh doanh sản xuất lâu dài trái với quy định cũng đang được xem xét để có hướng xử lý. Vấn đề chủ trương cho chuyển tên các khu đất giữa các cá nhân, nhà đầu tư gây thất thoát một số tiền rất lớn của Nhà nước cũng được rà soát, dừng lại ngay. Đối với dự án cho thuê đất nhưng không thực hiện dự án mà chuyển nhượng lại cho nhà đầu tư khác để thu lợi cũng đang lên kế hoạch để thu hồi.

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cũng cho biết riêng đối với việc sửa văn bản trái quy định do UBND TP Đà Nẵng ban hành đã được các sở ngành tham mưu sửa đổi. Chủ trương cho chuyển tên dự án không mất tiền thuế, việc này là sai nên đã dừng lại. Việc giao đất với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ không giao lâu dài mà có thời hạn. Ngoài ra, từ nay các đơn vị không phải cơ quan quản lý nhà nước (như ban quản lý dự án, các công ty) không được phép hợp đồng chuyển nhượng đất cho các doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng phải do Trung tâm Phát triển quỹ đất vừa mới thành lập ngày 25-6 thực hiện.

Khi được hỏi về việc liệu Đà Nẵng có thu hồi được số tiền 867 tỉ đồng (số tiền đất giảm 10% cho các nhà đầu tư khi được ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất) mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị, một lãnh đạo từng nhiều năm quản lý đất đai ở Đà Nẵng cho biết “sẽ không bao giờ thu hồi được số tiền trên cả, vì thế ai làm sai thì phải chịu trách nhiệm thôi”.

__________________

“Không có vấn đề gì”

Đó là ý kiến của một số lãnh đạo đơn vị có liên quan ở Đà Nẵng sau khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ngày 25-7 đã công bố báo cáo kiểm toán năm 2012, trong đó có nêu những vi phạm về đất đai ở các địa phương, trong đó có Đà Nẵng.

Theo KTNN, trong quá trình kiểm toán các dự án tại Đà Nẵng, KTNN phát hiện có đến 27 gói thầu (giá trị 629,2 tỉ đồng) được Đà Nẵng chỉ định thầu không đúng quy định. Ngoài ra một số trường hợp UBND TP Đà Nẵng có công văn chỉ định thầu trước khi Sở Kế hoạch - đầu tư thẩm định kế hoạch đấu thầu.

Chưa công khai, minh bạch

Cụ thể, KTNN đề nghị UBND TP Đà Nẵng kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tổ chức chỉ định thầu, đấu thầu hạn chế không tuân thủ Luật đấu thầu. Kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm tại Ban quản lý dự án hạ tầng giao thông đô thị Đà Nẵng trong việc thay đổi nội dung sử dụng đất, không bố trí đất công trình công cộng theo quy định; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại Sở Xây dựng trong việc buông lỏng quản lý khi thực hiện chức năng là chủ đầu tư, chức năng thẩm định thiết kế dự toán.

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật khu E - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (Q.Cẩm Lệ), KTNN đề nghị UBND TP Đà Nẵng xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác quản lý, điều hành thực hiện dự án. Trong đó xác định trách nhiệm các cá nhân và tập thể của các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, Sở Xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng và Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư và xây dựng số 2 Đà Nẵng chưa làm đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân liên quan đến việc không quyết định thu hồi đất của các hộ có diện tích thực tế nhiều hơn ban đầu; bản kê khai nguồn gốc nhà đất không ghi đầy đủ nhưng vẫn được xác nhận; chưa thực hiện công khai, minh bạch trong việc bố trí đất tái định cư; thực hiện xác định diện tích tối thiểu để tách, nhập thửa của các hồ sơ có diện tích 20m2 trở lên để đền bù và bố trí tái định cư và chưa thực hiện áp dụng hệ số 1,5-2,5 lần đơn giá đất tái định cư đối với các trường hợp không thuộc diện giải tỏa; bố trí chưa công bằng giữa các hộ dân có diện tích thu hồi như nhau nhưng diện tích bố trí tái định cư khác nhau; bố trí chưa đầy đủ hạn mức so với diện tích đất bị thu hồi.

“Sai nhỏ thôi”

Nói về các vấn đề mà KTNN đề cập, ngày 31-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Việt Hùng - giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng - cho biết “đã làm kiểm điểm gửi UBND TP, không có chi phải giấu giếm. Ai buông lỏng thì người đó chịu thôi. Chẳng qua là nhiều cái trong đền bù giải tỏa, sai sót kỹ thuật nhỏ chứ không có gì cả. Kết luận kiểm toán là đúng, sai sót do mình tổ chức bộ máy không tốt, kịp thời. Nó nhẹ nhàng thôi chứ không có vấn đề chi”. Ông Hùng khẳng định các đơn vị điều hành dự án làm đúng quy trình, nếu sai thì các đơn vị đó bỏ tiền ra, bởi vì các dự án chưa quyết toán.

Liên quan đến bố trí tái định cư mà KTNN đề cập trách nhiệm của Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư và xây dựng số 2 Đà Nẵng, ông Trần Vũ Nguyên - trưởng Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư và xây dựng số 2 Đà Nẵng - cho rằng không có gì sai phạm, chỉ qua là sai sót do cóp cắt các số liệu để cung cấp cho kiểm toán. Khi kiểm toán “vào” có đề cập 12 trường hợp, các trường hợp này đơn vị làm theo quyết định của UBND TP nên đơn vị không sai. Việc bố trí đất, bố trí cho ai, đơn giá, hệ số đều do TP quyết. “Ông kiểm toán cố bắt bí mình, còn mình làm theo quyết định của ủy ban (UBND TP Đà Nẵng), đơn giá hệ số thì ủy ban đã ghi rõ rồi. 12 trường hợp đó mình không có sai. Tất cả cái này mình đã giải trình hết. Mình nói anh em nhận khuyết điểm, anh em nói có cái chưa đủ, ông (KTNN) cho rằng như vậy là cố ý báo cáo sai sự thật. Thế là anh em chúng tôi rút kinh nghiệm chứ có vấn đề gì đâu” - ông Nguyên nói. Ông Nguyên cho hay đã cho kiểm điểm nhân viên vì báo cáo không đủ. Còn việc bố trí tái định cư, ông Nguyên khẳng định là công khai, minh bạch chứ không phải như kiểm toán đề cập.

Riêng nội dung thay đổi nội dung sử dụng đất, không bố trí đất công trình công cộng theo quy định mà KTNN đề cập, ông Hồ Hương - trưởng Ban quản lý dự án hạ tầng giao thông đô thị Đà Nẵng - cho biết việc thay đổi nội dung sử dụng đất, không bố trí đất công trình công cộng theo quy định đã được thẩm định kỹ càng. “Dự án triển khai từ năm 2004, ban đầu có nhiều đất dành cho các công trình công cộng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, đặc biệt là trước nhu cầu công tác tái định cư ở các dự án thiếu đất. Sau khi cân đối quỹ đất, TP thấy thiếu đất nên sau đó cân đối lại là lấy một số khu công cộng nhưng tất nhiên cũng chừa lại đất công cộng, tăng thêm số đất tái định cư bố trí cho dân. Thực tế cái này Viện Quy hoạch xây dựng TP điều chỉnh quy hoạch, sau đó trình Sở Xây dựng thẩm tra rồi trình UBND TP quyết định, có đảm bảo hay không mới làm chứ không phải lấy tất tần tật các khu công cộng. Lấy phần đất công cộng, chia ra 367 lô, giải quyết nhu cầu tái định cư cho dân. Việc làm này không phá vỡ quy hoạch bởi vì có sự thẩm định kỹ lưỡng” - ông Hương cho biết.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên