Ông Vương Ngân Thành - cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC), thời còn đương chức - Ảnh: AFP
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, hôm nay 24-5, ông Vương Ngân Thành (Wang Yincheng), cựu Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC), đã nhận án 11 năm tù giam vì tội nhận hối lộ trong thời gian kéo dài 10 năm.
Hồi tháng 2-2017, ông Vương bắt đầu bị điều tra về "những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", một cách gọi đối với tội tham nhũng, hối lộ ở các quan chức tại Trung Quốc.
Đến giữa tháng 4 vừa qua, tòa án ở tỉnh Phúc Kiến đã xét xử ông Vương.
Ông ta bị kết tội trực tiếp hoặc thông qua người thân nhận tiền mặt và quà cáp trị giá hơn 8,7 triệu nhân dân tệ (tương đương 1,4 triệu USD) trong thời gian từ năm 2006 đến 2016.
Ông Vương lợi dụng chức vụ và quyền hạn nhận hối lộ để đổi lấy việc giúp thăng quan tiến chức cho người khác hoặc ban phát những hợp đồng béo bở cho người khác.
Tại tòa, như nhiều quan chức lớn ngã ngựa khác ở Trung Quốc, ông Vương đã nhận tội và tỏ ra ăn năn hối lỗi.
Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng.
Cuộc chiến này đã chạm tới cả những nhân vật cấp cao trong đảng, quân đội và giới tinh hoa doanh nghiệp ở Trung Quốc - những người có nhiều mối quan hệ quyền lực và trước đây vẫn được xem là "không thể đụng tới".
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng tuyên bố sẽ chống tham nhũng mạnh tay trong ngành tài chính, lĩnh vực đang đối mặt với những rủi ro do nợ xấu, các vụ vỡ nợ trái phiếu, hoạt động ngân hàng ngầm, và cho vay trên mạng.
"Tham nhũng trong ngành tài chính cần phải được điều tra và trừng trị thật cương quyết", bài phát biểu của ông Lý đăng trên website Chính phủ Trung Quốc ngày 9-4 có đoạn viết như vậy.
"Các quan chức giám sát và lãnh đạo cấp cao các công ty biển thủ công quỹ hoặc thông đồng trái phép với các ‘cá sấu tài chính’ phải bị trừng trị nghiêm khắc", ông Lý nói.
Tỉ phú Ngô Tiểu Huy đã chính thức ngã ngựa với án tù 18 năm - Ảnh: REUTERS
Hôm 10-5 vừa qua, một "con cá sấu tài chính" là "Tỉ phú đỏ" Ngô Tiểu Huy - lãnh đạo Tập đoàn bảo hiểm Anbang khổng lồ của Trung Quốc, đã bị tuyên 18 năm tù giam và bị tịch thu tài sản 1,6 tỉ USD vì tội lừa đảo và biển thủ công quỹ lên đến hơn 12 tỉ USD.
Ở Trung Quốc, từng có lúc, Ngô Tiểu Huy được xem là "bất khả xâm phạm" bởi là chồng của cháu gái cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Nhiều người tin rằng ông ta phất lên nhanh chóng nhờ "có gốc gác và quan hệ mạnh".
Hôm 10-4 vừa qua, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin người đứng đầu cơ quan giám sát bảo hiểm Trung Quốc đang bị điều tra vì bị tình nghi tham nhũng.
Trong một tuyên bố vắn tắt, Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương cho biết ông Hạng Tuấn Ba (Xiang Junbo) - Chủ tịch Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) đồng thời là một thành viên ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương nước này (PboC), bị tình nghi "vị phạm nghiêm trọng kỷ luật" - cụm từ thường được chỉ tội tham nhũng ở Trung Quốc.
Sau khi có tuyên bố trên, tên và chức danh của ông Hạng đã bị gỡ bỏ khỏi website của CIRC, dù các tin tức có liên quan đến ông vẫn còn trên trang này.
Trên cương vị quan chức giám sát cấp cao nhất ngành bảo hiểm Trung Quốc, ông Hạng đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành này trong những năm qua, cùng với việc tự do hóa các quy định đầu tư cho phép các công ty bảo hiểm có thể dùng tài sản để đầu tư nhiều hơn nữa tại thị trường trong và ngoài nước.
Tài sản của ngành bảo hiểm Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 3 năm qua, đạt mức 15,1 ngàn tỉ Nhân dân tệ (tương đương 2.190 tỉ USD), vào cuối năm 2016.
Trong một buổi họp báo hồi tháng 2 năm nay, ông Hạng tuyên bố CIRC sẽ có thêm các biện pháp tăng cường xử lý các nhà đầu cơ ngắn hạn và giảm rủi ro dài hạn.
Ông Hạng còn khẳng định CIRC sẽ không cho phép ngành bảo hiểm trở thành "câu lạc bộ nhà giàu" hoặc một nơi lẩn trốn cho "những con cá sấu tài chính".
Mỉa mai thay, chính những con "cá sấu tài chính" lại đang là mối nguy đe dọa sinh mạng chính trị của ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận