23/05/2018 18:30 GMT+7

Thêm một thị trưởng Nhật Bản từ chức vì 'Me too'

ĐỖ DƯƠNG
ĐỖ DƯƠNG

TTO - Hôm nay (23-5), ông Kunihiko Takahashi, 66 tuổi, thị trưởng thành phố Komae phía tây Tokyo tuyên bố đã nộp đơn từ chức sau khi bị 4 phụ nữ viết đơn tố cáo ông có hành vi quấy rối tình dục với họ.

Thêm một thị trưởng Nhật Bản từ chức vì Me too - Ảnh 1.

Ông Kunihiko Takahashi - Ảnh: ASAHI

Theo báo Asahi (Nhật Bản), ông Kunihiko Takahashi, 66 tuổi, thị trưởng thành phố Komae (Nhật Bản), phía tây Tokyo, tuyên bố đã nộp đơn xin từ chức trong cuộc họp báo hôm nay (23-5) sau khi nhận được thư phản đối của 4 nhân viên nữ cáo buộc những sự việc mà theo họ là một phần trong "lịch sử dài quấy rối tình dục" của ông.

Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Takahashi không thừa nhận các cáo buộc đó, cho biết ông từ chức vì: "Tôi không thể gây thêm hỗn loạn cho chính quyền thành phố nữa". Bất chấp những bác bỏ của ông thị trưởng, những người làm việc cùng ông này đều thừa nhận ông có hành vi sàm sỡ với phụ nữ tại nơi làm việc.

Bốn phụ nữ tự nêu tên mình trong bức thư phản đối. Bức thư này đã được chuyển tới tay ông thị trưởng ngày 22-5.

"Chúng tôi đã cố giữ im lặng cho tới bây giờ, nhưng chúng tôi không thể chịu đựng được thêm nữa", bức thư viết. "Chúng tôi không thể làm việc dưới quyền một người mà thậm chí không hề có một lời xin lỗi".

Ông Takahashi thừa nhận hành vi của ông khiến họ khó chịu, nhưng ông nói ông không chấp nhận cách họ định nghĩa về "quấy rối tình dục". Ông nói: "Nếu họ nghĩ những gì tôi làm là quấy rối tình dục,vậy thì tôi thực sự xin lỗi. Tôi không nghĩ hành vi của mình đã tới mức quấy rối tình dục".

Tất nhiên ông cũng bác bỏ việc đã phạm tất cả những tội lỗi mà 4 người phụ nữ liệt kê như sờ soạng mông, gửi email không liên quan gì tới công việc, áp sát người vào họ trong thang máy….

Thêm một thị trưởng Nhật Bản từ chức vì Me too - Ảnh 2.

Ảnh: EPA

Nhà báo nữ đối mặt nhiều sức ép

Trong một diễn biến khác liên quan, kết quả cuộc khảo sát vừa công bố về quấy rối tình dục tại Nhật cho thấy 150 phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông bị quấy rối và 1/3 số vụ việc liên quan tới các nhân viên chính phủ, cảnh sát và các nghị sĩ.

Theo báo Guardian, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy hàng chục phụ nữ đang làm việc cho các cơ quan báo chí và đài truyền hình tại Nhật Bản đã và đang bị quấy rối tình dục, có một số trường hợp bị lặp lại nhiều lần.

Điều đáng nói, 1/3 trong số 150 vụ việc cáo buộc quấy rối tình dục xảy ra với các nữ nhân viên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có liên quan tới các nhân viên chính phủ, cảnh sát và các nghị sĩ quốc hội.

150 vụ việc bị tố cáo quấy rối tình dục liên quan tới 35 nữ nạn nhân. Cuộc thăm dò về tình trạng quấy rối tình dục được tiến hành ngay sau khi một quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính Nhật Bản vừa phải từ chức vì các cáo buộc cho rằng ông này đã có những lời lẽ dâm ô không phù hợp với một nữ nhà báo.

Giáo sư Mayumi Taniguchi, nữ chuyên gia nghiên cứu về giới tại đại học quốc tế Osaka, cho biết 40% các vụ việc xảy ra tại nơi làm việc của các nữ nạn nhân, số còn lại liên quan tới các nguồn tin của họ và các cá nhân khác.

Trong số các nạn nhân có một nữ nhà báo làm việc cho một tờ báo quốc gia. Cô tố cáo chuyện một quan chức cảnh sát cấp cao thường xuyên có những lời lẽ thiếu chuẩn mực với mình. Các cộng sự của nữ nhà báo này đều biết rõ hành vi của viên cảnh sát đó, song đã không làm gì để ngăn cản.

Chị Chie Matsumoto, một nhà báo tự do và cũng là người phát ngôn của tổ chức Women in Media Network Japan (WiMN) mới thành lập gần đây, cho rằng chị không ngạc nhiên trước các kết quả của cuộc thăm dò.

Chị nói: "Mạng lưới của chúng tôi có 90 thành viên và 19 người trong số họ cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục, trong đó đối tượng gây rối gồm các nguồn tin ở lực lượng cảnh sát, những người họ phỏng vấn và cả chính ông chủ của họ".

"Tất cả những người đó đều bị bảo rằng hãy quên những gì đã xảy ra với họ đi, rằng việc phải chịu đựng nạn quấy rối tình dục là một phần của nghề báo", chị Matsumoto nói tiếp.

Thời gian qua phong trào Metoo đã gây tác động một cách chậm nhưng chắc chắn tại Nhật Bản. Do những đặc thù về văn hóa, các nạn nhân tại đây nhìn chung vẫn thường khá miễn cưỡng khi phải nói ra sự thật, một phần vì sợ ảnh hưởng tới sự nghiệp, công việc, phần khác lo ngại bị dư luận chỉ trích, cười chê.

Con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm Con sóng #MeToo cũng đã cập bến ngành công nghiệp ghi âm

TTO - Tháng 2-2016, hình ảnh về một người phụ nữ mặc áo trắng bật khóc nức nở trong một phiên tòa tại New York khiến cả ngành công nghiệp âm nhạc rúng động.

ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên