22/07/2020 20:06 GMT+7

Thêm cơ hội để hát bội đến gần khán giả

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Cuối tuần qua, tại sân đền thờ vua Hùng (nằm trong Thảo cầm viên TP.HCM) đã diễn ra chương trình hát bội, mở đầu chuỗi chương trình được thực hiện định kỳ vào thứ bảy hoặc chủ nhật cách tuần.

Thêm cơ hội để hát bội đến gần khán giả - Ảnh 1.

Trích đoạn Trần Bình Trọng tuẫn tiết - Ảnh: LINH ĐOAN

Có không ít người tưởng hát bội không còn tồn tại ở TP.HCM. Vì vậy chương trình này rất có ý nghĩa để quảng bá hát bội đến rộng rãi công chúng.

NSƯT Hữu Danh

Theo ông Nguyễn Hoàng Vinh - phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, chương trình này nằm trong kế hoạch quảng bá nghệ thuật truyền thống, chuẩn bị tiến tới xây dựng các điểm du lịch trong TP do Sở VH-TT TP.HCM khởi xướng, giao cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM và Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức thực hiện.

Hào hứng tìm hiểu về nghệ thuật hát bội

Chương trình kéo dài từ 8h30-10h với các hoạt động như trưng bày mặt nạ, hình ảnh nhân vật, trang phục hát bội, xem các nghệ sĩ vẽ mặt...

Phần chính biểu diễn trích đoạn các vở hát bội, như sáng 19-7 có trích đoạn Ôn Đình chém Tá, Trần Bình Trọng tuẫn tiết, xen kẽ chương trình NSƯT Hữu Danh trò chuyện về tính ước lệ của không gian, thời gian trong hát bội, kỹ thuật dùng roi cách điệu ngựa phi...

Với Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, chương trình này cũng đánh dấu sự trở lại sau đợt dịch COVID-19 kéo dài. Khá bất ngờ là số lượng đông khán giả quan tâm khiến nghệ sĩ và đơn vị tổ chức đều thấy hào hứng. Không gian mở tiện cho các gia đình đi chơi Thảo cầm viên ghé vào xem.

Thêm cơ hội để hát bội đến gần khán giả - Ảnh 3.

Điệu múa chào mừng đặc trưng của nghệ thuật hát bội - Ảnh: LINH ĐOAN

Chị Thanh Hương (Q.5) vừa xem vừa liên tục giải thích cho các con đến hết buổi: Ông mặt đỏ hiền hiền là ai vậy? Là ông quan tốt đó con! Còn ông mặt trắng thấy ghê kia? Là ông quan xấu, gian xảo...

"Thật ra tôi đâu có điều kiện dẫn các con đi xem hát bội, mà cũng không biết xem ở đâu. Tình cờ sáng nay thấy chương trình hay quá nên dẫn mấy đứa nhỏ vô coi cho nó có chút khái niệm về nghệ thuật truyền thống" - chị Hương chia sẻ.

Cũng khá bất ngờ khi trong số khán giả đứng xem chương trình có đông người trẻ, không ít khán giả là sinh viên ngành xã hội/nghệ thuật.

Nghe tin có buổi biểu diễn, các bạn đến xem và tìm hiểu kỹ thuật vẽ mặt, đặt câu hỏi cho NSƯT Hữu Danh về những đặc trưng của hát bội, những nét mặt thể hiện tính cách nhân vật, những kiểu cười đặc trưng, năm chòm râu trên cây roi tượng trưng cho con ngựa thể hiện điều gì?...

Thêm cơ hội để hát bội đến gần khán giả - Ảnh 4.

Trích đoạn Ôn Đình chém Tá - Ảnh: LINH ĐOAN

Không tổ chức biểu diễn thì không tồn tại

Đã từ lâu hát bội trở thành một trong những nghi thức khó thể thiếu khi người dân Nam Bộ tổ chức lễ kỳ yên, cúng đình. Thế nhưng với những hoạt động văn hóa công cộng, các suất diễn ngày càng ít hơn, cơ hội để nghệ thuật hát bội đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, không nhiều.

Vì vậy, đối với NSƯT Hữu Danh - người giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM, việc có thêm chương trình biểu diễn cho công chúng ở đây có ý nghĩa quan trọng.

"Chúng tôi được giao nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát bội. Nhưng nếu không biểu diễn được thì không thể tồn tại. Ở Thảo cầm viên, lượng người đến vui chơi đông, cả gia đình có thể tiếp cận với hát bội. Tương lai, khi dịch bệnh chấm dứt, du lịch mở cửa thì đây là điểm diễn lý tưởng phục vụ khách trong và ngoài nước" - ông nói.

Thêm cơ hội để hát bội đến gần khán giả - Ảnh 5.

NSƯT Hữu Danh vui vẻ lắng nghe một sinh viên đại học FPT đặt câu hỏi tìm hiểu về nghệ thuật hát bội - Ảnh: LINH ĐOAN

Anh Hoàng Hà - một trong những nghệ sĩ vừa trình diễn hát bội tại Thảo cầm viên - vốn xuất thân từ cải lương, rồi bị mê đắm bởi hát bội và gắn bó 15-16 năm nay. Anh hiện ở nhà thuê, phải làm đủ việc ngoài nghề để tồn tại, có lúc cũng chông chênh, nhưng cứ mỗi lần được hát trước khán giả thì khó khăn ngoài kia dường như... của ai chứ không phải của mình.

Anh tâm sự: "Bữa nay hát ở đây nhìn khán giả say mê theo dõi mình xúc động quá. Sự trân trọng của họ khiến mình như diễn sung hơn. Lại thấy có thêm động lực với nghề để tiếp tục vượt qua gian khó như bao năm nay đã từng...".

Vất vả bám nghề

Nghệ sĩ hát bội vốn nổi tiếng trong giới bởi... nghèo! Chuyện kép chánh trong đoàn phải chạy Grab, làm thợ điện lạnh, kinh doanh thêm bên ngoài để cải thiện cuộc sống là bình thường một cách không bình thường!

Bảo Châu, một trong những anh kép chánh của nhà hát, cho biết: "Hát bội là bộ môn nghệ thuật khó, để trụ được đòi hỏi nghệ sĩ phải rèn luyện rất vất vả. Tôi theo nghề đã 19 năm nhưng tiết kiệm lắm mới có thể sống với nghề.

Lỡ mê rồi nên ráng làm thêm công việc bên ngoài để có thể bám nghề. Chúng tôi chỉ mong nhiều người biết đến nghệ thuật hát bội, cùng yêu hát bội nên những suất diễn như thế này thật đáng trân trọng".

Nghệ sĩ tri âm: Thương kép chánh hát bội chạy xe ôm, mấy cô nữ đi giặt đồ Nghệ sĩ tri âm: Thương kép chánh hát bội chạy xe ôm, mấy cô nữ đi giặt đồ

TTO - Sáng 8-1, tại trụ sở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, số 24 Nguyễn Thị Diệu, P.6, Q.3, NSND Kim Cương và các cộng sự đã tổ chức chương trình Nghệ sĩ tri âm lần 6 trao quà tết cho nghệ sĩ, công nhân, hậu đài nghèo.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên