23/09/2019 10:13 GMT+7

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Hướng đến đối tượng du khách, Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM vừa giới thiệu đến công chúng vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 1.

Trước tình hình đất nước nguy biến, hình ảnh người mẹ bệnh tật đã quyên sinh để con trai có thể dứt áo lên đường đánh giặc - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vở ngắn gọn, súc tích và chỉ dài khoảng 55-60 phút. Hoàn toàn không lời thoại, chỉ khai thác tối đa các trình thức biểu diễn đặc trưng của hát bội , phối hợp với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng…

Sanh vi tướng, tử vi thần mở đầu với hình ảnh làng quê thanh bình, trai gái vui đùa ca hát trên cánh đồng, bờ tre. Nhưng rồi giặc ngoại xâm tràn đến, cửa nhà tan nát, gia đình ly tán, phụ nữ bị hãm hiếp, chết chóc tang thương khắp nơi.

Với tinh thần quật cường, bao người dân Việt đã đứng lên chống giặc, dù có ngã xuống, hương hồn họ lại nương theo mây gió yểm trợ cho người ở lại quyết chiến đấu với kẻ thù tới cùng để bảo vệ quê hương. Họ - chính là những tượng đài bất khuất của tấm lòng yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.

Trích đoạn Sanh vi tướng, tử vi thần - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vở có sự tham gia của khoảng 22 diễn viên và 7 nhạc công. Ông Hoàng Vũ - phó giám đốc nhà hát cho biết: "Vì không có lời thoại nên các trình thức biểu diễn, diễn xuất từ ánh mắt, cơ mặt, vũ đạo… phải được chăm chút và "nặng" hơn gấp đôi những vở diễn bình thường để người xem có thể hình dung những gì đang diễn ra trên sân khấu.

Âm nhạc cũng góp phần quan trọng làm tăng kịch tính cho vở diễn. Với Sanh vi tướng, tử vi thần, chúng tôi không chỉ sử dụng nhạc cổ mà kếp hợp nhạc truyền thống và đương đại để đem lại nét mới và đẩy nhanh tiết tấu của vở diễn".

Có nhiều phân đoạn gây ấn tượng bởi khả năng thể hiện của nghệ sĩ như cảnh người con chấp chới trên chiếc thúng bé xíu qua sông để giết giặc, cảnh người đàn bà yêu nước bị chặt đầu trong mông lung rừng sâu, cảnh người phụ nữ ngoan cường bị tứ mã phanh thây…

Xem mà thương bởi thấy những giọt mồ hôi tuôn rơi đầm đìa trên gương mặt nghệ sĩ bởi phải phối hợp nhịp nhàng liên tục giữa các động tác vũ đạo và diễn biến nội tâm nhân vật.

Có thể Sanh vi tướng, tử vi thần sẽ đón nhận những luồng ý kiến trái chiều. Bởi với những người ghiền hát bội từ những ngày xưa sẽ băn khoăn khi thấy vở không còn đúng chất hát bội như họ đã từng yêu, từng thấm thưở nào.

Thế nhưng nhà hát cũng có những nỗi niềm riêng, bởi giữ nguyên như hình thức cũ sẽ khó tiếp cận nhiều đối tượng khán giá, nhất là khán giả trẻ và du khách. Với thử nghiệm lần này, nhà hát mong muốn nhận được góp ý của công chúng, đặc biệt là các đơn vị du lịch để chỉnh sửa và hoàn thiện vở diễn, phục vụ công chúng tốt nhất.

Sanh vi tướng, tử vi thần - Video: DUYÊN PHAN

Ông Hoàng Vũ chia sẻ thông tin: "Nếu mọi việc thuận lợi, khoảng đầu năm 2020 chúng tôi sẽ đưa vở diễn vào kế hoạch phục vụ khách du lịch bên cạnh chương trình tổng hợp mà nhà hát đang làm định kỳ hàng tháng biểu diễn phục vụ khách du lịch tại phố đi bộ Bùi Viện.

Du khách giờ đây không chỉ muốn xem nghệ thuật hát bội mà còn muốn thưởng thức cả không gian hát bội xưa được tái hiện lại. Vì vậy, chúng tôi đang làm việc và nhắm đến có thể đưa vở đến diễn tại những địa điểm phù hợp như Lăng Ông Bà Chiểu, đền thờ Vua Hùng ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM…".

Sanh vi tướng, tử vi thần (tác giả: NSƯT Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) được nhà hát dàn dựng bản 120 phút vào khoảng năm 2007.

Sau đó, nhà hát đã kết nối các công ty du lịch để giới thiệu đến khán giả nhưng mọi việc không thuận lợi. Vở diễn được "cất lại" và đến nay sau 12 năm, một lần nữa vở được ê kíp tính toán và trình làng với khán giả trong một diện mạo mới.

Sau đêm ra mắt ngày 20-9, Sanh vi tướng, tử vi thần bản 2019 sẽ còn diễn thêm hai suất, lúc 19h30 ngày 29-9 và 4-10 tại nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Trước giờ diễn, người xem sẽ được ngắm hình ảnh, trang phục, đạo cụ… của bộ môn hát bội được trưng bày trước sảnh nhà hát; xem các diễn viên hóa trang, vẽ mặt theo đặc trưng của nghệ thuật hát bội;…

Một số hình ảnh, trích đoạn của vở diễn:

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 5.

Biểu cảm ánh mắt, gương mặt của các diễn viên trẻ để lại ấn tượng mạnh cho khán giả - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 6.

Không lời, chỉ cần xem hành động trình diễn là có thể cảm được câu chuyện - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 7.

Một cảnh cảm động trong vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 8.

Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM tái dựng vở hát bội thể nghiệm Sanh vi tướng, tử vi thần - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 9.

Sanh vi tướng, tử vi thần là tác phẩm sân khấu hát bội phiên bản mới năm 2019, không lời, được đầu tư tái dựng phục vụ khách du lịch - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 10.

Hình ảnh những phụ nữ anh hùng dù bị xử tử cũng không hề run sợ trước quân thù, khiến người xem rung cảm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 11.

Một phân cảnh ấn tượng trong vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sanh vi tướng, tử vi thần và hát bội kiểu mới cho du khách - Ảnh 12.

Trên sân khấu, những hình ảnh quen thuộc nơi đồng quê, cảnh cày bừa, gieo hạt, sinh hoạt dân gian… được dàn dựng quen thuộc, thể hiện một không gian văn hóa làng xã độc đáo, đậm chất Việt - Ảnh: DUYÊN PHAN

Nét đẹp hát bội qua bộ sưu tập Hành trình về phương Đông Nét đẹp hát bội qua bộ sưu tập Hành trình về phương Đông

TTO - Hai nhà thiết kế trẻ Thế Huy và Hải Long vừa cho ra mắt bộ sưu tập Hành trình về phương Đông trong đêm thời trang tại Lăng Cô - Huế.

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên