Hướng đến người nghèo, chống tham nhũng
Phóng to |
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, do chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ trong thời gian qua, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng thêm gần 2 tỉ USD - Ảnh: T.T.D. |
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết trong mấy tháng đầu năm 2011, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã tăng thêm gần 2 tỉ USD. Phó thủ tướng cũng thông báo cho các nhà tài trợ và cộng đồng doanh nghiệp những mục tiêu quan trọng về kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Những bước tiến ban đầu
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, với cách điều hành như thời gian qua, nguồn dự trữ sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Dự kiến năm 2012, lượng dự trữ ngoại tệ cần thiết tương đương khoảng 16 tuần nhập khẩu. Về tài khóa, Phó thủ tướng khẳng định: “Chắc chắn đầu tư công của doanh nghiệp nhà nước trong năm 2011 sẽ giảm. Với ngân sách nhà nước, năm nay mức bội chi dự kiến của Quốc hội là 5,3%. Chúng tôi sẽ hướng tới mức dưới 5% GDP”.
Mối quan tâm của các nhà tài trợ xoay quanh tình hình thực hiện nghị quyết 11 (NQ11) của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết tổng số kinh phí các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đăng ký thực hiện tiết kiệm là 3.858 tỉ đồng.
Trong khi đó, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết từ cuối tháng 4 thị trường ngoại tệ đi vào ổn định, không còn tình trạng hai tỉ giá. Từ khi thực hiện NQ11, VND lên giá ở mức độ nhẹ và Ngân hàng Nhà nước cũng có điều kiện cải thiện dự trữ ngoại tệ. Với thị trường vàng, từ chỗ năm 2010 và quý 1-2011 giá cả biến động bất thường và có tình trạng đầu cơ, làm giá, nhưng kể từ cuối tháng 4 trở lại đã đi vào ổn định, giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá vàng thế giới dù không nhiều.
Về lãi suất cho vay dao động 13-17%, ông Bình cho hay trong bối cảnh lạm phát còn cao như hiện nay, lãi suất liên ngân hàng như vậy là hợp lý. “Có nhiều ý kiến doanh nghiệp muốn lãi suất cho vay phải thấp hơn nữa. Chúng tôi cho rằng đó là kỳ vọng chính đáng, nhưng khi NQ11 đã định hướng lạm phát năm nay khoảng 15% thì để phục vụ sản xuất kinh doanh, lãi suất huy động khoảng 15-16% và cho vay ở mức 17-19% là hợp lý” - ông Bình nhấn mạnh.
Kỳ vọng từ nhà tài trợ và đầu tư
Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ông Benedict Bingham công nhận NQ11 đã đạt một số thành công ban đầu. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, ông nói: “Dự trữ ngoại hối của Việt Nam bắt đầu tăng, tiền đồng bắt đầu có dấu hiệu mạnh hơn”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Lòng tin vào thành công của NQ11 còn mong manh. Sự ổn định của tiền đồng còn mang tính tạm thời và nền kinh tế chưa được xem là ổn định”.
Đại sứ Úc Allaster Cox cho rằng cần có những đánh giá chi tiết hơn nữa về việc thực hiện NQ11. “Làm thế nào Chính phủ lôi kéo được sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc chống lạm phát; làm sao để cải thiện việc sử dụng nguồn lực công của các doanh nghiệp nhà nước và mức độ, thời gian biểu Chính phủ sẽ cung cấp các dữ liệu về tình hình kinh tế vĩ mô...” - ông Allaster Cox nói.
Tương tự, đại sứ Anh và đại sứ EU cùng bày tỏ lo ngại lòng tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng vì sự thiếu minh bạch thông tin kinh tế vĩ mô. Ông Trương Chí Trung trả lời: “Trong báo cáo của Chính phủ hằng năm trước Quốc hội, có phần số liệu chung của doanh nghiệp nhà nước. Đây là nhiệm vụ của chúng tôi và chúng tôi sẽ công khai hơn nữa ngân sách nhà nước”.
Trước những băn khoăn từ các nhà tài trợ về tác động tiêu cực của thông báo 197 của Bộ Công thương về hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định biện pháp này phù hợp thông lệ của Tổ chức Thương mại thế giới và đây là biện pháp đảm bảo chất lượng và tiêu chí các sản phẩm vào Việt Nam. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng khẳng định Bộ Công thương sẽ tiếp thu phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp.
“Thời gian tới, tôi chưa thể nói chính xác có gì thay đổi cụ thể nhưng những khó khăn của doanh nghiệp trong việc có giấy chỉ định, giấy ủy quyền thì phối hợp với Bộ Ngoại giao để sớm ban hành hướng dẫn giúp các doanh nghiệp ở nước ngoài và nhà nhập khẩu Việt Nam có giấy tờ đó. Ngoài ra, về kiểm soát chất lượng, kỹ thuật tại các cửa khẩu chúng tôi sẽ xem xét để đảm bảo nhanh hơn, giải phóng hàng sớm hơn”.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, sử dụng một cách linh hoạt và thận trọng, tiếp tục đầu tư công một cách có hiệu quả và giảm bội chi ngân sách nhà nước; tiếp tục giải quyết các chỉ tiêu vĩ mô khác, đồng thời hỗ trợ sản xuất, nhất là của doanh nghiệp vừa và nhỏ và sản xuất nông nghiệp.
* Ông VÕ HỒNG PHÚC (bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư): Sẽ thêm biện pháp đảm bảo an sinh xã hội Chính phủ nói rõ với các nhà tài trợ rằng NQ11 sẽ được triển khai hết năm 2011. Nếu những dấu hiệu của tình hình bất ổn thì chúng ta sẽ thực hiện nghị quyết những năm tiếp theo. Về vấn đề an sinh xã hội, Chính phủ hiểu rằng hiện nay giá cả, tiền lương đang là vấn đề lớn thách thức người nghèo. Khủng hoảng tài chính hay lạm phát ảnh hưởng đến người dân rất lớn. Chính phủ và các nhà tài trợ đảm bảo sẽ thực hiện biện pháp đảm bảo an sinh xã hội. * Ông BENEDICT BINGHAM (đại diện thường trú cao cấp của IMF tại Việt Nam): Có thể giảm thâm hụt ngân sách còn 4% GDP Phần lớn gánh nặng chắc chắn rơi vào chính sách tiền tệ. Nhưng chính sách tiền tệ cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ chính sách tài khóa. Cả NQ11 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đều có cùng một “ngôn ngữ” đúng đắn, nhưng vấn đề là làm thế nào để thực hiện các biện pháp đã đề ra. Chúng tôi tin rằng nếu tiết kiệm phần lớn các khoản vượt thu dự kiến thì thâm hụt ngân sách có thể giảm còn khoảng 4% GDP trong năm nay... Quá trình ổn định kinh tế vĩ mô sẽ cần thời gian chứ không phải là bài tập có thể hoàn thành trong ba tháng. * Ông AYUMI KONISHI (giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam): Giảm lạm phát cần 12-18 tháng Chúng tôi tin rằng để giảm lạm phát cần 12-18 tháng. Tôi rất vui khi thấy Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói NQ11 sẽ được tiếp tục trong năm 2011. Chúng tôi ủng hộ NQ11 nhưng việc thực hiện sẽ mất thời gian, đồng thời NQ11 cần phải được thực hiện hiệu quả. Từ trước đến giờ chúng ta thấy có nhiều hành động về khía cạnh cạn tiền tệ nhưng còn các vấn đề liên quan đến thương mại, công bố thông tin, khía cạnh tài khóa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận