09/06/2011 17:11 GMT+7

Hướng đến người nghèo, chống tham nhũng

VĂN ĐỊNH - HƯƠNG GIANG
VĂN ĐỊNH - HƯƠNG GIANG

TTO - Đánh giá lại việc thực hiện cam kết, đưa ra biện pháp phối hợp giữa Chính phủ và các nhà tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ, là chủ đề buổi khai mạc Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2011 diễn ra tại TP Hà Tĩnh.

7X21ncwz.jpgPhóng to
Các đại biểu tham gia hội nghĩ giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra tại TP Hà Tĩnh

Tham dự có Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cùng đại sứ, đại diện các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh tình hình kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm có biến đổi. Chính yếu tố này đã và đang làm tăng sức ép tới nền kinh tế vĩ mô. “Đứng trước tình hình đó, Chính phủ lấy mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ trọng tâm”.

Ngay buổi sáng khai mạc, các nhà tài trợ đã nghe đại diện Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành nói về tình hình thực hiện nghị quyết 11 (NQ 11). Đặc biệt nêu rõ về lĩnh vực tài chính và tiền tệ, minh bạch trong tài khóa và ngân sách, hiệu quả đầu tư công và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Các nhà tài trợ nhất trí cho rằng NQ 11 là một bước đi đúng hướng, là một chính sách từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang đảm bảo ổn định.

Đi vào thảo luận, đại sứ Úc Allaster Cox đánh giá khá nghiêm khắc về tình hình thực hiện NQ 11 và đưa ra những băn khoăn: liệu Chính phủ xem xét lại cơ chế chỉ đạo trong chính sách tiền tệ để ủng hộ các công cụ dựa vào thị trường; NQ 11 có xem xét thiết lập mục tiêu lạm phát cụ thể hay không; làm thế nào Chính phủ lôi kéo được sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc chống lạm phát…

Đại sứ Úc, đại sứ Anh và đại sứ EU bày tỏ lo ngại lòng tin của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng vì sự thiếu minh bạch thông tin kinh tế vĩ mô.

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh hội nghị này một lần nữa đánh giá lại việc đã làm đối với nghị quyết và bàn tới việc tiếp tục giải quyết nghị quyết như thế nào. Các nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài đều được sử dụng hiệu quả, đồng thời cũng cảnh báo những khả năng có thể sử dụng không hiệu quả vì tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu vẫn còn.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đều nhất trí đánh giá vốn ODA dành cho Việt Nam và các khoản tài trợ khác cho Việt Nam đến nay có hiệu quả.

b10rzZiM.jpgPhóng to
Bà Victoria Kwakwa, giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, trả lời phóng viên trong và ngoài nước

Bảo vệ người nghèo, chống tham nhũng trong công nghiệp khai khoáng là chủ đề của buổi chiều. Các nhà tài trợ chỉ rõ lạm phát cao sẽ tác động nhiều hơn đến người nghèo và có khả năng đẩy nhiều hộ gia đình vào tình trạng nghèo đói. Các nhà tài trợ lại một lần nữa đưa ra các biện pháp bảo trợ xã hội. Nhưng biện pháp đưa ra phải cần có một hệ thống bảo trợ.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới Victoria Kwakwa cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay là xây dựng được một hệ thống an sinh cho người nghèo và nhóm người dễ bị tổn thương và khẳng định Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo.

Quyền điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc Bruce Campbell cho rằng Việt Nam tiếp tục hành động một cách quyết đoán nhằm giải quyết những thách thức đã nêu ra ở hội nghị. Đồng thời kiềm chế lạm phát, tăng cường công tác bảo trợ xã hội cho tất cả các đối tượng cần bảo trợ. Ông Bruce Campbell nói Liên Hiệp Quốc luôn sẵn sàng tiếp tục hỗ trở Việt Nam.

Bà Victoria Kwakwa cho rằng: "Nâng cao năng suất cũng như hiệu quả của nền kinh tế, giúp cho Việt Nam có thể chuyển sang một nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cần hết sức tránh sự trì trệ vốn được coi là "cái bẫy" đối với các nước có thu nhập trung bình".

Khuyến cáo được các nhà tài trợ đưa ra là Việt Nam cần tiếp tục chú trọng tăng trưởng ở những lĩnh vực có tính bền vững. Ví dụ như thông qua cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và trong các lĩnh vực quản lý hoạt động công nghiệp và đầu tư nhà nước, tăng thêm giá trị cho các hàng hóa dịch vụ xuất khẩu, đồng thời cải cách chính sách đất đai, công nghệ...

Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam cần thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để khôi phục có trật tự các điều kiện thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát. Trong trung hạn, thị trường ngoại hối chỉ có thể ổn định nếu lạm phát được duy trì ở mức thấp, điều này thực hiện được thông qua việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm gần đây.

VĂN ĐỊNH - HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên