20/09/2016 09:00 GMT+7

Thế trận Biển Đông đang thay đổi

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Tín hiệu đầu tiên đó là Philippines không còn đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, thay vào đó Manila chọn con đường đối thoại song phương.

*** Error ***
Quân đội Trung Quốc và Nga tập trận tấn công đổ bộ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 14-9 - Ảnh: REUTERS

Theo báo Philippines Star, trong cuộc gặp với giới kiều bào tại Đại sứ quán Philippines ở Washington (Mỹ) cuối tuần qua, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết Manila đang âm thầm dàn xếp với Bắc Kinh thông qua các kênh ngoại giao nhằm tiến tới đàm phán song phương vô điều kiện về tranh chấp trên Biển Đông.

Việc Manila thay đổi cách tiếp cận vấn đề Biển Đông kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền khiến đồng minh và các nước ủng hộ lập trường của họ bối rối.

“Cần đối thoại song phương”

Tại cuộc gặp ở Đại sứ quán Philippines tại Washington, Ngoại trưởng Yasay giải thích thêm do quân đội Philippines được trang bị thua kém nên “không thể thắng Trung Quốc trong bất cứ trận chiến nào”, đây cũng là lý do tại sao Tổng thống Duterte trước đó ra lệnh cho hải quân Philippines không được tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông.

Ông Yasay giải thích thêm rằng từ góc nhìn của Bắc Kinh, có thể xem tuần tra chung là “một động thái khiêu khích”, khiến việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình càng trở nên khó khăn. “Điều quan trọng là chúng ta phải nói chuyện với họ (Trung Quốc)” - ông Yasay nhấn mạnh.

Trước đó, phát biểu tại tọa đàm ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington, Ngoại trưởng Yasay nói Philippines chưa sẵn sàng đàm phán vì Bắc Kinh không muốn đưa vào nghị trình phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).

“Quan điểm của chúng tôi là không đàm phán ngoài khuôn khổ phán quyết của Tòa trọng tài. Chúng tôi đang làm tất cả để đảm bảo đàm phán song phương (với Trung Quốc) sẽ diễn ra” - ông Yasay khẳng định.

Tuy nhiên ông Yasay không nói rõ Manila sẽ làm cách nào nếu Bắc Kinh không đồng ý. Cũng theo Ngoại trưởng Yasay, quan hệ Philippines - Trung Quốc không chỉ giới hạn ở mỗi tranh chấp lãnh hải. Hai nước còn các lĩnh vực đáng quan tâm khác như đầu tư, thương mại, du lịch... nếu thảo luận các vấn đề này trước có thể mở ra cánh cửa đàm phán về những bất đồng.

Trung Quốc cảnh cáo Nhật

Trong một diễn biến khác, cuộc tập trận hải quân quy mô nhất từ trước đến nay giữa Trung Quốc và Nga (Joint Sea-2016) diễn ra trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vừa kết thúc ngày 19-9.

Theo trang Sputnik của Nga, sự kiện này được lên kế hoạch trước vài tháng và trùng với kế hoạch diễn tập tuần tra “Tự do hàng hải” giữa Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông. Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo Tokyo không được bước qua “lằn ranh đỏ” này nếu không muốn “gánh hậu quả”.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 17-9 cũng đồng loạt chỉ trích dữ dội sự can thiệp của Tokyo sau khi Bộ trưởng quốc phòng Tomomi Inada, trong chuyến thăm Mỹ hôm 15-9, tuyên bố Lực lượng phòng vệ Nhật sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông thông qua hoạt động tuần tra chung với hải quân Mỹ.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu mô tả động thái này là “ngoại giao pháo hạm” và đe dọa Bắc Kinh có thể phản ứng bằng cách tăng tốc quân sự hóa hoặc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Trong kịch bản ADIZ, tờ báo Trung Quốc còn giải thích thêm “tàu chiến Nhật sẽ là mục tiêu chính của Trung Quốc”. “Chiến đấu cơ Trung Quốc có thể được triển khai bay ở độ cao thấp trên các con tàu Nhật để gây áp lực” - Thời báo Hoàn Cầu mô tả.

Ông Trương Bảo Huy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lingnan (Hong Kong), nhận xét sự hiện diện của Nhật ở Biển Đông sẽ không tác động đến hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, tuy nhiên các chiến dịch hàng hải của Nhật có thể gây ra các kịch bản nguy hiểm.

Ông Trương cũng cho rằng mối quan tâm của Nhật đối với Biển Đông chủ yếu xuất phát từ lợi ích chiến lược vì họ không muốn Trung Quốc độc chiếm tuyến hàng hải với 5.000 tỉ USD hàng hóa đi qua mỗi năm.

“Chúng ta không thể loại trừ tình huống tàu Trung Quốc đâm tàu Nhật hoặc có hành động cản đường. Trung Quốc chưa có hành động trực tiếp nào đối với Mỹ nhưng Nhật Bản là một câu chuyện khác

Ông TRƯƠNG BẢO HUY (giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Lingnan, Hong Kong)

 
PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên