Nhân viên cửa hàng trò chơi FAO Schwarz ở New York, Mỹ hóa trang thành người lính đồ chơi, nhưng vẫn không quên mũ chống dịch, phòng ngừa virus corona lây lan hôm 8-11-2020 - Ảnh: REUTERS
10 quốc gia đông dân nhất đang chiếm khoảng 2/3 trong tổng số ca bệnh COVID-19 toàn cầu, trong đó ba nước Mỹ, Ấn Độ và Brazil có nhiều người mắc bệnh nhất. Tổng số ca COVID-19 của ba nước này chiếm gần một nửa số ca toàn thế giới.
Virus lây nhanh hơn và xa hơn
Mỹ vẫn đang là nước bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nặng nề nhất với hơn 10 triệu ca mắc, hơn 239.000 người đã chết. Trong 10 ngày qua, theo Hãng tin Reuters, Mỹ ghi nhận khoảng 1 triệu ca bệnh, cũng là tỉ lệ lây nhiễm cao nhất kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên của nước này tại bang Washington 293 ngày trước.
Giới chuyên gia lo ngại sẽ xảy ra các đợt bùng dịch lớn tới đây khi người Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm với những chuyến du lịch hoặc đoàn tụ cùng bạn bè, người thân. Cuối tuần qua, phát biểu trên Đài CNBC, nguyên giám đốc Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), ông Scott Gottlieb, cho rằng số ca COVID-19 ở Mỹ sẽ bùng nổ trong các tuần tới.
Trong khi đó, nhiều quốc gia tại châu Âu cũng đang trải qua làn sóng thứ hai của đại dịch. Từ cuối tháng 10, Pháp, Anh, Tây Ban Nha đều đã vượt qua mốc 1 triệu ca ở mỗi nước. Cả ba đều đã tái áp đặt các biện pháp giới nghiêm, hạn chế và giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh.
Điều đáng lo ngại hơn theo tạp chí Vox (Mỹ), virus corona lúc này đang lây lan nhanh hơn và xa hơn nhiều so với trước đây, và những kỷ lục về số ca mắc mới thường xuyên được ghi nhận tại châu Âu và Bắc Mỹ. Một lần nữa số bệnh nhân COVID-19 tại châu Âu lại tăng vọt.
Mặc dù tình hình lây lan của dịch bệnh phần nào được kiểm soát tốt hơn tại Úc, New Zealand cũng như nhiều khu vực tại Đông Á và châu Phi, song tại Ấn Độ và nhiều phần thuộc Trung Đông, dịch vẫn đang lan rộng.
"Lạc quan thận trọng" về vắcxin
Trong lúc này, ngoài các vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên đã được phê chuẩn tại Nga và Trung Quốc, các hãng dược và trung tâm nghiên cứu tại nhiều nước vẫn đang dồn sức cho phát triển vắcxin.
Nhiều cuộc thử nghiệm quy mô lớn với hàng chục ngàn tình nguyện viên đang được thực hiện. Mặc dù một số công ty ban đầu nói những kết quả thử nghiệm lâm sàng đầu tiên có thể được công bố trong tháng 10, song nay đã phải lùi lại tới tháng 11 và tháng 12.
Hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) có thể sẽ công bố các dữ liệu thử nghiệm sớm trong tháng 11 này. Trong khi đó, Hãng AstraZeneca (Anh) phối hợp với ĐH Oxford cùng Công ty Johnson & Johnson cũng dự định công bố dữ liệu thử nghiệm với các vắcxin của họ trong năm nay.
Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Tổ chức Y tế thế giới đều đã thiết lập những bộ tiêu chuẩn tối thiểu khá giống nhau khi đánh giá hiệu quả của một vắcxin.
Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý tại những nơi đó sẽ đánh giá các ứng cử viên vắcxin sau khi nhận đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng từ các công ty. Một quyết định phê chuẩn vắcxin (nếu có) nhanh nhất cũng phải trong tháng 12 vì dự kiến tới nửa sau tháng 11 Moderna và Pfizer/BioNTech mới gom đủ dữ liệu đánh giá an toàn để trình lên nhà quản lý.
Bác sĩ Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ, chuyên gia cố vấn cao cấp về đại dịch COVID-19 cho Chính phủ Mỹ - nói ông "lạc quan thận trọng" về vắcxin ngừa virus corona.
Trong phần trao đổi trực tuyến với Hiệp hội Y khoa Mỹ cuối tuần qua, ông Fauci cho biết hiện Mỹ có 6 ứng cử viên vắcxin vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, 5 trong số đó đã ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba và 2 thử nghiệm đã tìm đủ được số tình nguyện viên tham gia.
Dù vậy ông Fauci cho rằng ngay cả khi đã có vắcxin rồi, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều thách thức bởi hai vấn đề: "Trước hết, vắcxin đó có hiệu quả ra sao? Và điều quan trọng không kém là bao nhiêu người sẽ chọn dùng vắcxin?".
Theo đó, ông cho rằng nếu có một vắcxin hiệu quả và một số lượng lớn người tin dùng nó thì "tôi nghĩ là chúng ta sẽ đi đúng hướng tiến tới một mức độ bình thường nào đó khi bước vào năm 2021 và quý 2, 3 và 4 của năm 2021".
Vắcxin của Pfizer và BioNTech hiệu quả 90%
Trong thông cáo được phát ngày 9-11, hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) cho biết loại vắc xin ngừa COVID-19 do hai công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người.
Pfizer và BioNTech hi vọng loại vắc xin trên sẽ được giới chức Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp quy mô rộng cho những người từ 16 đến 85 tuổi. Nếu được cấp phép, hai hãng này khẳng định đủ sức sản xuất 50 triệu liều vắcxin trước cuối năm nay và 1,3 tỉ liều trong năm 2021. Chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 9-11 đã ngập tràn sắc xanh sau thông tin trên.
BẢO DUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận