04/01/2016 08:32 GMT+7

Thế giới quan ngại, kêu gọi kiềm chế

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Theo Reuters, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã ra tuyên bố cho biết “vô cùng thất vọng” về việc Saudi Arabia tử hình 47 người can tội khủng bố, kích động nổi loạn.

Ông cũng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời cũng thúc giục các lãnh đạo trong khu vực làm việc với nhau để tránh gia tăng căng thẳng giáo phái.

Tuy vậy, điều đó không ngăn được cơn giận từ Iran. Thậm chí, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei mô tả quyết định của Saudi Arabia là “hành vi tắm máu bất công”, “sai lầm chính trị” và cảnh báo chính quyền Saudi Arabia sẽ đối mặt với “đòn báo thù thần thánh”.

Trang web của lãnh tụ Khamenei đăng bức ảnh một đao phủ Saudi Arabia bên cạnh gã đao phủ “John thánh chiến” của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kèm theo câu hỏi: “Có gì khác biệt không?”.

Lực lượng vệ binh cộng hòa Iran cũng đe dọa “báo thù quyết liệt” Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích Saudi Arabia “ủng hộ các phong trào khủng bố và cực đoan nhưng đàn áp những tiếng nói phản đối trong nước”, đồng thời đe dọa Saudi Arabia “sẽ phải trả giá đắt”.

Ngay cả đồng minh Mỹ cũng chỉ trích Saudi Arabia. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng vụ hành quyết giáo sĩ Nimr “làm dấy lên nguy cơ thổi bùng căng thẳng giáo phái trong thời điểm căng thẳng cần được giảm đi”. Washington kêu gọi chính quyền Saudi Arabia “tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, đảm bảo quy trình xét xử công bằng và minh bạch”.

Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu, bà Federica Mogherini cũng đưa ra quan điểm tương tự. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng bày tỏ sự lo ngại và kêu gọi kiềm chế.

Một số nhà quan sát cho rằng dù vụ hành quyết giáo sĩ Nimr gây phẫn nộ lớn, nhưng mục tiêu chủ yếu của Saudi Arabia khi hành quyết 47 tù nhân là trấn áp phong trào “thánh chiến” ở nước này. Năm 2015, hàng chục người ở Saudi Arabia đã thiệt mạng vì các vụ tấn công khủng bố.

Những năm qua, hoàng tộc Al Saud ngày càng lo ngại với việc bạo lực ở Syria và Iraq đã truyền lửa cho phong trào thánh chiến muốn lật đổ vương triều Saudi Arabia và giúp tăng cường ảnh hưởng khu vực của Iran.

Dù vậy, những người chỉ trích cho rằng bản thân hoàng tộc Al Saud đã không nỗ lực trấn áp tư tưởng cực đoan trong nước, thả lỏng để các giáo sĩ thường xuyên tuyên truyền lòng căm thù “bọn ngoại đạo” và tôn vinh các nguyên tắc của phong trào thánh chiến cực đoan.

Giáo sĩ Nimr từng học đạo tại Iran, là nhân vật phản đối vương triều Saudi Arabia dữ dội nhất trong cộng đồng người thiểu số Shiite ở quốc gia Sunni này. Ông từng kêu gọi tách các tỉnh Qatif và Al-Ihsaa nơi người Shiite chiếm đa số ra khỏi Saudi Arabia và sáp nhập vào Bahrain.

Một số nhân chứng cho biết nội thất bên trong tòa nhà sứ quán Saudi Arabia tại Tehran đã bị phá hủy hoàn toàn. Cảnh sát Iran đã bắt giữ 40 kẻ làm loạn. Ở Mashhad, thành phố lớn thứ hai Iran, người biểu tình cũng đốt tòa lãnh sự quán Saudi. Ở Bahrain, quốc gia đồng minh của Saudi Arabia, hàng trăm người Shiite biểu tình rầm rộ phản đối Saudi Arabia. Tại Iraq, biểu tình cũng nổ ra ở thành phố Karbala.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên