27/08/2020 11:29 GMT+7

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 2: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến gần 1,6 tỉ người học

BÌNH MINH thực hiện
BÌNH MINH thực hiện

TTO - UNESCO ước tính khoảng 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác ở tất cả cấp học có thể bỏ học, hoặc không được đến trường vào năm 2021 do chỉ riêng tác động kinh tế của đại dịch.

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 2: Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến gần 1,6 tỉ người học - Ảnh 1.

Học sinh tham gia các hoạt động trong chương trình do UNESCO tổ chức - Ảnh: UNESCO

Đại dịch COVID-19 đã tạo nên nhiều sự thay đổi trong giáo dục trong và ngoài nước. Từ sự bị động khi buộc phải đóng cửa trường học hàng loạt, hệ thống giáo dục các nước và tại Việt Nam dần lấy lại sự chủ động khi chuyển sang các hình thức học tập ứng dụng công nghệ. Trong đó, giáo viên, phụ huynh và học sinh thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh.

Tuổi Trẻ có bài phỏng vấn ông Toshiyuki Matsumoto - chuyên gia giáo dục thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNESCO) - về các thách thức và cơ hội đặt ra trong bối cảnh dịch COVID-19 trên toàn cầu.

photo_toshiyuki matsumoto 1(read-only)

Ông Toshiyuki Matsumoto - chuyên gia giáo dục thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam


* Thưa ông, đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức nào cho giáo dục toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng?

- Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến gần 1,6 tỉ người học, tương đương 94% người học trên toàn thế giới, ở tất cả các cấp học tại hơn 190 quốc gia. 

Cuộc khủng hoảng đang làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về trình độ giáo dục đã có từ trước, bằng cách cản trở nhiều người học dễ bị tổn thương nhất, bao gồm những người sống ở vùng nông thôn hoặc nghèo, trẻ em gái, người tị nạn, người khuyết tật... tiếp tục việc học. 

UNESCO ước tính khoảng 23,8 triệu trẻ em và thanh thiếu niên khác ở tất cả các cấp học có thể bỏ học, hoặc không được đến trường vào năm 2021 do chỉ riêng tác động kinh tế của đại dịch.

Những tác động quy mô toàn cầu này cũng liên quan đến hệ thống giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, đợt bùng phát dịch đầu tiên buộc các trường học phải đóng cửa, đã ảnh hưởng đến học tập của học sinh do chương trình học và thời gian học bị rút ngắn, mặc dù các giải pháp đào tạo từ xa đã được sử dụng như một giải pháp thay thế để đảm bảo việc học liên tục.

Đợt bùng phát gần đây nhất xảy ra ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến học sinh, gia đình, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục gia tăng áp lực... Điều quan trọng là kỳ thi này phải đảm bảo sự công bằng và không bỏ sót một ai, để những người học bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 không bỏ lỡ cơ hội theo đuổi giáo dục đại học hoặc lựa chọn nghề nghiệp.

* Những phương pháp học mới ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ là thách thức đối với những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn hoặc sống ở vùng sâu vùng xa trong việc tiếp cận giáo dục. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?

- Việc đóng cửa trường học và sự chuyển đổi sang hình thức học từ xa, bao gồm việc học trực tuyến trong đại dịch COVID-19, đã khiến khoảng cách kỹ thuật số trở nên rõ rệt hơn.

Nhiều người học có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em gia đình có thu nhập thấp, trẻ em ở nông thôn và miền núi, rơi vào tình trạng không có máy tính gia đình hoặc không có Internet tại nhà để sử dụng. 

Giáo viên, đặc biệt là ở các vùng khó khăn và vùng sâu vùng xa, cũng gặp nhiều thách thức trong việc dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, học sinh dân tộc thiểu số không được hưởng lợi từ việc học trực tuyến do thiếu tài liệu bằng tiếng dân tộc.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã mang lại sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự phân chia kỹ thuật số, đòi hỏi sự chú ý kịp thời. Chính phủ và các tổ chức cần làm việc cùng nhau để xóa bỏ các rào cản công nghệ bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giảm chi phí kết nối.

Việc dựa vào công nghệ sẽ không thể tự nó mang lại hiệu quả học tập cho tất cả trẻ em. Cần đảm bảo rằng khi trẻ có khả năng truy cập Internet tốt hơn, phụ huynh sẽ hỗ trợ trẻ nhiều hơn và các tài liệu phải giúp tối đa hóa lợi ích học tập hơn bất kỳ giải pháp kỹ thuật số nào. 

Bên cạnh đó, những phương pháp tiếp cận giáo dục với công nghệ thấp hoặc không sử dụng công nghệ cần được tiếp tục áp dụng đối với những người có khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế.

* Người trẻ có những thế mạnh nào giúp họ thích nghi nhanh hơn với những thay đổi trong phương thức tiếp cận giáo dục, nhất là trong các tình huống không lường trước như việc chuyển sang học online do ảnh hưởng của dịch COVID-19?

- Trong thời đại các giải pháp công nghệ hỗ trợ học tập ngày càng phổ biến, thế hệ trẻ có lợi thế trong việc nhanh chóng thích nghi với những cách học mới nhờ được tiếp xúc với công nghệ hiện đại ngay từ khi còn nhỏ. Đối với nhiều người trẻ, công nghệ đã trở thành một khía cạnh không thể thiếu trong cuộc sống, và họ không ngại thử nghiệm và trải nghiệm những công nghệ mới nhất. Khả năng thích ứng với công nghệ mới không chỉ có lợi cho chính các bạn trẻ mà còn giúp những người xung quanh họ học hỏi về những công nghệ này.

Nhìn chung, sự nhiệt tình của người trẻ đối với công nghệ cho phép họ học tập và tham gia hiệu quả trong bối cảnh đào tạo từ xa có hỗ trợ công nghệ đang nổi lên như hiện nay.

* Vai trò của phụ huynh và giáo viên trong việc hỗ trợ học sinh tiếp cận các phương pháp giáo dục mới là gì, thưa ông?

- Giáo viên và phụ huynh nên sẵn sàng hỗ trợ cho học sinh và trẻ em học tập tại nhà. Giáo viên cần chuẩn bị trong việc thiết kế và tạo điều kiện để trẻ học trực tuyến, học từ xa qua tivi hoặc đài phát thanh, hoặc in tài liệu học tập tại nhà; và phụ huynh cần tạo điều kiện để trẻ học tập hiệu quả.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều giáo viên chưa được chuẩn bị đầy đủ cho việc chuyển đổi sang hình thức học tập mới, và nhiều phụ huynh không có đủ thời gian để theo dõi lịch học cũng như quản lý quá trình học tại nhà của con.

Về giải pháp, giáo viên cần được hỗ trợ trong việc lập kế hoạch để dạy học từ xa và thu hút sự tham gia của phụ huynh. Việc hỗ trợ giáo viên bao gồm tổ chức các khóa đào tạo nhanh về cách sử dụng các công cụ đào tạo từ xa, cách thiết kế các hoạt động đào tạo từ xa để thích nghi với môi trường học tập mới, khuyến khích và hướng dẫn phụ huynh tham gia quản lý việc học tập của con tại nhà bằng các tài liệu tham khảo.

Thế giới như tôi thấy - Kỳ 1: Thiên nhiên đâu nhiều rác như thế! Thế giới như tôi thấy - Kỳ 1: Thiên nhiên đâu nhiều rác như thế!

TTO - Việt Nam thải ra môi trường hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, theo một thống kê của UNDP. Chỉ 27% trong số đó được tái chế.

BÌNH MINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên