27/08/2012 10:37 GMT+7

Thế giới của ba người

YẾN TRINH - HẢI YẾN
YẾN TRINH - HẢI YẾN

TT - Từ một cậu bé hiếu động, sau một ngày phát bệnh năm 12 tuổi do di chứng chất độc da cam từ cha, Trung nằm một chỗ. Nhưng bàn tay và đôi mắt Trung vẫn ngày ngày muốn nắm bắt cuộc sống.

McECEslO.jpgPhóng to

Bà Tâm như con cò vắt kiệt sức mình mấy mươi năm nay để chăm sóc cho Trung và chồng - Ảnh: YẾN TRINH

Trần Hữu Trung là con trai đầu của ông Trần Quốc Phương và bà Nguyễn Thị Tâm ở P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM. Hai ông bà đều là thương binh. Từ khi Trung phát bệnh, bà Tâm như con cò vắt kiệt sức mình để chăm con, ngoài việc lo cho chồng. Chồng bà - ông Phương - không còn thấy đường do ảnh hưởng sức ép của bom, không còn khả năng lao động.

Bà Tâm mang đủ thứ bệnh trong người và mắc chứng hay quên do chấn thương sọ não nhưng giờ trở thành người cáng đáng mọi chuyện trong gia đình. “Quên gì thì quên nhưng mỗi khi nhìn con mình nằm đó, tui nhớ ngay lập tức là mình còn nó trên đời này” - bà Tâm nói.

Cả gia đình ba người (còn con gái ông bà đã lấy chồng và có cuộc sống riêng) sống bằng tiền trợ cấp thương binh và nạn nhân chất độc da cam. Trong căn nhà chỉ có chiếc tivi là đáng giá. Sáng sáng, bà Tâm đi bộ ra chợ cách nhà gần cây số, đứng bần thần vì “tui chẳng nhớ được ổng dặn mua cái gì nấu nướng”, rồi cũng xách về mớ rau con cá. Mỗi lần ăn cơm, bà dọn riêng một mâm cho Trung. Trung làm gì cũng đều ở trên giường. Hai ông bà hơn 70 tuổi không còn đủ sức ẵm Trung đi lên đi xuống nữa.

Bà Tâm miệng móm đến nỗi nhìn sơ qua là đếm được còn mấy cái răng, nhưng nụ cười khi nói về Trung thì luôn thoáng chút âu yếm ngại ngần: “Nó thích ăn khoai lang lắm, cứ cách ngày là tui lại mua khoai luộc sẵn về cho nó”, “Nó cũng khó tính, nói chuyện gì tui cũng phải khơi dữ lắm nó mới chịu nói”... Rồi bà nhìn qua giường, thấy Trung khó nhọc xoay người và ánh mắt đờ đẫn nhìn lên trần nhà. Bà khóc. Tiếng khóc không thoát ra được, chỉ có nước mắt ầng ậng trên đôi mắt mờ đục: “Đêm nào nó cũng trở mình. Tôi hỏi “con đau hả Trung?”, nó lại nằm yên. Lúc đó, tôi chỉ mong mình chịu đau giùm cho nó...”.

Trung làm cái gì cũng nghiêng, nhìn nghiêng, ăn nghiêng và nếu có được tờ báo hay quyển sách mỏng cũng đọc nghiêng vì không xoay hẳn người lại được. Trung chỉ còn hai tay là cầm được vật nhẹ, còn thân thể teo quắt như trái dừa khô. Mỗi khi muốn nhìn ra đường, Trung lại cố giơ cao cái gương soi có khung màu xanh lên khỏi cửa sổ. Bàn tay đỏ như bị lột da cứ run run, nhưng ánh mắt Trung luôn nhìn chăm chăm vào cái gương. Xe cộ vù qua, người dạo bước ngoài đường... qua gương đều nhỏ bé và méo mó.

Buổi tối, cha mẹ ngồi kế bên, Trung nằm trên giường. Ba con người cùng hướng mắt lên tivi. Ông Phương coi tivi bằng... tai nên lâu lâu lại hỏi Trung vài câu vì “nó là con mắt của tui mà, với lại tui phải gợi chuyện bởi nó lúc nào cũng lặng im”.

Hiếm hoi lắm căn nhà ấy mới có người tới lui thăm nom, chủ yếu là đồng đội của ông bà từ thời ở chiến trường. Rồi khi người khách ra cửa, Trung lại ngoẹo đầu và bàn tay cố gắng cứng cáp để nâng chiếc gương soi lên cửa sổ. Nhưng khi khách quay nhìn, Trung lại bỏ cái gương qua một bên vờ như không chú ý. Cứ vậy, cái gương nâng lên hạ xuống cho đến khi khách đi khuất hồi lâu. Ông Phương thì chỉ đi tới đi lui trong căn nhà bề ngang chừng 4m. Từ khi Trung bệnh, bà Tâm cũng chỉ đi từ nhà ra chợ, hoặc cùng lắm là đến UBND phường lĩnh tiền trợ cấp hằng tháng rồi về. Thế giới của ba người thật lặng lẽ và lạc lõng...

YẾN TRINH - HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên